Chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng biên
Không có trường lớp hoàn chỉnh, thiếu giáo viên, thiết bị dạy học sơ sài- tất cả đã từng là bài toán nan giải khi huyện Ia H’Drai mới thành lập. Nhưng đến nay, trường lớp được xây dựng khang trang, học sinh vùng sâu, vùng xa được đến lớp đầy đủ, đến việc nâng cao chất lượng dạy và học là minh chứng phản ánh một quyết tâm lớn từ chính quyền, ngành Giáo dục địa phương trên hành trình gieo chữ nơi biên cương.
|
Thầy Nguyễn Ngọc Linh- Hiệu trưởng Trường TH- THCS Nguyễn Du chia sẻ: So với 5 năm trước, cơ sở vật chất của nhà trường đã thay đổi rõ rệt. Trường có đủ phòng học kiên cố, thư viện, trang thiết bị phục vụ dạy học. Điều đáng mừng nhất là tinh thần học tập của học sinh ngày càng tốt hơn, nhất là học sinh người DTTS.
Theo thống kê, năm học 2024-2025, trường có 20 lớp với 546 học sinh, trong đó có 359 em là người DTTS, chiếm tỷ lệ gần 66% học sinh nhà trường. Dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên và sự quan tâm hỗ trợ từ ngành Giáo dục, địa phương, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; học sinh lớp 9 đủ điều kiện xét tốt nghiệp THCS đạt 100%. Các cuộc thi học sinh giỏi, thể thao, kỹ năng sống cấp huyện, tỉnh đều có học sinh của trường tham gia và đạt giải cao.
Không giấu được niềm tự hào, thầy Linh chia sẻ thêm: Kết quả trên là nhờ sự quan tâm đầu tư kịp thời của địa phương và các nguồn lực xã hội. Đồng thời xuất phát từ sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm bám lớp, bám trường.
Là huyện biên giới mới thành lập, xuất phát điểm gần như trắng về trường lớp và đội ngũ giáo viên, nhưng bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay Ia H’Drai đã có 8 trường với 161 lớp học, tổng số học sinh 3.820 em, trong đó học sinh người DTTS chiếm trên 68,53%.
Thầy Thạch Xuân Hào- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia H’Drai cho biết: Dù nguồn lực còn hạn chế, nhưng huyện luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục, nhất là xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên, bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Những năm qua, cơ sở vật chất cho các trường học được đầu tư đáng kể từ nhiều nguồn, trong đó có chương trình MTQG, ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa. Huyện hiện có 27 điểm trường lẻ, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, giúp học sinh vùng xa có điều kiện học tập thuận lợi hơn. Các trang thiết bị như phòng học bộ môn, phòng chức năng, thư viện, máy chiếu, máy tính, thiết bị dạy học tối thiểu được bổ sung, lắp đặt đồng bộ.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên được đặc biệt chú trọng. Hằng năm, Phòng GD&ĐT rà soát, tham mưu UBND huyện tuyển dụng nhân sự kịp thời; đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng giảng dạy cho giáo viên theo định hướng của chương trình mới. Đến nay, 100% cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo.
Thầy Thạch Xuân Hào nhấn mạnh: Chúng tôi không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn mà còn chú trọng xây dựng môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và dạy học. Hiện nay, huyện đã triển khai phần mềm quản lý hồ sơ số, giáo án điện tử, dạy học trực tuyến.
Sự nỗ lực bền bỉ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ngày càng được nâng lên. Năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh người DTTS ở cấp tiểu học hoàn thành tốt môn Tiếng Việt tăng 9,3% so với năm học trước; ở cấp THCS, tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi cũng tăng đáng kể.
Ngoài kết quả học tập, phong trào thể thao, văn nghệ, các cuộc thi kỹ năng sống, vở sạch- chữ đẹp, tài năng tiếng Anh được các trường tích cực hưởng ứng và đạt nhiều giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh.
Việc huy động các nguồn lực xã hội vào giáo dục được triển khai hiệu quả. Nhiều mô hình hay như “Thư viện thân thiện”, “Thư viện ước mơ”, “Sách cũ cho năm học mới”, học bổng "Nâng bước em đến trường" đã trở thành cầu nối nghĩa tình, mang tri thức đến với học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa.
|
Tuy còn không ít khó khăn như địa bàn rộng, dân cư thưa, đời sống người dân còn khó khăn, nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, với tâm huyết của thầy giáo, cô giáo, sự đồng hành của cộng đồng, sự nghiệp giáo dục ở Ia H’Drai sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái, chắp cánh ước mơ cho các em học sinh vùng biên còn nhiều gian khó.
Tất Thành