Bảo vệ quyền của người tiêu dùng
Liên tiếp những vụ việc sản xuất hàng giả quy mô lớn bị phát hiện gần đây không chỉ làm người tiêu dùng lo lắng quyền lợi, thậm chí là sức khỏe, tính mạng, bị xâm hại mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về những “lỗ hổng” trong cơ chế quản lý cũng như bảo vệ người tiêu dùng.
|
Những ngày qua, sữa giả trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội, khi các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an công bố phát hiện một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vào ngày 12/4.
Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Công an xác định: Từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai, thu lợi gần 500 tỷ đồng.
Đọc thông tin trên báo chí mà chị N.T.T. (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) thấy “sốc toàn tập”. Vì khi rà danh sách sữa giả, chị T. phát hiện ra có mua sản phẩm sữa Cilonmum Diasure Colostrum 24h (được quảng cáo dành cho người suy thận, tiểu đường, sau phẫu thuật) cho bố chị (bị tiểu đường) sử dụng.
“Xem các clip quảng cáo trên mạng thấy có các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ giới thiệu về sản phẩm, đánh giá cao về chất lượng, sự an toàn cũng như quá trình sản xuất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của FDA Hoa Kỳ nên tôi đã tin và đặt mua”- chị T. kể.
Rõ ràng là sữa giả có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là đối với nhóm người tiêu dùng có bệnh lý, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ. Nhưng các cơ quan chức năng liên quan “đã ở đâu” khi các đối tượng sản xuất sữa giả hoạt động công khai, liên tục suốt gần 4 năm mà không biết, không ngăn chặn được- chị T. bức xúc nói.
Khi người tiêu dùng còn đang “choáng váng” vì vụ án sữa giả thì thêm một “đòn đánh” nữa vào niềm tin của người tiêu dùng. Ngày 16/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Tiến Đạt, 34 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội và Trịnh Doãn Giáo, 40 tuổi, ở quận Bình Tân, TP HCM cùng 12 nghi can để điều tra về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
Nhà chức trách thu hàng nghìn hộp thuốc kháng sinh, thuốc bổ, thuốc thoái hoá xương khớp giả thương hiệu lớn trên thế giới như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Tui Hua Shen Jing Tong, Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ, Gai cốt hoàn, Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn...
Công an cáo buộc, từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.
Thật khó hiểu khi lượng thuốc giả rất lớn này đã lưu hành trong gần 4 năm qua, nhưng cả hệ thống kiểm soát an toàn, chất lượng thực phẩm cũng không hề hay biết cho đến khi lực lượng công an vào cuộc?
Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều người tiêu dùng trong những ngày qua.
Tất nhiên, câu hỏi trên sẽ được các ngành chức năng làm rõ. Nhưng rõ ràng là, người tiêu dùng đang là đối tượng gánh chịu thiệt hại cả về vật chất, tinh thần cũng như hậu quả khó lường về sức khỏe. Nếu dùng thường xuyên và lâu dài, hậu quả càng khủng khiếp hơn, không chỉ là về thể chất mà là thậm chí là tính mạng.
Như vậy, lại thêm một câu hỏi về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được thực thi như thế nào?
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua tháng 11/2010 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 và được kỳ vọng là tấm lá chắn để bảo vệ người tiêu dùng trước những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của mình.
5 năm sau, ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15/3 là Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
|
Ở tỉnh Kon Tum, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có sự chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành của tỉnh đã và đang có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong xã hội còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý là đa số người tiêu dùng chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình, như mua hàng phải lấy hóa đơn; xem xét kỹ xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng của sản phẩm; khi mua hàng thì quan tâm giá rẻ, mẫu mã đẹp hơn chất lượng hàng hóa.
Trong khi đó, Hội bảo vệ người tiêu dùng (được thành lập theo Quyết định số 597/QĐ-UBND ngày 6/12/2018 của UBND tỉnh) chưa phát huy được vai trò của mình; mức độ trợ giúp đối với người tiêu dùng còn rất hạn chế. Mới đây, tháng 2/2025, UBND tỉnh đã thống nhất cho Hội Bảo vệ người tiêu dùng tự giải thể theo đề xuất của hội.
Theo dõi báo chí, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân hàng giả vẫn “lộng hành” là chế tài xử phạt những hành vi này còn thiếu, chưa đủ mạnh; hiệu quả thực thi chế tài chưa cao.
Đặc biệt, khâu hậu kiểm còn chưa phát huy vai trò. Như trong vụ án sản xuất sữa giả, theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ, để đưa một sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp được công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm. Vấn đề ở đây là, doanh nghiệp tự công bố chất lượng, trong khi cơ quan chức năng lỏng lẻo hậu kiểm đã tạo lỗ hổng để gian thương lợi dụng sản xuất sữa giả, đưa ra thị trường.
Vì vậy, rất cần nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật về phòng, chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong khâu hậu kiểm đối với các mặt hàng do doanh nghiệp tự công bố.
Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao cảnh giác bằng việc kiểm tra tem, nhãn, mã vạch, truy xuất nguồn gốc; lựa chọn nơi, kênh mua sắm uy tín; thông tin cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về hàng giả. Quan trọng nhất là cần hiểu rõ, đấu tranh chống hàng giả là bảo vệ chính mình.
Sông Côn