Nghề chơi cũng lắm công phu
Ban chủ nhiệm các hội, đa phần là những thành viên ban đầu có niềm đam mê chăm chút chim cảnh, nghiên cứu và thử nghiệm sự biến hóa của các nước cờ. Gần 5 năm hoạt động, Ban chủ nhiệm các hội vẫn say với phong trào…
Năm 2011 đến nay, các hội chim chào mào và cờ tướng trên địa bàn tỉnh được thành lập và hoạt động khá hiệu quả. Ban chủ nhiệm các hội, đa phần là những thành viên ban đầu có niềm đam mê chăm chút chim cảnh, nghiên cứu và thử nghiệm sự biến hóa của các nước cờ. Gần 5 năm hoạt động, Ban chủ nhiệm các hội vẫn say với phong trào, luôn trăn trở phát triển hội viên và tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân…
Ông chủ quán cà phê kiêm chủ nhiệm hội cờ tướng
Năm 2011, phong trào mở cửa hàng kinh doanh giải khát (trên địa bàn thành phố Kon Tum) với sáng kiến bày biện nhiều bàn cờ tướng phục vụ giải trí miễn phí cho khách nở rộ. Quá trình “ăn nên làm ra” ở các quán cà phê kèm dịch vụ miễn phí này có cửa hàng cà phê cờ tướng Thành Đạt (đường Trường Chinh) của ông chủ Nguyễn Đức Đạt. Đến nay, cửa hàng cà phê "kiêm" nơi hoạt động của Hội Cờ tướng Thành Đạt thường xuyên đón 50 – 70 vị khách là thành viên, do ông Đạt làm chủ nhiệm. Đây là Hội cờ tướng được nhiều người biết đến, bởi lẽ hoạt động có uy tín, tổ chức nhiều giải cờ tướng không chuyên cấp tỉnh thu hút đông đảo người mê cờ tìm đến.
Điều khá lý thú, ông Đạt chia sẻ, năm 2011 trở về trước, bản thân ông không biết đến môn cờ tướng này, nhưng vì mưu sinh mở quán giải khát kèm phục vụ bưng bê, sắp xếp từng quân cờ tướng cho “thượng đế”, nên dần dà thu nạp ít kiến thức cơ bản về môn thể thao này…
Ông Đạt cho biết, sau khi về hưu, ông từ tỉnh Hải Dương vào thành phố Kon Tum thăm người quen, đồng thời tìm cơ hội kinh doanh nuôi sống bản thân. Năm 2011, ông thuê mảnh đất tại đường Trường Chinh (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) với ý định mở quán kinh doanh ăn uống. Nhưng sau gần 1 tháng loanh quanh khắp thành phố, ông lại đổi ý định chuyển sang xin giấy phép kinh doanh cà phê cờ tướng.
Từ những vị khách đầu tiên đến quán, năm 2012, mọi người đã kêu gọi ông Đạt đứng ra thành lập Hội với mục đích tổ chức các giải thi đấu giao lưu cho vận động viên không chuyên môn cờ tướng. Tuy nhiên, ông Đạt đã từ chối với lý do tuổi cao (gần 70), phần nữa không biết nhiều về các luật cờ tướng trong nước và quốc tế nhưng anh em vẫn tình nguyện đề xuất ông Đạt làm Chủ nhiệm Hội bởi sự nhiệt tình, mặt khác khuôn viên sân vườn Thành Đạt rộng gần 1.000m2 có nhiều cây xanh mát, có đến 15 bộ bàn ghế với 15 bộ cờ tướng đủ cho các đối thủ đầy đam mê tranh tài, tập dượt mỗi khi rảnh rỗi. Vậy là, ông nhận chức Chủ nhiệm Hội Cờ tướng “không lương” có 75 hội viên tham gia hoạt động đến nay.
|
Ông Đạt còn cho biết, đầu xuân Ất Mùi 2015 vừa qua, Hội Cờ tướng Thành Đạt đã tổ chức giải cờ tướng mở rộng cấp tỉnh lần thứ I, thu hút 34 kỳ thủ không chuyên của 5 tỉnh: Kon Tum, Bình Phước, Bình Định, Gia Lai, Quảng Bình về tranh tài… Hiện tại, Hội đã có văn bản đề nghị các cấp cho đăng cai tổ chức giải cờ tướng toàn tỉnh mở rộng dành cho thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh, nhân dịp hè sắp đến, hiện đang chờ ý kiến các sở, ngành liên quan. Theo ông, ý tưởng này được ấp ủ rất lâu với mong muốn có sân chơi lành mạnh cho học sinh, cũng như khơi dậy phong trào yêu thích môn cờ tướng vốn có lâu đời trong đời sống văn hóa dân gian vào các dịp lễ, hội của dân tộc Việt Nam.
Nói về Hội Cờ tướng Thành Đạt, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể dục – Thể thao tỉnh (Sở VHTT&DL) cho biết: Hội Cờ tướng Thành Đạt hoạt động khá thường xuyên, thu hút nhiều anh em vận động viên môn cờ tướng chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh. Đây là sân chơi lành mạnh cần được khuyến khích mở rộng để các tầng lớp nhân dân có sân chơi bổ ích, rèn luyện trí tuệ, sức khỏe.
Chung niềm đam mê
Thu hút lớp trẻ trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn có các Câu lạc bộ Chim chào mào. Ông Nguyễn Minh Khánh – Phó Chủ tịch Hội Chào mào tỉnh là người có nhiều tâm huyết sưu tầm, chăm sóc các loài chim cảnh. Năm 2011, ông đã cùng các thành viên khác đứng ra thành lập Hội, đến nay tổng số hội viên có hơn 300 người.
“Trước năm 2011, gia đình sinh sống chủ yếu là kinh doanh thương mại ở địa bàn thành phố. Một lần tình cờ có người quen biết sở thích của tôi là sưu tầm các loài chim cảnh, nên đã tặng 1 lồng chim chào mào. Sau gần 1 năm chăm sóc, chú chào mào trưởng thành và tham gia vài hội thi đã đạt giải cấp tỉnh. Dù giá trị giải có vài trăm ngàn, nhưng là sự cổ vũ lớn đối với tôi. Từ đó, niềm say mê chăm sóc, sưu tầm chim chào mào càng tăng và tôi bỏ không ít tiền để mua, trao đổi với anh em hội viên khác” - ông Khánh kể.
Khi nói chuyện về Hội, ông Khánh không quên giới thiệu ông Nguyễn Văn Linh – cùng là Phó Chủ tịch Hội Chào mào tỉnh. Theo ông Khánh, họ là những thành viên đầu tiên tham gia chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến nuôi chim cảnh. Từ chỗ có chung đam mê, nhiều anh em và bạn bè các địa phương khác xin tham gia. Đến nay, các huyện và thành phố có gần 40 câu lạc bộ chào mào, ông được hội viên và Ban chấp hành Hội Sinh Vật cảnh của tỉnh tín nhiệm bầu Phó chủ tịch Hội Chào mào tỉnh.
Ông Khánh cho hay, từ năm 2011, chào mào của anh Linh (Phó chủ tịch Hội) đã đạt giải Ba 5 tỉnh Tây Nguyên. Sau đó, có người ở tận Đăk Lăk tìm đến hỏi mua, anh Linh đã bán với giá 30 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, chú chào mào này đạt liên tiếp các giải lớn khu vực miền Trung – Tây Nguyên và giá trị của nó tăng đến 300 triệu đồng nhưng ông chủ mới nhất quyết không bán chú chim này.
|
Gặp và chia sẻ niềm đam mê những chú chim chào mào, các thành viên của Hội cho biết phải mất ít thời gian nhất là 1 năm và lâu hơn đến 3 năm mới nuôi trưởng thành 1 chú chim chào mào có cơ hội ra sân “chọi”. Tùy vào niềm đam mê, thu nhập của mỗi cá nhân để chăm sóc cho con vật cưng. Có người mới mua chào mào về có thể mua thức ăn trộn sẵn được bán tại các đại lý kinh doanh thức ăn chim vật cảnh. Nhưng qua thời gian tìm đến các CLB, được anh em hội viên chia sẻ kinh nghiệm tự mua nguyên liệu cám, các loại rau, vitamin, khoáng chất… về trộn, xay nhuyễn. Sau đó, họ điều chỉnh liều lượng thức ăn tổng hợp này theo chế độ phù hợp để nuôi dưỡng cho chào mào phát triển tốt về thể trạng, sắc màu bộ lông và giọng hót.
Ngoài thú chăm sóc chào mào, những người có tiền kha khá còn sưu tầm nhiều lồng đẹp với thiết kế cầu kỳ đa dạng hoa văn bên ngoài, nhằm nâng giá trị của cặp lồng - chim. Tìm hiểu từ anh em hội viên đến các chủ cửa hàng kinh doanh các loại lồng chim cảnh, nhiều người xác nhận có chiếc lồng lên đến vài trăm triệu đồng, hoặc tiền tỷ. Nguyên liệu để chế tác ra những chiếc lồng này là các loại gỗ quý như cẩm lai, trắc đỏ, hương được khắc, trạm trổ các hình phúc lộc thọ, hay phật di lặc... chạy viền xung quanh chân đế, hoặc từ nắp trên đến cuốn tay cầm giá mốc của lồng. Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu!
Tuy nhiên, theo ông Khánh cái “say” của người chơi chào mào là tiếng “chét” (tiếng hót) của nó áp đảo đối phương khi bước ra sàn đấu chính thức. Và mỗi năm, Hội tổ chức 2 – 4 hội thi để động viên, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc chào mào có tiếng hót hay. Còn lại, hội viên đến với các CLB như một thú vui tao nhã sau một ngày lao động vất vả được gặp mặt bạn bè, được nói về niềm đam mê, lắng nghe tiếng chim hót… Vì vậy mà, Hội Chào mào có hội viên đủ thành phần trong xã hội, từ những người lao động chân tay đến cán bộ viên chức với nhiều lứa tuổi khác nhau.
Ông Đặng Đức Mạnh – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh thống kê toàn tỉnh có gần 60 câu lạc bộ chào mào, cờ tướng ở các huyện, thành phố; riêng hoạt động mạnh cấp tỉnh có Hội Cờ tướng Thành Đạt, Hội Chào mào có nhiều phong trào phát triển hội viên, tổ chức các giải thi đấu khá hiệu quả. Gần 5 năm qua, các đơn vị này thu hút trên 760 hội viên. Hầu hết, hội viên là những người trẻ, nên các sân chơi đã được quản lý tốt, hướng đến hoạt động giải trí thể thao - văn hóa tinh thần lành mạnh. Đồng thời, ở các hội, CLB còn tuyên truyền, phổ biến và giáo dục thành viên về ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ các loại sinh vật cảnh quý hiếm.
Mai Trâm