Dưới mái nhà rông
Không phải là dân xây dựng, cũng chẳng qua trường lớp đào tạo, chỉ bằng trái tim và quyết tâm giữ mảnh “hồn làng”, bà con Xơ Đăng ở các làng thuộc xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà đã dựng nên những ngôi nhà rông truyền thống đẹp. Nhìn mái nhà rông cao vút, sừng sững giữa làng, bà con luôn tự hào về nhà rông do chính mình làm ra.
5 năm trôi qua, bà con thôn Kon Bơ Băn, xã Ngọc Réo vẫn không quên ngày nhà rông trong làng bị cháy. Khi thấy ngọn lửa bùng cháy trên mái nhà rông, người này cuống quýt gọi người kia, người kia thông báo cho người nọ. Phút chốc bà con nhanh chóng có mặt tại nhà rông. Nhưng rồi, tất cả đành ngậm ngùi vì không cứu được nhà rông trước ngọn lửa đỏ rực đang ngùn ngụt.
Thẫn thờ nhìn nhà rông cháy, người dân trong làng như bị thiêu đốt từng khúc ruột. “Khó có thể tả được cảm xúc của bà con lúc đấy. Buồn, tiếc nuối, bất lực. Bao nhiêu năm trôi qua, giờ nhắc lại, dân làng chắc cũng không thể quên được ngày nhà rông bị thiêu rụi” - chị Y Khải, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kon Bơ Băn kể lại.
|
Nhà rông được dựng nên bởi tâm huyết và công sức của cả làng. Vậy nên, khi nhà rông cháy đi, tiếc nuối là điều khó tránh khỏi. Nhưng tiếc nuối không thể làm nhà rông xuất hiện lại. 10 ngày sau - kể từ ngày nhà rông bị cháy, bà con trong làng tạm gác việc, họp bàn làm lại nhà rông.
Nhà rông bị thiêu rụi, các cột chính chỉ còn lại tro tàn. Sau nhiều lần họp bàn, khó khăn trong việc tìm nguyên liệu được vạch ra và ai nấy đều quyết tâm làm lại nhà rông truyền thống. Được sự đồng thuận của bà con, bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng và những người già trong làng nêu ra định hướng làm lại nhà rông. Không bản vẽ cũng chẳng thiết kế, từ kinh nghiệm trong nhiều lần làm nhà rông, mọi người cứ thể bàn nhau rồi cùng bắt tay vào việc.
“Thời điểm làm nhà rông trúng mùa mưa nên phải mất cả năm mới hoàn thành. Ai có công góp công, ai có tiền góp tiền, cứ thế, chẳng quản ngại khó khăn, nhà rông mới lại được bà con dân làng dựng lên trên nền cũ” - chị Y Khải nhớ lại.
|
Ngày ăn mừng nhà rông mới đã qua, nhưng dư âm vẫn còn mãi với bà con Kon Bơ Băn. Ngày đó, bà con ăn mừng rất lớn, bởi bà con đoàn kết cùng nhau làm lại ngôi nhà rông mới cao to, uy nghiêm, không thua nhà rông cũ.
Tiếng cồng chiêng ngân vang, già trẻ, gái, trai hòa vào nhịp chiêng, nhịp xoang rộn ràng. Những gương mặt gầy xọp sau một thời gian dài vất vả, song, ai nấy đều vui mừng bởi tất cả lòng thành, tinh thần đoàn kết giữ gìn truyền thống đã giúp bà con vượt qua khó khăn, dựng nên nhà rông cao, to, đẹp.
Trao đổi với chúng tôi, bà con lấy câu chuyện nhà rông bị cháy làm bài học kinh nghiệm và dặn nhau phải ra sức giữ gìn. Trong việc bảo quản nhà rông, khi họp thôn trước khi ra về, bà con cẩn thận tắt hết điện. Bà con cũng dặn lớp thanh niên, lũ trẻ con không được tự tiện lên nhà rông, không được nghịch phá tại nhà rông. Và những ngày mùa khô, bà con chủ động dọn dẹp rác, cỏ khô xung quanh nhà rông. Đặc biệt, những nhà sống cạnh nhà rông cũng nêu cao ý thức, canh chừng lửa khi đốt rác để tránh cháy lan. “Nhà rông là linh hồn của làng. Mỗi người đều nêu cao ý thức giữ gìn nhà rông như bảo vệ chính ngôi nhà của mình” - chị Y Khải nhấn mạnh.
Cách Kon Bơ Băn khoảng 7km, nhà rông làng Kon Hơ Drế thật vững chãi trong nắng gió. Bà Y Prăn - người ở làng niềm nở chào đón những vị khách chẳng hẹn mà gặp. Vốn không mấy khi cởi mở với người lạ, nhưng nói về nhà rông, bà lại sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì bà biết. Bởi như bao người ở làng, nhà rông có vị trí đặc biệt trong trái tim của bà, chỉ cần chạm đến, nguồn mạch lại tuôn trào.
Bước từng bước chân lên nhà rông, bà Y Prăn nói, nhà rông hiện nay đã cũ nhưng vẫn rất đẹp và giá trị!
|
Quả thực, nhà rông làng Kon Hơ Drế rất ấn tượng. Mỗi cây cột gỗ trong nhà rông đều được tạc những bức hình rất ý nghĩa. Đó là hình ảnh những chú bộ đội về làng, hình ảnh những chiếc sừng trâu thể hiện sự mạnh mẽ, no ấm; đó là những cụ già say sưa bên ché rượu cần; là những chàng trai, cô gái trong những ngày hội làng. Bước vào nhà rông, nhìn những bức tượng, có thể hiểu được những nét sinh hoạt đặc trưng của đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây.
Bà Y Prăn kể rằng, năm dân làng bàn nhau làm lại nhà rông là thời điểm bà đang làm trưởng thôn. Với vai trò là trưởng thôn, bà cùng với những người uy tín ở thôn bàn bạc, hướng người dân giữ lại những giá trị cốt lõi nhất trong văn hóa của người Xơ Đăng. Và việc làm nhà rông truyền thống chính là điển hình.
Thời gian trôi qua, ngày làm nhà rông vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của bà Y Prăn. “Bà con họp nhau lại, cùng lên ý tưởng làm nhà rông. Những người già hình dung ra cách làm rồi hướng dẫn, chỉ bảo mọi người làm theo. Ngày đó cả làng phân chia công việc rõ ràng. Người đi lấy tranh, người ở nhà chẻ lạt. Đặc biệt, trong làng có người đục tượng rất giỏi, nên chúng tôi bàn nhau sẽ tạc tượng lên những cây cột gỗ trong nhà rông để tái hiện những nét sinh hoạt đặc trưng của bà con ở làng” – bà Y Prăn kể.
Nói rồi bà ngậm ngùi tiếc nuối: “Ông A Gyor – người đục những bức tượng này đã mất rồi”. Ngày ấy, cha con ông A Gyor đảm nhận phần việc tạc tượng trên những cây cột chính của nhà rông. Và, trong thời gian ngắn, hai cha con phải hoàn chỉnh để mọi người tiếp tục các phần việc khác.
Mỗi người một việc, nhà rông cao, to, đẹp dần hoàn thiện. Tất cả các lễ hội, bà con đều tề tựu, tổ chức dưới mái nhà rông.
Một ngôi nhà rông dù bề thế, vững chắc, vẫn không thể chống chọi lại sự bào mòn của thời gian. Và năm nay, bà con làng Kon Hơ Drế lại bàn nhau tu sửa nhà rông làm lâu năm đã xuống cấp. Theo ý định, những cột gỗ sẽ được giữ lại, bà con chỉ cắt tranh lợp lại mái, chặt tre làm lại phên và sàn. Nói thì đơn giản, nhưng chắc sẽ mất khá nhiều thời gian. Dẫu vậy, trong những câu chuyện, bà con làng Kon Hơ Drế nêu quyết tâm, đồng lòng giữ gìn nhà rông truyền thống.
Ngọc Réo có 7 làng đồng bào DTTS. Phó Chủ tịch UBND xã U Lũy nói rằng, đến nay, tất cả các làng đều giữ gìn nhà rông truyền thống. Bên cạnh việc khích lệ bà con tích cực sửa chữa, duy tu, bảo tồn nhà rông và kiến trúc độc đáo của nhà rông, xã cũng quan tâm, nhắc nhở bà con phòng cháy cho nhà rông cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình dựng, sửa lại nhà rông.
Hoài Tiến