Bến đò Đăk Mar
Kon Tum là một vùng đất có nhiều hệ thống sông, suối và rất nhiều thôn làng của vùng đất này gắn liền với sông nước. Những bến nước, con đò cũng là nơi neo đậu tâm hồn cho mỗi người dân nơi đây. Trong những bến nước đó, có bến đò Đăk Mar- nơi đi về của người dân làng Kon Gung và Đăk Mút.
Chúng tôi trở lại bến đò Đăk Mar vào một ngày cuối tháng 6. Đây là bến đò duy nhất của huyện Đăk Hà đưa khách qua lại hai bên bờ sông Pô Kô tại xã Đăk Mar qua vùng phía tây Sa Thầy. Dù đây là vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông có lúc dòng sông duềnh nước, có lúc nước rút ra xa, nhưng đường đi xuống bến đò để lên phà thuận tiện. Điểm neo đậu phà để khách lên xuống kiên cố, xe máy có thể đi thẳng từ dưới bến sông lên phà.
Ông A Ja- nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Đăk Mar kể: Làng Kon Gung từng ghi dấu thời gian lịch sử cũng như bao biến cố thăng trầm của hàng trăm hộ dân ở vùng đất này. Ngày xưa, làng Kon Gung rất rộng, rộng đến tận chân núi Sạc Ly nằm tại khu vực giáp ranh giữa các xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), Pô Kô, Tân Cảnh (Đăk Tô) và các xã Sa Loong, Đăk Xú (Ngọc Hồi). Hai điểm cao cạnh bên là Ngọc Rinh Rong và Ngọc Rinh Rua, có cao độ 800m, từng được mệnh danh là "chân cột cờ" của khu vực đồi Sạc Ly. Qua thời gian, người dân làng Kon Gung di chuyển dần về vùng hạ lưu sông Pô Kô ngày nay và làng Kon Gung ở vùng núi xa xôi năm nào giờ chỉ còn trong ký ức…
|
Bến đò Đăk Mar nằm trên một dải đất rộng của làng Kon Gung. Đứng ở mỏm đất cao của bến đò, nhìn sang bên kia tôi thấy màu xanh của vùng tái định cư Hơ Moong đang trỗi dậy sau hai tháng mưa; thi thoảng có bóng người qua lại trên các nương đồi.
Ngày xưa, phương tiện đường thuỷ qua lại hai bên sông Pô Kô là những con thuyền độc mộc thô sơ, rất nguy hiểm. Nay, bến đò Đăk Mar có đến 3 chiếc phà và những chiếc phà máy này di chuyển thuận lợi hơn. Nhiều người nói không còn cái cảnh: “Gọi đò chẳng thấy đò thưa/Tôi càng chờ đợi càng trưa chuyến đò”.
Đặc biệt, cũng nhờ bến đò và những chiếc phà này mà người dân bên xã Hơ Moong rút ngắn được một quãng đường dài để đến với thị trấn Đăk Hà và thành phố Kon Tum.
Anh A Hiếu làng Kon Gung cho biết: Người dân qua lại bến phà này không nhiều, chủ yếu là dân ở hai bên bờ của xã Đăk Mar và xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy). Trước đây, ông Trần Thanh Nhân người quê Bình Định đưa phà lên bến này hoạt động, nhưng không xuôi mái gì đó nên ông nhượng lại các chiếc phà này cho tôi với giá 1,1 tỷ đồng. Nhưng ở Tây Nguyên không có bến đăng kiểm tàu thuyền, tôi phải về tận Cà Mau để đăng kiểm. Để tích lũy kinh nghiệm, tôi đã đi đến các bến tàu ở Bình Định, Đà Nẵng; thậm chí xuống tận miền Tây như Cần Thơ, Cà Mau để học hỏi điều khiển lái tàu, phà.
Buổi sáng ở bến đò Đăk Mar, dòng sông Pô Kô đục ngầu dưới nắng ban mai. Có vài chiếc thuyền câu thả lưới. Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng huyện Đăk Hà nhiều lần tổ chức thả cá giống trên lòng hồ thủy điện Plei Krông, tạo nguồn thủy sản phong phú cho lòng hồ. Tuy nhiên, hoạt động đánh bắt thủy sản trên sông vẫn còn lặng lẽ.
Anh A Hiếu lại kể, hàng ngày, anh đưa khách qua lại hai bên bờ, nhưng chỉ lấy tiền 10.000 đồng/xe máy, còn người đi phà thì không lấy tiền. Hoạt động đưa khách của gia đình anh tại bến phà này chỉ tấp nập vào dịp tháng mười, khi mùa cà phê bắt đầu bước vào thu hoạch; cả mì cũng vậy. Đây có lẽ là thời điểm đẹp nhất trong năm ở bến đò Đăk Mar. Không hẹn mà nên, cứ giáp tết là thương lái lại đưa hàng lên bán ở vùng Hơ Moong và mua hàng nông sản đưa về. Ba chiếc phà của anh hoạt động liên tục, vận tải người và nông sản. Đôi khi, cũng có những cặp đôi xuôi dòng “vướng” duyên nợ nên thành vợ thành chồng…
Hành khách qua phà, có người ngồi vắt vẻo trên yên xe máy, có người bên cạnh mạn phà. Chẳng ai quan tâm đến chuyện tự thân đảm bảo an toàn đường thủy. Anh A Niuh, một hành khách qua phà cho biết, do thường xuyên đi phà qua lại xã Hơ Moong để sản xuất, nên quen rồi. Trên phà có trang bị áo phao nhưng pthấy bất tiện và chẳng thấy ai mặc bao giờ.
Người làng Kon Gung cho biết, Ban An toàn giao thông tỉnh và các lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát tại bến đò này và nhắc nhở phải đảm bảo các yêu cầu, quy định của pháp luật. Phà của anh A Hiếu cũng trang bị áo phao và phao cứu sinh cho phương tiện, nhưng người đi phà lại ngại mặc áo phao. Anh Hiếu nhiều lần thuyết phục nhưng việc chấp hành của hành khách chưa được triệt để.
|
Một ngày đến với bến đò Đăk Mar, hình ảnh dòng sông bến nước với 3 chiếc phà đưa khách sang sông vẫn thơ mộng như ngày nào. Người dân hai bên bờ vẫn qua lại để sản xuất, thăm nhau. Tình yêu, duyên nợ hai bên bờ vẫn thắm đẫm. Cứ chiều chiều, từng cặp đôi hai bên bờ lại xao xuyến tìm nhau. Những chuyến phà của A Hiếu đã trở nên thân thuộc, ẩn sâu trong tiềm thức của những người dân Đăk Mar và Hơ Moong sống ở vùng sông Pô Kô này.
Dương Lê