Ngọk Tem: Cây keo lai giúp người Ka Dong thoát nghèo
Nhiều năm qua, cây keo lai đã giúp nhiều người DTTS Ka Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại xã Ngọk Tem (huyện Kon Plông) có thêm thu nhập ổn định, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
|
Xã Ngọk Tem nằm ở phía Đông của huyện Kon Plông, giáp với tỉnh Quảng Ngãi, địa hình chia cắt với nhiều đồi núi cao, thời tiết đặc trưng là nắng nóng gần như quanh năm. Dựa trên đặc điểm tự nhiên này, người Ka Dong trên địa bàn xã đã chú trọng trồng cây keo lai trên các diện tích đất trống, đồi núi trọc, mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ gia đình.
Keo là cây lâm nghiệp, thân gỗ màu vàng trắng. Cây keo có đặc tính không kén đất, rất dễ trồng, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Thông thường, cây keo được người dân xã Ngọk Tem trồng sau những cơn mưa đầu mùa; việc làm cỏ, bón phân được tiến hành 1 lần/năm. Rễ cây keo lai phát triển sâu, có nhiều nốt sần chứa vi khuẩn cố định đạm, giúp cải tạo đất rất tốt.
Cây keo có nhiều loại như keo lai, keo dậu và keo vàng. Trong đó, cây keo lai được người Ka Dong trồng nhiều nhất do có đặc tính sinh trưởng, phát triển nhanh, chất lượng gỗ cao, ổn định, khả năng kháng sâu bệnh tốt và thích ứng cao với thời tiết khô hạn.
Người dân xã Ngọk Tem cho biết, cây keo lai đã được trồng tại địa phương hơn 10 năm nay. Sau khi trồng khoảng 7 năm, cây keo lai được khai thác để làm nguyên liệu giấy, mang lại thu nhập khoảng 80-120 triệu đồng/ha. Sau 15 năm, thân cây keo lai có kích thước lớn được khai thác để làm đồ gỗ gia dụng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
|
Đến nay, xã Ngọk Tem đã phát triển trên 800ha cây keo. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ cây keo lai. Đơn cử gia đình anh A Đơn ở thôn Điek Lò. Năm 2018, anh Đơn trồng 1ha keo lai trên triền đồi gần nhà, quá trình trồng, anh áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây keo lai phát triển xanh tốt. Cuối năm 2024, gia đình anh A Đơn bán vườn keo cho thương lái với số tiền gần 100 triệu đồng. Số tiền này được anh sử dụng để sửa chữa nhà ở, mua thêm bò để phát triển chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập của gia đình.
Ông A KĐép- Trưởng thôn Điek Lò tâm sự: Thôn hiện có 171 hộ, trong đó, người Ka Dong chiếm tỷ lệ trên 97%. Nhờ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và phát huy nội lực trong nhân dân, thôn Điek Lò hiện nay đã phát triển được 175ha keo lai, bình quân mỗi hộ có hơn 1ha. Hiện nay, bà con nhân dân giữ vững và nhân rộng diện tích keo lai để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần cải thiện môi trường sinh thái rừng bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Thiều Ngọc Vân- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọk Tem cho hay: Nhiều năm qua, xã Ngọk Tem xác định cây keo lai là 1 trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn để mang lại thu nhập ổn định cho người DTTS nơi đây. Hiện nay, xã đang tiếp tục vận động nhân dân phát triển mạnh cây keo lai để tăng dần diện tích; chuyển đổi diện tích đất trồng mì đã bạc màu sang trồng cây keo lai. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ở các công đoạn như chọn giống, xuống giống, bón phân, chăm sóc để tăng sản lượng.
Tấn Lộc