Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp
Trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp đã triển khai các giải pháp về đảm bảo TTATGT theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) có chiều hướng diễn biến phức tạp và tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2023, TNGT trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tăng cả 3 mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 64 vụ TNGT (tăng 18 vụ), làm 66 người chết (tăng 20 người) và 65 người bị thương (tăng 36 người). Trong đó, có 8 vụ rất nghiêm trọng, 52 vụ nghiêm trọng, 4 vụ ít nghiêm trọng. Các vụ tai nạn đã làm thiệt hại về tài sản là 28 ô tô, 74 xe mô tô, ước tính khoảng 757 triệu đồng. Trong đó, nạn nhân là người ngoài tỉnh xảy 10 vụ, làm 9 người chết, 19 người bị thương và TNGT liên quan đến người DTTS xảy ra 39 vụ, 36 người chết, 39 người bị thương. Các địa phương TNGT diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022 là huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Ia H’Drai và Sa Thầy.
|
Thượng tá Nguyễn Xuân Hướng- Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh cho biết, tỉnh Kon Tum có 2 tuyến giao thông chính là đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24, phương tiện chủ yếu lưu thông qua đường 2 tuyến đường này nên lượng phương tiện đi qua hàng ngày rất nhiều. Trong khi đó, hiện trạng 2 tuyến đường này có nhiều đoạn quanh co, dốc cao, mặt đường hẹp nên dẫn đến TNGT trên 2 tuyến đường này chiếm tỷ lệ cao. Qua thống kê, tai nạn trên 2 tuyến đường này trong 9 tháng chiếm tỷ lệ 71,86% số vụ (đặc biệt là đối với các xe ở ngoài tỉnh ta). Cụ thể, tại tuyến đường Hồ Chí Minh xảy ra 35 vụ (chiếm 54,68%), chết 34 người (chiếm 51,51%), bị thương 30 người (chiếm 46,87%); Quốc lộ 24 xảy ra 11 vụ (chiếm 17,18%), chết 13 người (chiếm 19,69%), bị thương 13 người (chiếm 20%).
Ngoài ra, đáng chú ý, tình hình TNGT ở khu vực nông thôn tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 9 tháng xảy ra 11 vụ tai nạn, khiến 6 người chết và 16 người bị thương. So với cùng kỳ tăng 5 vụ (tăng 83,33%); tăng 4 người tử vong (tăng 66,66%) tăng 10 người bị thương (tăng 166,66%).
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, các yếu tố liên quan đến ổn định TTATGT, kiềm chế TNGT như hệ thống đường giao thông, ý thức chấp hành pháp luật giao thông, công tác quản lý nhà nước về TTATGT chưa thực sự vững chắc phục vụ cho mục tiêu kiềm chế TNGT bền vững, lâu dài. Trong khi đó, ý thức chấp hành các quy định về ATGT của một số người tham gia giao thông còn thấp mang tính đối phó. Các vụ TNGT xảy ra phần lớn đều do chủ quan, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia, không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định. Công tác tuyên truyền chưa đi vào trọng tâm, còn hình thức; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT có lúc chưa thường xuyên. Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, chưa được đầu tư đúng mức; còn có nhiều điểm bất cập về tổ chức giao thông, nhiều điểm tiềm ẩn, có nguy cơ tiềm ẩn TNGT. Một số cấp ủy địa phương có lúc chưa cương quyết trong việc thực hiện công tác đảm bảo TTATGT…
|
Theo ông Phan Mười- Phó trưởng Ban ATGT tỉnh, Giám đốc Sở GTVT, để giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian cuối năm 2023 và năm 2024, Ban ATGT tỉnh đã đề ra phương hướng, triển đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh tuyên truyền mọi người thực hiện “Đã uống rượu, bia không lái xe” và tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT trên địa bàn quản lý, đặc biệt là vào khung giờ từ 18 đến 24h hàng ngày; tập trung xử lý nghiêm số thanh thiếu niên đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, điều khiển xe mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ quy định tại địa bàn nông thôn.
Ban ATGT tỉnh cũng yêu cầu các địa phương chủ động đề ra các phương án chống lấn chiếm hành lang ATGT, xử lý các địa điểm họp chợ buôn bán trái phép gây mất trật tự ATGT, ùn tắc giao thông; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT tới xã, phường, thị trấn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn TNGT, các tuyến và địa bàn giao thông nông thôn, chú trọng trong các đợt cao điểm; lập kế hoạch chuyên đề xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Phúc Nguyên