Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh
Chiều 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang- Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh.
|
Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể…
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 15/12/2022 đến 14/10/2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc) TNGT liên quan đến học sinh, làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương toàn quốc). So với cùng kỳ năm 2022, tăng 8 vụ (+0,92%), giảm 33 người chết (-6,31%), giảm 34 người bị thương (-3,95%). Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Nguyên nhân xảy ra TNGT do đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường quy định, không chú ý quan sát, chuyển hướng không đúng quy định, tránh vượt không đúng quy định, không nhường đường, không giữ khoảng cách an toàn, sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ…
Cũng trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm TTATGT (chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm TTATGT toàn quốc), phạt tiền 39 tỷ 267 triệu đồng (chiếm 0,73% tổng số tiền phạt vi phạm TTATGT toàn quốc); tạm giữ 61.356 xe mô tô. Trong đó, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy 30.673 trường hợp.
Điều đáng nói, tai nạn giao thông liên quan học sinh xảy ra nhiều hết sức lo ngại làm gần 500 em chết mỗi năm và hơn 800 em bị thương để lại những hậu quả nặng về đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội. Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ… Đây là điều đáng bàn và cần có biện pháp ngăn chặn.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế, đồng thời, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và vi phạm quy định về TTATGT đối với học sinh.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý: Thời gian tới, cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm; tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, lưu ý tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện; tập trung trang bị cho học sinh các kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng khi đi trên phương tiện thủy và khi đi qua đường ngang giao nhau với đường sắt, kỹ năng xử lý tình huống.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng chung tay, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước hình thành ý thức của học sinh trong việc chấp hành quy định về TTATGT, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành, giảm thiểu tai nạn giao thông…
Phúc Nguyên