Ký sự Mô Rai: Kỳ 3 - Chuyện về những ngôi làng mới
Ở Mô Rai có những ngôi làng mà tuổi làng cũng như tuổi đời của các công dân trong làng đều còn rất trẻ - Làng công nhân Công ty 78. Vượt qua khó khăn vất vả của ngày đầu đặt chân đến, bằng sức lao động và tình yêu với mảnh đất này, các gia đình công nhân đã vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no trên quê hương thứ hai của mình…
|
Qua rồi những ngày gian khó
Mấy ngày ở lại Mô Rai, chúng tôi đã được cán bộ, công nhân Công ty 78 nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình tác nghiệp.
Ngày cuối cùng ở Mô Rai, chị Hà Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Công ty 78 “rủ rê”: Tối nay, các chị có muốn xuống Đội (các đội sản xuất) chơi với các gia đình công nhân tiện thể ghé thăm các lớp học mầm non mở cửa lúc nửa đêm của chúng em không? Em sẵn lòng làm trinh sát dẫn đường.
Một gợi ý không thể nào hay hơn, dĩ nhiên tôi gật đầu lia lịa.
Trong bữa tối đầm ấm cùng các cán bộ chỉ huy của đơn vị, đại tá Nguyễn Thăng Thanh - Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Công ty 78 tranh thủ cho biết vài thông tin. Theo đại tá Thanh, trong hành trình xây dựng và phát triển của xã Mô Rai, không thể không nhắc đến những người công nhân. Họ từ khắp các miền đất nước đến đây theo chủ trương đưa dân đến các vùng biên giới kiến thiết vùng đất mới, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng để xây dựng biên cương vững mạnh. Trên địa bàn xã Mô Rai, Công ty có 10 đội sản xuất đứng chân tại đây, từ năm 2016, các đội này đã trở thành 5 làng của xã. Trong những năm đầu lập nghiệp trên vùng đất khó này, phải nói rằng các công nhân trải qua rất nhiều gian khổ, đối mặt với muôn vàn thử thách, nhưng giờ thì cuộc sống đã ổn định và tốt đẹp nhiều rồi.
Buổi tối nơi biên giới thật tĩnh lặng, nhìn xa ra, thấp thoáng trong màn đêm là những cụm dân cư rực sáng ánh điện. Đó là những đội sản xuất của Công ty 78.
Chiếc U Oát lắc lư đưa chúng tôi từ trụ sở Công ty đóng ở trung tâm xã vượt qua các cung đường đất chạy giữa những lô cao su đến Đội sản xuất số 3, giờ thuộc thôn Ia Tri của xã Mô Rai. Dừng lại trước ngôi nhà khang trang, xung quanh xây tường rào bao quanh rất ngăn nắp, chị Trịnh Thị Huệ chủ nhà đon đả chào khách.
Trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, chị Huệ bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đến Mô Rai: Tôi vào làm công nhân ở đây từ năm 2000, là lớp công nhân đầu tiên; nói về những khó khăn khi ấy, có lẽ phải viết thành sách mới kể hết (cười). Chỉ nguyên cái khí hậu khắc nghiệt của vùng biên giới này đã đủ làm nản lòng không ít người, nắng thì như thiêu đốt mà mưa thì dai dẳng, dầm dề. Mỗi đội công nhân lúc đó mới chỉ có vài chục người sống giữa rừng không điện, không thông tin; đường sá tự mở, cứ phát rừng mà đi; quanh năm suốt tháng ăn cơm với cá khô, đậu phụng rang muối; lấy nắm rau tàu bay, đọt măng trên rừng về làm canh. Vậy mà nhiều khi mưa lớn, đường tắc, Công ty không kịp tiếp tế, chuyện hết gạo, hết muối là thường. Ăn uống thiếu thốn, sốt rét liên miên nên ai cũng gầy còm, có không ít người nản lòng đã phải bỏ về quê... Nhưng giờ thì sướng rồi, ai cũng có nhà cửa, thu nhập ổn định, việc học hành của con cái rất thuận tiện, khám chữa bệnh đầy đủ... cuộc sống cứ như mơ.
Ghé thăm một số nhà hàng xóm, chúng tôi thấy nhà nào cũng khang trang, trong nhà đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt; mỗi gia đình đều có một góc học tập cho con. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình sang đến Đội sản xuất số 5, giờ là thôn Ia Rên. Quanh cảnh toàn khu dân cư cũng không khác mấy so với ở Đội 3, nhà nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp, ti vi, máy giặt, tủ lạnh đủ cả...
Chị Lê Thị Hồng trải lòng: Bây dù cuộc sống đã tương đối đủ đầy, nhưng những ký ức về một thời gian khó của 17 năm trước khi mới đặt chân đến đây trong tôi vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm qua thôi. Ngày đó, sao mình lạc quan thế không biết. Ăn đói, mặc rét, cuộc sống gắn chặt với núi rừng, cả năm không ra đến phố; thế mà vẫn vui vẻ vỡ đất trồng cao su, trồng mì, trồng bắp... Khó thật, nhưng ai cũng có niềm tin vào ngày mai, mọi người đều hạ quyết tâm “đến đây phải ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây mới về”. Đất không phụ công người, cây cối trồng đến đâu xanh tốt đến đó nên ngoài thu nhập từ tiền lương công nhân, các gia đình có nguồn thu đáng kể từ việc bán mì, bắp... Đa số các gia đình vào lập nghiệp ở đây giờ ai cũng khấm khá, chưa giàu nhưng cũng có bát ăn bát để rồi.
Qua rồi những ngày gian khó, cuộc sống của các gia đình công nhân Công ty 78 giờ đã thay đổi nhiều. Mỗi gia đình được Công ty tạo điều kiện cấp đất ở từ 300 – 500m2, ai khó khăn được cho vay tiền làm nhà. Mỗi công nhân được giao khoán 3ha cao su, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 6,3 triệu đồng, dự kiến 2017 lên khoảng 6,7 triệu đồng. Ngoài ra, các gia đình còn tận dụng thêm được những bờ lô hợp thuỷ để trồng thêm mì, bắp; phát triển chăn nuôi để cải thiện thu nhập. Nhờ đó, đa số các gia đình đều xây được nhà khang trang, tường rào bao quanh, trong nhà các vật dụng hiện đại như tivi, máy giặt, tủ lạnh đều đủ cả...
Để các công nhân yên tâm lao động, sản xuất xây dựng cuộc sống mới trên vùng biên giới Mô Rai, từ những ngày đầu mới thành lập, Công ty 78 xây dựng Trường Mầm non, tổ chức giữ trẻ từ lúc nửa đêm để cho các gia đình yên tâm gửi con và đi làm.
|
Đối với bậc học Tiểu học và Trung học cơ sở, đơn vị đã dành một khoản kinh phí để hỗ trợ xây dựng trường học. Trước đây, khi chưa tổ chức được xe đưa đón học sinh, Công ty hỗ trợ tổ chức cho các cháu ở nội trú, phân công người làm cấp dưỡng, chăm lo.
Chính vì vậy, các gia đình công nhân đều vững tâm vượt qua mọi khó khăn của những ngày đầu bạt núi, san rừng trồng cao su để xây dựng cuộc sống ngày càng khấm khá.
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
Không giống như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, dân cư vùng biên giới Mô Rai rất đa dạng; ngoài những người dân tại chỗ, gần 40% dân số trên địa bàn xã là người dân từ khắp các vùng miền của đất nước đến để định cư. Cuộc sống, tình yêu với mảnh đất này đã gắn bó những người công nhân và điều đặc biệt hơn thế nữa là họ đã trở thành công dân của xã Mô Rai.
Ông Hrách Láo – Chủ tịch UBND xã cho biết: Theo quá trình phát triển của Công ty 78, từ những năm 2000, các đội sản xuất từng bước được hình thành, tuy nhiên, việc quản lý và cuộc sống của các gia đình công nhân khá biệt lập. Từ năm 2016, theo Quyết định của UBND tỉnh, các đội sản xuất được thành lập thành 5 thôn với tên đất, tên làng giống 7 thôn làng cũ của xã. Từ đây, họ đã chính thức trở thành công dân của xã Mô Rai, là một phần không thể tách rời của xã, góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã nhà phát triển.
Với những công dân mới của Mô Rai, dù những ngày đầu khá khó khăn và vất vả, nhưng họ vẫn tự hào nói rằng, đây là nơi “đất lành chim đậu”. Mà quả thực, nếu không lành thì sao có thể giữ chân được người dân từ khắp mọi miền, là điểm hẹn, là nơi gặp gỡ của các cộng đồng dân cư từ Bắc tới Nam. Đặc biệt hơn, từ trong lao động những mối tình đã đơm hoa kết trái, những tổ ấm hạnh phúc đã được xây nên trên vùng quê mới, góp phần làm cho vùng đất biên giới của tỉnh ngày càng nhộn nhịp, đông đúc...
Chị Trịnh Thị Huệ tâm sự: hai vợ chồng mình mỗi người một quê, mình ở Quảng Xương còn chồng ở Hà Trung (Thanh Hoá) cùng vào làm công nhân ở đây, vừa bén duyên vùng đất mới, bọn mình vừa bén duyên đôi lứa. Giờ vợ chồng mình đã có 1 cháu học lớp 3 và chuẩn bị chào đón thêm một thành viên mới. Cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Nhiều lúc hai vợ chồng mình hay đùa bảo chuyến đi này chúng ta lời to, có việc làm, có nhà cửa, con cái...hạnh phúc nào sánh bằng.
Đứng bên cạnh, chị Hà Thị Vân khúc khích cười: Nhà em cũng thế đấy các chị, lúc đi một mà giờ về ba. Chính từ mảnh đất này, chúng em đã lập nghiệp và nên duyên vợ chồng, xây dựng nhà cửa ở đây. Đúng là hạnh phúc nảy nở trong gian khó, tình yêu làm đất lạ hoá quê hương các chị ạ.
Trên những ngôi làng mới, thế hệ thứ 2 là con của các gia đình công nhân đã sinh ra, lớn lên trên vùng đất biên cương này. Dẫn chúng tôi đến thăm lớp học lúc nửa đêm, chưa đến 1h sáng mà các gia đình đã lần lượt đưa con đến gửi.
Chị Vân nửa thật nửa đùa: Các chị có thấy ở đâu một ngày làm việc mới bắt đầu sớm như ở đây không ạ, có lớp học nào mở cửa sớm như này không? Công việc của những người công nhân cao su đặc trưng vậy đấy, phải đi cạo sớm để có nhiều mủ, có thu nhập cao. Tuy vất vả nhưng họ đều yên tâm vì các con em được chăm lo chu đáo. Từ nơi này, các cháu lớn lên, sau này có cháu sẽ trở thành công nhân của Công ty tiếp tục sứ mệnh của bố mẹ là xây dựng vùng biên giới này, có cháu sẽ học tập đi làm việc ở khắp nơi, nhưng với tất cả đây mãi là quê hương. Sự tiếp nối này sẽ giúp cho vùng biên giới ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.
1h sáng, tiếng kẻng các đội đồng loạt vang lên báo giờ đi làm của công nhân. Ngồi trong chiếc U Oát trở lại trụ sở Công ty, đi qua các làng mới, các điểm trường mầm non rực sáng ánh điện; qua những khu rừng cao su thấp thoáng ánh đèn, tôi nhận ra rằng đêm Mô Rai không tĩnh mịch như ở những vùng sâu, vùng xa mà tôi đã từng đến. Những người công nhân - công dân của Mô Rai, họ đang tích cực lao động, sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương mới.
Thuỳ Hương - Lê Nga
Kỳ cuối: Ấm tình biên cương, vững vàng phên giậu