Những lớp học đặc biệt
Ngày lên rẫy, tay cuốc tay cày, đêm về, những người nông dân chân lấm tay bùn ở vùng biên Sa Thầy dù tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình đến lớp “bình dân học vụ” để quyết học lấy con chữ. Sự quyết tâm của những học sinh đặc biệt này đã làm cho đội ngũ giáo viên nơi đây ấm lòng, không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ học tập suốt đời của bà con.
Đội đèn pin đi học chữ
Do điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nên nhiều người đồng bào DTTS ở vùng biên Sa Thầy không biết con chữ. Giờ đây, họ đã yên bề gia thất, tuổi đã lớn, thậm chí, có người đã lên chức ông bà nội, ngoại nhưng giờ đây vẫn đến lớp “bình dân học vụ” để học con chữ.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy, toàn huyện có khoảng hơn 2.000 người dân ở vùng đồng bào DTTS từ 15-60 tuổi mù chữ. Đây là những trường hợp tái mù chữ và không biết chữ vì chưa được học. Vì vậy, từ đầu tháng 10/2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy đã tổ chức 17 lớp xóa mù chữ vào ban đêm cho 480 học viên tại 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đây là sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là ngành Giáo dục huyện Sa Thầy.
|
Chúng tôi về xã vùng biên giới Ya Ly (huyện Sa Thầy) vào một buổi tối cuối tháng 10. Trong cơn mưa tầm tã, những bác, những chú, những cô ban ngày vất vả với công việc ruộng rẫy nhưng đêm về vẫn rọi đèn pin soi đường đến lớp học tại điểm trường Tiểu học và THCS Ya Ly ở làng Tum. Phía trong lớp, ánh điện đã được bật sáng trưng chào đón các học sinh đặc biệt này. Lớp học có 25 học sinh là người DTTS từ 35 đến 60 tuổi. Những học sinh đặc biệt ở lứa tuổi trung niên, thậm chí có người đã lên chức ông bà đến lớp với niềm háo hức, vui mừng được học con chữ.
Đến nay, đã hơn một tháng lớp học tại làng Tum nói riêng và trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện Sa Thầy nói chung được tổ chức. Từ đó đến nay, đều đặn các buổi tối trong tuần, những người nông dân vốn chân lấm, tay bùn lại say sưa nắn nót từng nét chữ, con số với mong muốn hết sức giản dị: Biết viết tên mình, tính toán các con số để không bị nhầm lẫn khi mua, bán nông sản cho các thương lái.
Với những học sinh đặc biệt này, dù tuổi đã lớn nhưng không hề do dự, ngại ngùng. Buổi học nào họ cũng say sưa, sẵn sàng hỏi những chuyện chưa hiểu với các thầy cô giáo chỉ mới bằng tuổi con cháu mình. Mặc cho tuổi tác, tay cứng mắt mờ nhưng họ vẫn cẩn thận nắn nót viết từng nét chữ.
Những bàn tay chai sạn vốn chỉ quen với cái cày cái cuốc, giờ đây lại cần mẫn mỗi tối, nắn nót từng nét chữ, con số. Có người lớn tuổi, mắt mờ, dù có điện nhưng phải đeo thêm chiếc đèn pin trên đầu để nhìn cho rõ. Nhìn những hình ảnh ấy, các thầy cô giáo và nhiều người khác nữa không khỏi cảm phục với những học sinh đặc biệt này.
|
Bà Y Êh (55 tuổi, ở làng Tum, xã Ya Ly) giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại nhưng chưa một lần được học con chữ. Cả đời bà đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả nhưng bà đều đã vượt qua. Hôm nay, đến học con chữ, với bà thấy còn khó khăn hơn gấp bội bởi tuổi đã lớn. Thậm chí, do mắt đã mờ nên bà Y Êh phải đeo thêm chiếc đèn pin trên đầu mới thấy được dòng kẻ để viết. Dù vậy, bà không nản chí. Từ ngày mở lớp đến nay, bà vẫn không bỏ một buổi nào. Sau hơn 3 tuần chăm chỉ học tập, đến nay, bà Y Êh không chỉ đã biết ghép chữ mà đã biết tính toán những con số. Đặc biệt, bà Y Êh là người lớn tuổi nhất lớp nhưng nét chữ lại khá thanh thoát và khá đẹp.
Bà Y Êh cho biết: Việc học khó thật, dù không nặng nhọc như cầm cuốc, cầm xẻng nhưng khi viết, tay bị cứng đơ, mỏi. Nhưng đến nay, tôi đã quen rồi. Từ nhỏ đến giờ mình chưa bao giờ được đi học nên rất thích. Đến nay, tôi đã biết ký được tên mình, biết cộng trừ, tính toán các con số nhỏ rồi, tôi vui lắm. Cảm ơn các thầy cô đã dạy cho tôi biết được con chữ, tôi sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa.
Chị Y Ngúp (37 tuổi, ở làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) chia sẻ: Mình cố gắng học cho biết chữ, cho biết tính toán, cho biết viết tên mình. Không biết chữ đi đâu cũng khó, đi bệnh viện họ nói mình viết tên mình không biết viết.
Còn anh A Bỉu (làng Tum, xã Ya Ly) cho hay: Trước mình cũng đã đi học, học lớp 2, 3 thôi, nhưng vì làng xa lớp học quá và cuộc sống khó khăn nên đã nghỉ học. Thấy người ta nói đi học lại lớp xóa mù chữ là mình đi học lại để biết viết, biết ghi tên, biết cộng trừ.
Thầy cô tình nguyện đứng lớp
Là cán bộ quản lý, nhưng cô Cao Thị Du- Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS xã Ya Ly cũng tham gia dạy học. Bản thân cô, hàng đêm cũng đến lớp, cầm tay, hướng dẫn cho học sinh đặc biệt này, uốn nắn từng nét chữ, chỉ cho họ biết từng chữ số, cách cộng trừ các con số để họ biết áp dụng vào đời sống hàng ngày.
Cô Du chia sẻ: Thú thật mới đầu tổ chức lớp tại làng Tum, chúng tôi cũng lo ngại sợ không có học sinh. Tuy nhiên, thấy các cô, chú, anh chị nhiệt tình cũng khiến tôi thêm cảm động và vui mừng, đồng thời sẽ cố gắng hơn nữa.
|
Còn cô Trịnh Thị Hồng- Trường Tiểu học và THCS xã Ya Ly cho biết, thấy các anh, chị học viên nhiệt tình và hăng say nên rất cảm động. Đó cũng là nguồn động lực để chúng tôi cố gắng, ngoài ban ngày giảng dạy cho các em học sinh trong độ tuổi ở trường, tối cố gắng sắp xếp để dạy cho các học sinh đặc biệt này biết thêm con chữ.
Trao đổi với chúng tôi, cô Võ Thị Kim Dung- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy cho hay: Khi tổ chức các lớp xóa mù chữ bà con rất vui mừng vì sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Trước đây, nhiều người không được đi học cũng vì điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ mất sớm phải đi làm nên giờ được trở lại trường học rất là vui. Các lớp học được bố trí vào buổi tối nên không ảnh hưởng đến công việc thường ngày. Các cô chú đã cố gắng sắp xếp thời gian đến lớp học đông đủ.
Cũng theo cô Dung, các lớp học đặc biệt này được tổ chức từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia trong vùng đồng bào DTTS. Các giáo viên đứng lớp đều xung phong trên tinh thần tình nguyện và không có bất cứ chế độ hỗ trợ nào. Còn những học sinh đặc biệt sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/ khóa học (theo NQ số 58/NQ/2022-HĐND, ngày 29/8/2022 của HĐND tỉnh).
Để việc học phục vụ đắc lực cho hoạt động lao động, sản xuất, lồng ghép trong các buổi học, các ban ngành địa phương, các thầy cô giáo còn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến các học viên lớn tuổi các cách làm hay, các mô hình phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, ngoài dạy chữ, làm toán, vào giờ giải lao, các thầy cô giáo, các tình nguyện viên còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo không khí vui vẻ để cuốn hút các học viên lớn tuổi hào hứng mỗi khi đến lớp.
Đêm đêm, ở những thôn làng vùng biên Sa Thầy, những tiếng đọc bài của các học sinh đặc biệt vẫn vang lên. Những lớp học này thể hiện rất rõ tinh thần học tập suốt đời của những người nông dân đã lớn tuổi, dù vất vả với việc ruộng rẫy nhưng vẫn hăng say học tập. Với tinh thần tự nguyện, tận tâm, tận tụy tham gia giảng dạy của các thầy cô giáo, những học sinh đặc biệt này quyết tâm học lấy con chữ để nâng cao nhận thức, có nếp nghĩ mới, cách làm mới, xây dựng cuộc sống của chính mình ngày càng tiến bộ, no ấm.
Văn Phương