Cảnh báo từ các vụ ngộ độc Botulinum
Ông Đặng Quang Hà- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, UBND huyện đã văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện, sau khi xảy ra 2 vụ ngộ độc tại thôn thị trấn Măng Đen.
|
Theo Trung tâm Y tế huyện Kon Plông, đầu tháng 4/2025, tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) xảy ra 2 vụ ngộ độc Botulinum, với 4 nạn nhân. Nguyên nhân được cho là do sử dụng món mắm chua tự làm, trong đó có chứa độc tố Botulinum.
Cụ thể, chùm ca bệnh thứ nhất xảy ra tại hộ gia đình ông A Bân - Y Thuận thôn Kon Brayh. Theo kết quả xác minh, sau khi ăn cơm tối, khoảng 22h ngày 1/4, ông A Bân có triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Sáng 2/4, bệnh nhân không ăn sáng, có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, khoảng 18h30 cùng ngày nhập viện (tại Trung tâm y tế huyện).
20h22 ngày 2/4, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chuẩn đoán theo dõi ngộ độc Botulinum. Theo bà Y Thuận- vợ bệnh nhân, nhà có làm một ít mắm chua từ cá mua của người chở bán hàng rong.
Chùm ca bệnh thứ hai xảy ra tại bữa ăn trưa ngày 2/4 của 5 người khi đi làm việc tại Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện. Đồ ăn mang theo từ nhà, trong đó cũng có món mắm chua.
Sáng 3/4, có 3 người có các triệu chứng ngộ độc (đau bụng, đau đầu, chóng mặt, nôn ói), được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Kon Plông, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh; có 2 người phải điều trị tại Khoa Hồi sức chống độc, có hỗ trợ thở máy.
Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do ngộ độc độc tố Botulinum có trong món mắm chua sử dụng trong bữa ăn.
|
2 vụ ngộ độc liên tiếp, với nguyên nhân ban đầu được nhận định là do ngộ độc Botulinum có trong món mắm chua tiếp tục gióng lên lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ món ăn dân dã này.
Trước đó, tháng 2/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng cấp cứu kịp thời bệnh nhân Y Chuih (trú tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) và bệnh nhân A Rô (trú tại thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) trong tình trạng nguy kịch bởi ngộ độc Botulinum type E từ thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, trong đó có món mắm chua.
Mắm chua là món ăn truyền thống ở một số vùng DTTS của tỉnh, được chế biến từ cá suối, ủ lên men cùng với bột gạo hoặc muối, thường được bà con dùng để ăn với cơm. Trong điều kiện yếm khí, nhiều loại vi khuẩn đã phát triển, trong đó có Clostridium Botulinum gây ngộ độc.
Ngộ độc do độc tố Botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe con người. Người bệnh có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho gần 30 trường hợp bị ngộ độc Botulinum, trong đó, có 2 trường hợp tử vong.
Trong khi chờ kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Trung tâm Y tế huyện Kon Plông tiếp tục tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh tại nơi sinh sống của bệnh nhân; khám sàng lọc phát hiện sớm ca nghi ngờ/mắc bệnh để xử lý và điều trị kịp thời (khi cần thiết).
Đồng thời kiến nghị UBND thị trấn Măng Đen kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm của các hộ dân và nơi, nguồn cung cấp, buôn bán thực phẩm trên địa bàn; loại bỏ ngay toàn bộ các loại thực phẩm nghi ngờ có khả năng chứa vi khuẩn/nha bào/độc tố vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Vận động người dân thực hiện nghiêm việc ăn chín, uống chín, không dùng thực phẩm có nghi ngờ không an toàn khả năng gây ngộ độc; không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi.
Đặc biệt, không sử dụng các loại mắm dố, mắm chua tự làm không bảo đảm vệ sinh. Sau khi ăn uống, nếu gặp phải các triệu chứng bất thường (đau bụng, đau đầu, chóng mặt, nôn ói) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ngày 16/4, ông Đặng Quang Hà- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, UBND huyện đã có văn bản số 569 chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện, sau khi xảy ra 2 vụ ngộ độc tại thôn thị trấn Măng Đen.
Trong đó, Phòng Y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm của các hộ dân và nơi nguồn cung cấp, buôn bán trên địa bàn. Loại bỏ ngay toàn bộ các loại thực phẩm nghi ngờ có khả năng gây ngộ độc có khả năng chứa vi khuẩn/nha bào/độc tố vi khuẩn Clostridia Botulinum.
Trung tâm Y tế huyện khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, giám sát, lấy mẫu, xử lý môi trường; kịp thời phát hiện, xử lý khi có dịch bệnh xảy ra, không để xuất hiện chùm ca bệnh cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất ca bệnh tử vong.
UBND thị trấn Măng Đen phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân ăn sạch, uống sạch, dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ; không sử dụng các loại men không rõ nguồn gốc để làm rượu; không ăn các loại nấm lạ, đặc biệt là mắm dố.
UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ăn sạch, uống sạch, ở sạch gắn với triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đưa công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (không làm, không ăn các sản phẩn đồ ăn không đảm bảo, đặc biệt là mắm dố, mắm chua), vệ sinh môi trường vào quy ước, hương ước của thôn, làng, đi kèm với đó là chế tài xử lý khi vi phạm- ông Đặng Quang Hà cho hay.
Hồng Lam