Vì sự trân quý của cuộc sống
Vì sự trân quý của cuộc sống, mỗi người trong chúng ta cần có những hành động cụ thể để giảm thiểu, đẩy lùi tai nạn giao thông.
Tối 19/11, cùng chị trưởng thôn, đại diện một số đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân, tôi đến thăm nhà anh Sáu ở xóm trên.
Cách đây một năm, trong ít phút bốc đồng, con trai của anh Sáu tham gia cùng đám bạn phóng nhanh vượt ẩu trên đường và tông vào một ô tô đậu ven đường. Hậu quả là cậu bé ra đi mãi mãi khi vừa 18 tuổi.
Mọi người đến, ngồi trò chuyện, động viên vợ chồng anh Sáu. Đại diện hội nông dân, chi hội phụ nữ hỏi thăm tình hình sản xuất, và ngỏ lời sẵn sàng hỗ trợ khi anh Sáu có nhu cầu, trong điều kiện cho phép.
Tôi nhận thấy, cán bộ thôn, các đoàn thể đã hoàn thành “tròn vai” của mình. Họ đến với gia đình anh Sáu bằng sự quan tâm, sẻ chia thật lòng.
|
Thời gian trôi qua, bây giờ không ai nhắc lại về nguyên nhân dẫn đến chuyện đau lòng hôm ấy, cũng không còn ai tìm hiểu lỗi từ đâu. Nhưng nỗi đau mất đi người thân thì vẫn hiện rõ trên mái tóc bạc của anh và gương mặt rầu rĩ của chị.
Và khi mọi người ra về, ngôi nhà lại chìm vào bóng tối tịch mịch. Nhìn dáng đứng như khòng xuống của anh Sáu bên cổng, tôi biết là nỗi đau vẫn âm ỉ khôn nguôi.
Một điều không thể thay đổi là, dù sự động viên, sẻ chia và giúp đỡ có nhiều đến đâu cũng không thể bù đắp lại được khoảng trống và nỗi đau của những nạn nhân của tai nạn giao thông hoặc những gia đình có người thân bị tại nạn giao thông cướp đi tính mạng.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông; tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15-27 tuổi.
Tại Việt Nam trong những năm qua, tai nạn giao thông luôn được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 10 tháng năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 9.826 vụ tai nạn giao thông, đã có 5.496 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng với 6.973 người bị thương tật suốt đời.
Ở tỉnh ta, chỉ tính riêng 10 tháng của năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông (4 vụ ít nghiêm trọng, 55 vụ nghiêm trọng, 8 vụ rất nghiêm trọng), làm 69 người chết, 68 người bị thương.
So với cùng kỳ năm 2022, tai nạn giao thồng tăng cả ba tiêu chí (tăng 17 vụ, tăng 18 người chết, tăng 38 người bị thương).
Vượt qua những con số thống kê khô khan ấy là những thiệt hại, là nỗi đau không gì bù đắp được. Sau mỗi vụ tai nạn có những người ra khỏi nhà nhưng vĩnh viễn không được trở về hoặc mang thương tật suốt đời.
Sau những vệt phấn trắng lạnh lùng trên đường là nhiều gia đình lâm vào cảnh éo le, bi thương. Cha mẹ mất con, vợ chồng chia lìa. Nhiều em nhỏ bỗng trở thành côi cút.
Những di chứng đau thương sau tai nạn là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa đối với những người thân, bạn bè, người bị nạn.
Những thiệt hại đó đang ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nên tâm lý bất an mỗi khi bắt đầu một hành trình.
Hậu quả tai nạn giao thông còn gây gánh nặng lên xã hội và làm tổn thương hình ảnh một đất nước an toàn, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế.
|
Điều làm tôi hơi băn khoăn là, cho đến lúc mọi người ra về, vợ chồng anh Sáu vẫn đinh ninh đây là cuộc thăm viếng bình thường. Bởi anh không biết rằng, việc đến thăm là hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”.
Không chỉ anh Sáu, mà nhiều người không biết đến ngày này. Đương nhiên, họ cũng sẽ không biết đến ý nghĩa của nó.
Tai nạn giao thông là một trong những thảm họa mang tính toàn cầu, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới, để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia.
Trước thực trạng đó, ngày 27/10/2005, Đại hội đồng LHQ đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” trên toàn cầu.
Ngày kỷ niệm này đã trở thành một dịp quan trọng trong nỗ lực chung toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban ATGT Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” vào ngày 19/11/2012 và từ năm 2013 đến nay được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước.
Năm 2023, với chủ đề Năm “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn”, các hoạt động tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông được tổ chức để bày tỏ niềm thương xót những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ.
Đây là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống.
Vì sự trân quý của cuộc sống, hơn bao giờ hết, cần những hành động cụ thể để giảm thiểu, đẩy lùi tai nạn giao thông.
Trong đó, chính quyền và ngành chức năng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông.
Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân.
Về phần mình, mỗi người trong chúng ta cần chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông, chung tay xây dựng môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Để không ai phải hối hận, ăn năn, muộn màng với suy nghĩ “giá như’”.
Hồng Lam