Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông
Đó là một trong những nội dung đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn diễn ra chiều 23/1.
|
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2023, mặc dù đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện công tác đảm bảo TTATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông, tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh xảy ra 99 vụ TNGT (tăng 34 vụ), làm 93 người chết (tăng 25 người) và 90 người bị thương (tăng 48 người). Các địa phương TNGT diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022 là huyện Đăk Tô, Ia H’Drai, Sa Thầy, Kon Plông, Đăk Hà và thành phố Kon Tum.
Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được đầy đủ, kịp thời so với sự gia tăng lượng phương tiện, nhu cầu của người tham gia giao thông. Ý thức chấp hành các quy định về TTATGT của một số người tham gia giao thông còn thấp, mang tính chất đối phó; TNGT liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, lứa tuổi thanh, thiếu niên xảy ra nhiều.…
Tại Hội nghị, các sở, ban ngành, các huyện, thành phố đã thảo luận, phân tích làm rõ nguyên nhân dẫn đến TNGT và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm TTATGT của ngành chức năng, chính quyền địa phương; đồng thời đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn.
|
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của ngành chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT, tuy nhiên, tình hình TNGT trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng.
Để phấn đấu thực hiện mục tiêu năm 2024 giảm TNGT cả 3 tiêu chí (về số vụ, số người chết, bị thương), đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động khắc phục những tồn tại hạn chế, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để kéo giảm TNGT. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo đảm TTATGT; tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi pháp luật. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả và hiệu lực quản lý, điều hành trong công tác đảm bảo TTATGT của các lực lượng, đơn vị chức năng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo đảm TTATGT.
Đối với lực lượng chức năng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huy động tối đa lực lượng chuyên trách tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn TNGT, các tuyến đường giao thông nông thôn; lập kế hoạch chuyên đề xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; chạy quá tốc độ quy định, tập trung trong dịp nghỉ Lễ 30/4, 01/5, Quốc khánh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán… để nâng cao ý thức chấp hành đối với người dân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính trị-xã hội, UBND các huyện, thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về đảm bảo TTATGT, tập trung vào đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, lứa tuổi thanh, thiếu niên vùng nông thôn, đối tượng là học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh… nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định về TTATGT, góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn…
Phúc Nguyên