Nghề… “chăm con mọn”
Chăm cây cảnh được nhiều người ví như… chăm con mọn. Bởi làm nghề này, người chăm phải tỉ mỉ, tẩn mẩn với hàng tá công việc; phập phồng lo lắng theo thời tiết; chấp nhận thua lỗ khi hoa không đẹp. Và nếu ai không đam mê, kiên trì thì khó “trụ” được với nghề.
Chăm con mọn
Gần 10 năm làm nghề chăm sóc đào, cô Tô Thị Thắm ở đường Lạc Long Quân, phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) bảo rằng, chăm đào không khác gì chăm con mọn. “Mình phải bỏ nhiều thời gian chăm sóc, theo dõi liên tục để điều chỉnh kịp thời” – cô Thắm bộc bạch.
Mỗi năm, sau khi hết tết, nhiều khách hàng lại chở cây cảnh đến, giao khoán cho cô Thắm chăm. Suốt một năm đó, cô sẽ bỏ công chăm sóc, tạo thế, tạo tán, thúc, hãm để cây ra hoa đúng tết nguyên đán năm sau. “Mình chăm đến khoảng 24-26 tết rồi khách hàng đánh xe đến chở về” – cô Thắm cho biết.
|
Đầu năm, khách hàng mang chậu hoa đến cũng là lúc cô Thắm bắt tay vào việc. Từ chậu đào, cô sẽ chăm cho cây hồi lại sức. Đến khoảng tháng 2, khi bắt đầu có mưa, cô mới làm đất rồi tách cây từ chậu xuống đất vườn trồng.
“Trồng khoảng 20 ngày, tôi phải liên tục bón phân mãi cho đến khoảng tháng 9 âm lịch. Cùng với đó phải luôn kiểm tra, tưới nước để đảm bảo độ ẩm cho đào và nếu phát hiện sâu bệnh thì nhanh chóng phòng trừ, không để ảnh hưởng đến cây” – cô Thắm cho biết.
Trong quá trình chăm, cô Thắm cũng loay hoay với việc tạo tán, thế. Từ thế trực, thế giáng hay thế long, thế nào cũng cần rất nhiều thời gian, công sức để uốn, tạo khung, cắt bỏ những cành ngoài ý muốn…
Cô Thắm chia sẻ: Trong cả năm, chẳng bao giờ nghỉ tay đâu. Làm cái nghề này chúng tôi cứ phải đứng ngồi không yên, trông trời, trông đất, trông mây vậy. Nếu thời tiết thuận lợi thì không nói, nếu thất thường thì phải tìm cách hãm hoặc thúc đào.
Nếu như cô Thắm chuyên nhận chăm đào thì gia đình chú Nguyễn Trọng Vũ ở thôn 3, xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum) lại chuyên nhận chăm hoa mai sau tết.
Từ chậu mai khách hàng đem đến, khoảng giữa tháng Giêng, chú Vũ sẽ cắt tỉa cành, vô phân, tạo thế. Chú Vũ cho biết, mỗi tháng chú phải bón phân 1 lần rồi ngày nào cũng phải ra vườn kiểm tra, quan sát để phòng trừ sâu, bệnh, rệp kịp thời.
Khoảng thời gian từ tháng 10 âm lịch trở đi, người chăm sóc mai vất vả hơn. Mỗi ngày phải kiểm tra mầm lớn hay nhỏ rồi lên lịch lặt lá. Chú Vũ nói, trong khoảng thời gian đó, nếu trời quá nóng, người trồng mai phải khiêng các chậu vô để trong mát, thậm chí phải chườm đá vào gốc để hãm, không cho mai nở trước tết. Nếu trời lạnh, người chăm sóc phải chong điện để làm ấm, giúp hoa nở đúng tết.
“Nhiều lúc trời mưa, chúng tôi phải khiêng từng chậu vô trong nhà để. Cứ đến gần tết là bắt đầu phập phồng lo sợ. Phải qua 25 tết, nếu mai đẹp thì mới vơi nỗi lo” – chú Vũ tâm sự.
Phải đam mê với nghề
Tốn nhiều thời gian, tỉ mỉ chăm sóc nhưng không phải khi nào khách hàng cũng hài lòng với sản phẩm nhận được. Chính vì vậy, việc người chăm cây cảnh bị phàn nàn, cằn nhằn như trở thành cơm bữa trong những ngày giáp tết.
“Năm 2009, trận lụt làm hư 100 gốc đào của khách hàng gửi. Năm ấy, tôi cố vớt vát những cây đào của gia đình trồng để “đền” cho khách nhưng khách không hài lòng, người thì gọi điện mắng vốn, người lại cằn nhằn, khó chịu lắm” – cô Thắm kể.
Hoa mai, hoa đào phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên người chăm mai, chăm đào cũng đứng ngồi không yên. Anh Trần Quang Dực ở thôn 3, xã Đăk Cấm kể rằng, anh bắt đầu vào làm nghề chăm sóc hoa mai từ 2010. Vì làm uy tín nên đến năm 2013 khách hàng đem đến gởi anh hơn 100 gốc.
|
“Năm đó, mai đẹp mê ly luôn, ai đi qua vườn cũng trầm trồ khen. Thế rồi đến ngày giáp tết, thời tiết bỗng trở lạnh bất thường, dù tôi ra sức chong điện, làm ấm nhưng mai vẫn không thể nở đúng tết được. Khách hàng đến đây cằn nhằn, năm đó não nề, tôi chẳng muốn ăn tết luôn” – anh Dực nhớ lại.
Hay như chú Vũ, là một trong những người uy tín về chăm mai nhưng cũng không ít lần “khóc vì mai”. Chú bảo rằng, khi nhận cây, chú báo trước với khách hàng rằng nếu để mất, lạc cây cảnh, chú sẽ chịu trách nhiệm nhưng nếu cây chết vì sâu, bệnh thì khách hàng phải thông cảm.
“Trong quá trình chăm, phát hiện cây nào có diễn biến xấu, tôi báo cho khách ngay. Thế nhưng nhiều lúc xuống, thấy cây cảnh, khách lại xót rồi cằn nhằn” – chú Vũ nói.
Thông thường 1 cây đào, tùy gốc cô Thắm nhận chăm với giá từ 500 ngàn - 1 triệu đồng/gốc; còn với mai, chú Vũ và anh Dực nhận chăm với giá hữu nghị khoảng 500 ngàn/chậu. Thế nhưng, khi hoa không đúng tết hay khách hàng không ưng ý thì người chăm hoa cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không lấy tiền chăm.
“Mình chăm không được mà lấy tiền cũng kì lắm. Bởi vậy, làm nghề này vì đam mê chứ không ai làm để giàu, để khá đâu” – chú Vũ nói.
Giá cả chăm sóc “hữu nghị” nên người chăm mai, đào chủ yếu lấy công làm lời. Thông thường, một năm, trừ chi phí, người nào chăm nhiều cũng chỉ thu được khoảng 30-40 triệu đồng. “Như năm 2013, mai hư nên tôi vừa lỗ vốn, vừa lỗ công làm” – anh Dực nói.
Chính vì chăm đào, chăm mai như chăm con mọn hơn nữa lại khó khăn như làm dâu trăm họ nên dù rất nhiều người “thử sức” với nghề này nhưng đều không trụ được.
Như anh Dực, ban đầu anh nhận chăm rất nhiều nhưng đến nay, anh chỉ nhận chăm khoảng 20 chậu. Anh nói rằng, một phần vì việc nhiều, một mình anh ôm không xuể. Hơn thế, chăm cây cảnh không lời bao nhiêu mà phải lo lắng, thấp thỏm nên anh hạn chế nhận chăm cây.
Còn với chú Vũ, cô Thắm, chăm mai, chăm đào không chỉ để làm kinh tế mà còn để phục vụ đam mê của mình nên khó khăn, vất vả, cô, chú vẫn bám nghề. Chú Vũ nói rằng, trong quá trình chăm, dù vất vả nhưng nhìn thấy cây mai đẹp, lòng cũng rộn ràng, khấp khởi.
Hay như cô Thắm cũng vậy, khi tạo được thế cho cây đào, nhìn đào phơi phới, cô mừng lắm. “Trừ những năm thời tiết bất thường thì những năm khác hoa đều ra đúng tết. Làm nghề này ngày nào cũng thấy cây, thấy hoa, người như khỏe, trẻ ra nhiều” – chú Vũ chia sẻ.
Giáp tết, tại nhà cô Thắm, chú Vũ, người người đến thăm xem và chuẩn bị chở mai, đào về chơi tết. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, hoa ra đẹp, búp, lộc nhiều nên tại những gia đình chăm sóc cây cảnh không khí cũng rộn rã, vui mừng.
“Tôi gửi nhà anh Vũ 4-5 năm nay rồi. Năm nào mai cũng đạt đến 90%. Năm nay, tôi chuẩn bị chở về, tết xong lại chở lên đây gởi tiếp”- ông Phạm Hồng Sơn ở phường Trường Chinh bày tỏ.
Còn cô Lê Thị Thúy Diễm ở phường Quang Trung cũng phấn khởi: Năm nay, cây đào tôi gởi chăm đẹp lắm! Thấy vậy mà khấp khởi trong lòng…
Niềm vui của khách hàng cũng chính là động lực để những người chăm cây cảnh như cô Thắm, chú Vũ gắn bó thêm với nghề.
Hoài Tiến