“Chiều trên cầu treo Kon Klor”
Trong một buổi chiều se lạnh, dẫn mấy người bạn từ đồng bằng lên lang thang ngắm cảnh cầu treo Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), tôi đã được nghe ca khúc phát ra từ chiếc điện thoại di động của bạn. Chiều trên cầu treo Kon Klor gợi cho chúng tôi bao cảm xúc dạt dào…
“Chiều trên bến sông Kon Klor. Nước xanh một màu thương nhớ. Có ai về bên kia đó. Chìm trong bóng núi xanh lơ. Chiều lên bến sông Kon Klor. Tiếng ai trên cầu treo đó. Hay tiếng nước reo mạn đò. Chiều qua cầu treo Kon Klor. Bỗng thương một vùng quê nhỏ. Cầu nối đôi bờ tuổi thơ. Thôi buồn chi nhé con đò…”.
Bài hát “Chiều trên cầu treo Kon Klor” của tác giả Lê Minh Thế (ở Kon Tum) với giai điệu vừa da diết, vừa ngọt ngào với tình cảm mến yêu mà tác giả gửi lòng mình vào từng ca từ, khúc thức đã nhanh chóng đưa tôi về miền ký ức của vùng quê yên bình. Bước chân chậm rãi trên cây cầu, hứng những làn gió dịu nhẹ pha chút lành lạnh về chiều, chúng tôi cảm nhận rõ hơn khung cảnh nơi chốn làng quê ở phố núi vừa rất thật cũng vừa rất nên thơ.
|
22 năm kể từ ngày được xây dựng, cầu treo Kon Klor luôn là niềm tự hào của người dân Kon Tum. Bởi cây cầu sau khi hoàn thành đã nối nhịp đôi bờ sông Đăk Bla, nó không những đưa người dân nơi đây xích lại gần nhau hơn mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn riêng có của Kon Tum.
Khi buổi chiều tà về, trong cái ánh nắng chênh chếch, được ngắm nhìn những chiếc xe bò lững thững chở nặng thóc lúa, ngô khoai từ nương rẫy đi về trên cầu treo Kon Klor; dưới bến sông, vài chiếc thuyền độc mộc khua mái chèo buông lưới đánh bắt cá; dọc bãi bồi ven sông, lũ trẻ con hồn nhiên nghịch ngợm đất cát…, chúng ta không khỏi bị hút hồn với khung cảnh tuyệt vời "làng trong phố" của phố núi Kon Tum.
Nếu chưa một lần đến đây, làm sao có thể tin được rằng ở ngay thành phố Kon Tum lại có một nơi có cảnh đẹp làm nao lòng người đến như vậy?
Làng Kon Klor được bao bọc bởi những ngọn núi, dòng Đăk Bla thơ mộng với hai bên bờ ngút ngàn màu xanh của những bãi mía, nương khoai. Bên cạnh cây cầu treo vững chãi, phóng tầm mắt nhìn gần có thể thấy thấp thoáng vẻ đẹp của mái nhà rông cao vút của người Ba Na nơi đây ẩn hiện dưới những tán cây gòn – “chứng tích” về tên gọi làng Kon Klor (tiếng Ba Na có nghĩa là làng cây gòn).
Tôi nhớ có lần dẫn một đoàn khách đến tham quan, tôi đã được già làng A Bit giải thích về tên làng Kon Klor như vậy. Ông nói, ngày xưa cây cối mọc tự nhiên sao bà con để vậy, cây gòn đặc biệt sinh sôi rất nhanh, dọc 2 bên sông Đăk Bla đoạn qua làng Kon Klor đâu đâu cũng thấy dày đặc. Bây giờ để có đất đai canh tác, bà con dân làng Kon Klor đã chặt bớt.
Vì là loại cây thân mềm không thể lấy gỗ để làm nhà cửa nhưng cây gòn cũng gắn bó với đời sống bà con đồng bào DTTS nơi đây: thân cây gòn chẻ nhỏ để làm đế gùi hoặc đẽo đao làm vật trang trí cây nêu trước nhà rông mỗi khi làng có lễ hội, bông gòn dùng để làm gối…
Phóng tầm mắt về bên trái chân cầu Kon Klor, du khách còn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn chuối cơm của bà con đồng bào Ba Na. Dù đã 96 tuổi, nhưng mỗi ngày bà Y Bung – chủ nhân của vườn chuối lớn nhất ở vùng này (hơn 100 gốc chuối) - đều dành thời gian để chăm bẵm cho vườn cây của gia đình.
Bà Y Bung cho biết, vườn chuối này bà bắt đầu trồng từ trước khi cây cầu được xây dựng. Điểm đặc biệt của vườn chuối cả trăm cây này là sau mỗi đợt cây chuối trổ buồng chín xong tàn lụi thì cây khác lại vươn mình phát triển. Có lẽ được phù sa của sông Đăk Bla bồi đắp nên dù không cần bón phân nhưng cây trồng vẫn xanh tốt. Tuổi già không thể làm nương, làm rẫy, nhờ vào vườn chuối này mà mỗi tháng bà Y Bung cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng trang trải cuộc sống…
Bạn tôi nói, cô ấy đã nghe tác giả của bài hát “Chiều trên cầu treo Kon Klor” chia sẻ lý do để ông viết nên những câu hát trữ tình đầy chất thơ: “Chiều qua cầu treo Kon Klor. Bỗng thương một vùng quê nhỏ. Cầu nối đôi bờ tuổi thơ. Thôi buồn chi nhé con đò….”. Đó là trước đây, khi cây cầu treo này chưa được xây dựng, bà con hai bên bờ sông Đăk Bla hàng ngày phải xuôi ngược dòng nước bằng những chiếc thuyền độc mộc.
Một lần về thăm lại cầu treo, đứng trên bến sông xưa, bất chợt bắt gặp lại hình ảnh con đò nhỏ neo đậu bên gốc đa dưới chân cầu treo khiến bao ký ức về bến sông cùng với kỷ niệm thời thơ ấu lại hiện về, đã tạo cho ông một nguồn cảm xúc dạt dào…
Đem câu chuyện của bạn tôi kể đến hỏi anh A Bé – Thôn trưởng thôn Kon Klor, người đàn ông này kể cho chúng tôi nghe: Đúng là ngày trước, khi chưa có cây cầu treo Kon Klor, vào mùa khô (tháng 2 đến tháng 6), bà con trong vùng thường lội sông qua lại để trao đổi, mua bán hàng hóa và đi làm ruộng rẫy. Mùa nước lớn (tháng 9 đến tháng 10), bà con chủ yếu đi lại bằng thuyền độc mộc, thuyền nan. Vì vậy, gia đình nào ở đây cũng có thuyền, gia đình ít người thì có 1 chiếc thuyền độc mộc, gia đình đông người thì ngoài thuyền độc mộc còn có thêm 2-3 chiếc thuyền nan.
|
Năm 1990, Nhà nước đã hỗ trợ làm cầu treo bằng gỗ bắc từ bên này qua bên kia sông Đăk Bla để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con hai bên bờ sông đi lại. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 3 năm sau đó, cây cầu treo làm bằng gỗ ấy đã bị chao nghiêng.
Đến năm 1993 cây cầu chính thức được đầu tư xây dựng lại thật quy mô, cầu treo có dây văng, hoàn toàn làm bằng sắt với chiều dài 292m, chiều rộng 4,5m. Năm 1994, cây cầu được hoàn thành, chấm dứt những chuyến đò ngang bằng thuyền độc mộc đã tồn tại bao năm ở bến sông này.
Cây cầu đã "nối nhịp hai bờ vui", không chỉ giúp bà con trong vùng đi lại thuận tiện hơn mà còn giúp cho chủ trương tách hộ lập vườn của thành phố Kon Tum những năm kế đó diễn ra thuận lợi hơn.
Có cây cầu này, bà con các làng Kon Tum Kơ Nâm, Kon Klor, Kon Tum Kơ Pâng (phường Thắng Lợi) đã di dời sang bên kia sông tách hộ lập vườn, thành lập các làng mới là làng Kon Tum Kơ Nâm 2, Kon Klor 2, Kon Tum Kơ Pâng 2 (thuộc xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Anh A Bé hào hứng chia sẻ thêm với chúng tôi về sự đổi thay của quê hương từ khi có cầu treo Kon Klor.
22 năm kể từ ngày được xây dựng, cầu treo Kon Klor luôn là điểm du lịch cuốn hút bao du khách khi đến với Kon Tum.
Chị Y Bung – một hộ dân làm nghề buôn bán nước gần cầu treo Kon Klor cho biết, ngày nào cũng có khách du lịch ghé đến đây. Nếu tính lượng khách theo tháng thì đông nhất là những tháng mùa hè; còn nếu tính theo ngày thì đông nhất là vào những ngày thứ bảy, chủ nhật…
Chiều trên cầu treo Kon Klor nghe câu hát: “Chiều trên bến sông Kon Klor. Có con diều căng cánh gió. Bến sông cầu giăng bóng nhỏ. Lòng ta chợt thoáng giấc mơ. Chiều lên bến sông Kon Klor. Khúc ca trên cầu treo đó. Xin hát thay câu hẹn hò”… những giai điệu ấy ngân lên thật du dương, da diết. Bạn tôi nói, câu hát cuối trong bài hát như nói hộ lòng mình rằng sẽ còn lưu luyến mãi vẻ đẹp của cây cầu treo có một không hai ở Tây Nguyên này và xin hẹn một ngày có dịp đến Kon Tum sẽ lại ghé đến đây.
Tú Quyên