Đi du lịch để học cách làm du lịch
Đó là câu chuyện của 20 hộ DTTS ở làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Người dân mạnh dạn bỏ tiền túi, đến tham quan các làng du lịch cộng đồng ở các tỉnh phía Bắc để học hỏi, hình dung cách làm du lịch cộng đồng, từ đó vận dụng, triển khai phù hợp tại địa phương.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Sau nhiều cuộc gọi, cuối cùng anh A Hiền cũng bắt máy. Cả ngày nay, vừa chỉnh trang homestay, vừa cùng bà con trong làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo dọn dẹp vệ sinh, trồng thêm cây, hoa, cải tạo cảnh quan, giúp làng thêm sạch đẹp nên anh khá bận rộn. Tranh thủ trò chuyện, anh hớn hở kể rằng, từ ngày làng Vi Rơ Ngheo trở thành làng du lịch cộng đồng, không riêng những hộ làm homestay, mỗi hộ dân ở làng đều có trách nhiệm chung sức xây dựng làng thêm xanh, thêm đẹp để thu hút du khách.
Ham học hỏi, nhanh nhạy bắt nhịp với cái mới, lại có chí cầu tiến, có lẽ vì thế mà tháng 5/2023, khi ra mắt Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, anh A Hiền được chọn làm Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo. Vốn là nông dân chân chất, khi đảm đương nhiệm vụ mới, anh Hiền tự nhận thấy bản thân cần học hỏi nhiều hơn nữa.
|
“Làm du lịch mà không hiểu rõ ngọn ngành, cách thức triển khai thì rất khó. Mình phải đi, phải học hỏi, hiểu và biết để vận dụng phù hợp tại địa phương. Có như thế mới mong phát triển bền vững” – anh A Hiền bày tỏ quan điểm. Nghĩ thế, đầu năm 2024, anh tiên phong bỏ tiền túi, dành gần nửa tháng, khăn gói qua 24 tỉnh, thành phía Bắc, đặc biệt dành thời gian ở các làng du lịch cộng đồng tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La để tham quan, học hỏi cách thức triển khai, kinh nghiệm làm du lịch.
12 ngày tự tìm cách kết nối, trải nghiệm ở các làng du lịch cộng đồng, anh Hiền mở mang tầm mắt, góp nhặt được nhiều kinh nghiệm và kiến thức bổ ích. Khi ấy, anh hiểu được rằng, bà con cần phải đoàn kết, xây dựng các sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
“Du lịch cộng đồng cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, trong khi đó, dù được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tập huấn, định hướng, hỗ trợ nhiều, nhưng người dân ở làng còn khá mơ hồ về việc làm du lịch. Hôm kết thúc chuyến đi, trở về, ngồi quây quần với bà con, mình có nói: Muốn làm du lịch thì phải học, phải biết cách làm. Bà con có muốn “mắt thấy, tai nghe”, đến tận nơi để học hỏi như mình không?” – anh A Hiền kể lại.
|
Làng Vi Rơ Ngheo có 64 hộ dân với khoảng 300 khẩu. Từ xưa đến nay, vốn là nông dân chân chất, bà con hầu hết quẩn quanh với ruộng vườn, chuyện ra huyện còn đếm trên đầu ngón tay, huống gì việc đi ra khỏi tỉnh. Thế nhưng, khi thấy A Hiền chia sẻ kinh nghiệm, vạch ra hướng đi, 20 hộ DTTS ở làng đã mạnh dạn đi du lịch để học hỏi kinh nghiệm. Kế hoạch được đoàn thống nhất, anh A Hiền liên hệ các địa điểm đến rồi tất cả cùng dẫn nhau đi du lịch. Chi phí công khai, mỗi hộ góp 6,5 triệu đồng để chi phí cho gần 1 tuần đi đến các địa điểm làng du lịch cộng đồng ở một số tỉnh phía Bắc.
Là một trong những hộ đầu tiên làm homestay ở làng, nhưng anh A Phướng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ trong việc làm du lịch. Kể về ngày tham gia cùng đoàn, anh nhấn mạnh: “Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, phải đến khi đi thực tế, tiếp cận nhiều, thấy cách làm của người dân nơi khác, mình mới hình dung ra bản thân cần phải làm gì để thu hút khách, đón tiếp khách, phục vụ du khách. Bây giờ mình đang dành dụm tiền để đầu tư bài bản hơn”.
Quãng thời gian được đi du lịch, trải nghiệm để học từ thực tế với Trưởng thôn A Thôn thật quý báu. Nhớ lại những ngày tham gia cùng đoàn, anh bảo, khi được là du khách đi du lịch, anh mới phần nào hiểu được tâm lý, niềm mong chờ của khách du lịch. Đặc biệt, anh cũng hiểu được rằng, làm du lịch cộng đồng cần có sự đoàn kết, kết hợp, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Làm du lịch từ tâm
Như dự đoán, kỳ nghỉ lễ ngày 2/9 năm nay, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo vắng khách. Anh A Hiền không bất ngờ, vì chính anh tư vấn cho các đoàn khách cần cân nhắc khi đến làng vào thời điểm này. “Đường sá đang thi công, việc vào làng gặp nhiều khó khăn nên mình tư vấn cho khách rất kỹ về thời tiết và đường sá để khách chọn lựa. Mình không muốn quãng đường khó đi khiến du khách có những trải nghiệm không như mong muốn” – anh A Hiền nói.
Nói về hành động của mình, anh A Hiền giải thích thêm: “Mình phải đặt mình vào tâm lý của người đi du lịch để hiểu du khách cần gì. Có hiểu mới có thể phục vụ một cách tốt nhất. Nếu lần này đến với những trải nghiệm tồi tệ trên những cung đường hoặc thời tiết bất ổn, không như mong muốn, có thể, lần sau họ sẽ không đến nữa” – anh A Hiền nói.
Để du khách có trải nghiệm đáng nhớ tại làng, qua quá trình đi học hỏi kinh nghiệm tại nhiều nơi, anh A Hiền cùng với một số hộ dân tập trung đầu tư, làm tốt công tác dịch vụ lưu trú ngắn ngày, các dịch vụ ăn uống, trải nghiệm hấp dẫn tại làng. Bà con ở làng cũng duy trì các đội cồng chiêng, chung sức gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sẵn sàng phục vụ khi du khách có yêu cầu. Đặc biệt, những người già ở làng, sẵn sàng kể cho du khách nghe những câu chuyện hay ở làng, từ việc dựng nhà rông qua “bản vẽ từ ký ức” cho đến những đứa con sinh ra ở nhà dài. “Mỗi câu chuyện gắn liền với phong tục tập quán, các lễ hội đặc trưng của bà con vùng Đông Trường Sơn sẽ giúp du khách có thêm nhiều kiến thức hay về văn hóa khi đến với nơi đây” – già làng A Chung chia sẻ.
|
Đưa sự chân chất, thật thà vào làm du lịch, Vi Rơ Ngheo để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách. Dạo một vòng quanh làng trước khi kết thúc hành trình, du khách Phạm Văn Hơi - huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ nhiều ấn tượng khi đến tham quan, trải nghiệm ở làng. Anh cho biết, anh rất vui khi được gặp những người dân thân thiện, nhiệt tình. Ngoài ra, quang cảnh ở làng sạch sẽ, đẹp đẽ, xanh mát mang lại cảm giác rất dễ chịu. “Chắc chắn, nếu có dịp, tôi sẽ cùng với người thân, bạn bè trở lại nơi này” – anh Hơi chia sẻ.
Với sự hỗ trợ từ các cấp, chính quyền địa phương cộng thêm sự nỗ lực tự thân phát triển các khâu dịch vụ, du lịch ở Vi Rơ Ngheo hứa hẹn có nhiều khởi sắc trong thời gian đến. Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng Nguyễn Văn Bay luôn động viên, sát cánh, cùng bà con trong hành trình phát triển du lịch cộng đồng. Ông bày tỏ mong muốn bà con tiếp tục học hỏi, chung sức phát triển các dịch vụ để phục vụ du khách. Còn anh A Hiền tin tưởng rằng, “Làm du lịch bằng cái tâm sẽ gọi mời và níu chân du khách”.
Hoài Tiến