Chuyện tình từ lửa đạn
Ươm mầm tình yêu trong lửa đạn, vượt qua biết bao chông gai, thử thách, ông Lại Hợp Phường và bà Trần Thị Hạnh (hiện ở khối 3, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) đã làm nên một thiên tình sử đẹp….
Quả mìn… cầu nối tình yêu
Nay ông Phường đã qua tuổi 75, bà Hạnh cũng ở tuổi 69 nhưng nhìn ông bà cứ như vợ chồng son. Một tiếng em, hai tiếng em, ông nhẹ nhàng gọi bà; ngày ngày hai ông bà chăm sóc, cùng chia sẻ, dìu dắt nhau trong những năm tháng tuổi già.
|
Trong căn nhà ấm cúng, rót ngụm trà nóng, bà Hạnh kể cho tôi nghe đủ chuyện trong những ngày chiến tranh. Mạch chuyện đang hấp dẫn, bỗng bà Hạnh chựng lại, cười nhoẻn: Nhờ bom đạn, nhờ quả mìn mà tôi với ổng (ông Phường) bén duyên với nhau đó cô.
Hơn nửa thế kỉ qua đi nhưng cả ông Phường và bà Hạnh vẫn không hề quên chuyện tình lãng mạn của mình. Tất cả những kỉ niệm từ lúc yêu nhau cho đến những trắc trở trong đám cưới như những thước phim tư liệu, chỉ cần lật lại, mọi thứ lại nguyên vẹn. “Duyên số là có thật đấy cô! Nếu không nhờ quả mìn, không biết tôi với ổng có thành đôi như hôm nay không nữa” – bà Hạnh chia sẻ.
Những năm 60 của thế kỉ trước, khi ấy bà Hạnh làm Phó Bí thư Huyện đoàn AH67 (huyện Sa Thầy bây giờ), ông Phường là bộ đội chủ lực từ miền Bắc tham gia chiến đấu tại các chiến trường. Đến năm 1972, Pô Kô dậy sóng, cùng với quân và dân ta, ông Phường tham gia các trận đánh trong chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh. Khi ấy, bà Hạnh cũng được phân công lên huyện H80 (huyện Đăk Tô bây giờ) để tiếp quản, đưa dân ra vùng căn cứ.
Hôm ấy, trong ngày tiếp quản đầu tiên, bà Hạnh theo bộ đội xuống chiến trường. Thấy bộ đội thắng liên tiếp, bà vui mừng khôn xiết, háo hức chạy vô xem lô cốt. “Tôi chạy qua 1cái cửa, bên dưới có một quả mìn nhưng tôi không hề biết. Khi tôi vừa chuẩn bị giẫm trúng quả mìn thì ông ấy phản xạ rất nhanh, chạy tới, kéo ngược tôi ra. Nếu ông ấy không kéo kịp, chắc tôi theo ông bà rồi” – bà Hạnh nhớ lại.
Nhờ quả mìn làm cầu nối, ông bà mới bắt đầu hỏi chuyện và biết đến nhau. Sau khi được ông Phường cứu sống, 3 ngày sau, bà Hạnh như chết ngất khi nhận tin từ một người bạn ở Quảng Nam thông báo bố mẹ bà bị địch bắt tù đày, em trai vừa mới hi sinh.
“Tôi sốc, người như ngã quỵ, đau đớn vô cùng. Lúc đó ổng vừa làm nhiệm vụ, vừa tranh thủ chia sẻ, động viên tôi. Ổng cứ bảo tôi phải biến đau thương thành hành động, phải mạnh mẽ mới giúp được gia đình và mọi người. Trước muôn vàn đau thương, lời động viên chân tình ấy như trở thành liều thuốc, xoa dịu dần nỗi đau, giúp tôi có thêm động lực để vượt qua tất cả” – bà Hạnh rưng rưng kể.
Cùng chung niềm yêu nước, hơn nữa, sự đồng cảm, sẻ chia lại trở thành sợi dây vô hình giúp ông Phường, bà Hạnh hiểu và xích lại gần nhau hơn. Dù công tác ở xa nhưng ông bà vẫn cố gắng giữ liên lạc với nhau.
“Tình yêu trong lửa đạn thì cô biết rồi, xa xôi, cách trở, thông tin liên lạc với nhau lại không có, đã thế, bom đạn vẫn còn rền vang, chẳng biết sống chết ra sao nên cũng lo lắm. Vẫn biết là yêu, là nhung nhớ nhưng cả hai đều chung lý tưởng đặt nhiệm vụ, Tổ quốc lên hàng đầu” – ông Phường bộc bạch.
Hoãn đám cưới vì… đại hội Đoàn
Tìm hiểu được một thời gian, thấy tình cảm cũng đã chín muồi, ông Phường ngỏ lời, mong muốn bà Hạnh cùng về Bắc. Và lời mời ấy bị bà Hạnh từ chối. “Lúc đó tôi lo lắm, không biết ngoài Bắc ông đã có vợ hay chưa nên yêu thì yêu đó nhưng thực sự e ngại chưa dám đến” – bà Hạnh nói.
Bà Hạnh không về cùng, vậy là ông Phường lại ròng rã đi công tác suốt 6 tháng trời. Đường sá khó khăn, cách trở, nhiệm vụ chính trị lại quan trọng nên hai ông bà chỉ thông tin tình hình qua vài bức thư, có lúc lại bặt vô âm tín. “Hồi đó yêu thương mà khổ sở lắm, ở trong này nhưng cứ nơm nớp lo người yêu hi sinh. Mỗi lần có thông tin về ổng là tôi mừng vui khôn xiết” – bà Hạnh chia sẻ.
Với tình yêu, khó khăn cách trở có xá chi, công tác trở về, ông Phường, bà Hạnh tiếp tục liên lạc, chia sẻ, động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi cơ quan của bà Hạnh xác minh được lý lịch, nhận thấy ông Phường chưa có vợ con nên ủng hộ, tác hợp cho hai người đến với nhau. Tháng 12/1972, hai ông bà vui mừng đi đưa thiệp cưới. Ấy vậy nhưng đến ngày, đám cưới lại bị hoãn vì… đại hội Đoàn.
“Trắc trở lắm! Ngày cưới của vợ chồng tôi lại trúng ngay đại hội. Khi ấy, đồng chí Bí thư Huyện đoàn nói tôi có 2 nhiệm vụ: một là nhiệm vụ của Đảng và hai là nhiệm vụ cá nhân. Vì đợt đại hội đó rất quan trọng, suy tính kĩ càng, tôi quyết định đi thu lại thiệp, hoãn đám cưới để dự đại hội Đoàn” – bà Phường kể.
“Lúc đấy ông thế nào?” – chúng tôi hỏi. Ông Phường liền bảo, đất nước chưa thống nhất, mình không thể đặt tình cảm cá nhân, hạnh phúc của gia đình lên trên. Vậy nên tôi thông cảm và chấp nhận hoãn đám cưới dù mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi.
Hoãn hạnh phúc của bản thân để lo cho nhiệm vụ chính trị. Và rồi, đến đầu năm 1973, lễ cưới mong đợi của ông Phường, bà Hạnh diễn ra suôn sẻ, vui vẻ trong sự chúc phúc của đồng đội. “Lúc đó vui mừng lắm cô, sau bao nhiêu gian nan, tôi với ổng cũng trở thành vợ chồng mà” – bà Hạnh xúc động.
Nói là lấy nhau nhưng thực tế sau khi lấy, ông Phường lại biền biệt đi ra cánh Bắc làm nhiệm vụ. Trong suốt thời gian đó, bà Hạnh phải một mình vừa lo việc nước, vừa nuôi con, vừa ngóng tin từ chồng. Bà Hạnh nhớ lại: Hồi đó gian nan vất vả lắm nhưng rồi với niềm tin vào Đảng, niềm tin vào một ngày đất nước thống nhất nên tôi cố gắng vượt qua. Đến 30/4/1975, khi đất nước thống nhất, ông trở về, tôi mừng đến run cả người. Cuối cùng gia đình tôi đã được đoàn tụ.
Sau chiến tranh, đời sống kinh tế khó khăn vô cùng, hai ông bà vẫn động viên nhau vượt qua mọi gian nan, xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi có với nhau 5 mụn con, vợ chồng ông bà cố gắng lo cho các con ăn học thành tài. Tình yêu đã làm nên tất cả. Đến nay, ông bà vẫn yêu thương nhau như ngày đầu; các con có công việc ổn định, lập gia đình và sống hòa thuận, đầm ấm
Đến với nhau trong giây phút cận kề cái chết, xích lại gần nhau từ tình yêu đất nước, ông Phường, bà Hạnh đã cùng chung sức xây nên tổ ấm. Tình yêu nảy nở trong chiến tranh, vượt qua lửa đạn, được ông bà vun vén và nở hoa thắm trong thời bình.
Bình An