Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ I: “Gieo” chữ nơi đầu sóng
Trường Sa không chỉ là tuyến đầu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là biểu tượng sống động cho sức sống, niềm tin và ý chí vươn lên mãnh liệt của con người giữa trùng khơi. Trên những đảo đá tưởng chừng chỉ có nắng gió và muối mặn, vẫn vang lên tiếng trẻ ê a học bài, vẫn xanh ngắt màu xanh của cây trái, vẫn sáng lên quyết tâm của những chiến sĩ Hải quân kiên trung và tình quân - dân ấm áp. Tất cả đã tạo nên một Trường Sa vững vàng về thế trận quốc phòng, vững vàng về thế trận lòng dân từ gốc rễ nơi đầu sóng.
Kỳ I: “Gieo” chữ nơi đầu sóng
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều năm qua trên quần đảo Trường Sa luôn duy trì hai khối lớp mầm non và tiểu học ở 4 đảo: Trường Sa, Đá Tây A, Song Tử Tây và Sinh Tồn. Để ươm mầm con chữ cho những em nhỏ nơi đây, nhiều giáo viên đã tình nguyện xa gia đình, người thân đi “gieo” chữ nơi đầu sóng.
Những người “gieo” chữ ở Trường Sa
Với tình yêu đặc biệt những mầm non nơi đầu sóng ngọn gió, thầy giáo Lê Xuân Hạnh, 54 tuổi đã viết đơn tình nguyện ra “gieo” chữ ở đảo Trường Sa, đảm nhận dạy 5 học sinh tiểu học tại Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Thầy được cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo gọi với cái tên thân thương, gần gũi là ông giáo già.
Trước khi ra đảo Trường Sa, thầy giáo Lê Xuân Hạnh công tác tại Trường Tiểu học Cam Phước Tây 1, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa). Thầy trải lòng: Tôi đã công tác trong ngành Giáo dục được 34 năm, trong đó có 15 năm gắn bó với học trò vùng cao, 7 năm còn lại trước khi về hưu tôi muốn dành trọn cho học trò ở Trường Sa.
|
Tháng 6 năm 2023, thầy giáo Ưng Văn Tuấn tạm biệt đất liền, người thân ra với các em học sinh ở đảo Đá Tây A sau 2 lần viết đơn tình nguyện. Với tình yêu biển đảo, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy Tuấn đã mong muốn được ra đảo dạy học. Rồi ước mơ cũng đã thành hiện thực, thầy Tuấn vỡ òa trong hạnh phúc khi nhận được quyết định điều động công tác.
Thầy giáo Tuấn chia sẻ: Đối với tôi được dạy học nơi tiền tiêu của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào không chỉ đối với bản thân mà còn của cả gia đình. Ở đây, tôi được cống hiến sức trẻ, góp phần chắp cánh ước mơ tri thức cho các em học sinh, làm hành trang cho các em tự tin bước vào học các lớp cao hơn trong đất liền.
Xuất thân là giáo viên tiểu học nhưng được phân công dạy lớp ghép gồm 3 em học sinh lớp 1 và 6 em học sinh mầm non từ 3 đến 5 tuổi. Những ngày đầu là những ngày đầy khó khăn, vất vả đối với người giáo viên trẻ lại là nam giới và chưa lập gia đình. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, ngoài chương trình dạy theo hướng dẫn của ngành Giáo dục, thầy Ưng Văn Tuấn đã tự tìm hiểu và đề ra nhiều phương pháp phù hợp cho từng khả năng và độ tuổi của học sinh.
Năm nay là năm thứ 2 thầy giáo trẻ người dân tộc Raglai Cao Văn Truyền ở huyện miền núi Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) dạy học ở đảo Trường Sa. Vốn là giáo viên tiểu học tại đất liền nhưng ở đây không có giáo viên mầm non nên thầy phải học thêm nghiệp vụ để có thể dạy những học trò ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi tại Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa.
Thầy giáo Cao Văn Truyền tâm sự: Khi mới ra đây công tác cũng thấy rất nhớ nhà, nhớ gia đình, nhưng các con ở đây dễ thương lắm, chăm ngoan, líu ríu suốt ngày làm vơi đi nỗi nhớ đất liền, là động lực để tôi quyết tâm phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho là “gieo” những con chữ nơi vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc.
Xa đất liền, gia đình và người thân, đối mặt với bao khó khăn, vất vả nhưng với trách nhiệm và tình yêu với học trò đã giúp những người “lái đò” đang “gieo” con chữ trên quần đảo Trường Sa vượt qua tất cả, vững tâm với nghề, đã và đang hết mình trong việc dạy dỗ, chăm sóc, dìu dắt các em học sinh.
Với các thầy được dạy học ở Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào lớn lao, mang kiến thức đóng góp vào sự nghiệp “trồng người” nơi đầu sóng. Nhiều thế hệ học sinh ở Trường Sa cứ thế lớn lên trong vòng tay yêu thương, che chở của gia đình, thầy giáo và cán bộ, chiến sĩ ở nơi đây.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện trên quần đảo Trường Sa đã có 4 trường Tiểu học ở các đảo: Trường Sa, Đá Tây A, Song Tử Tây và Sinh Tồn. Các trường đều được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ phòng chức năng như lớp học, thư viện, phòng nghỉ giáo viên. Tại mỗi trường đều có 2 giáo viên đảm nhận công tác giảng dạy.
Lớp học bên bờ sóng
Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa có 9 học sinh gồm 5 học sinh tiểu học, 4 học sinh mầm non và 2 giáo viên, mỗi thầy phụ trách 1 cấp học với lớp ghép nhiều độ tuổi khác nhau. Còn Trường Tiểu học Đá Tây có 18 học sinh gồm 6 học sinh mầm non, 12 học sinh tiểu học và 2 giáo viên, một thầy phụ trách dạy mầm non và lớp 1, thầy còn lại dạy học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Học hết tiểu học, các em sẽ được đưa vào bờ để học bậc THCS.
Chứng kiến buổi học tại đây mới thấy việc ươm mầm con chữ khó khăn, vất vả hơn nhiều so với đất liền. Buổi sinh hoạt đầu giờ của thầy và trò ở các trường trên quần đảo Trường Sa luôn bắt đầu bằng những bài hát về biển đảo quê hương. Chưa tới chục học sinh mà hai thầy giáo luôn tất bật mỗi khi lên lớp.
Do là lớp ghép nên học trò có nhiều độ tuổi và trình độ khác nhau. Để “ổn định tổ chức” và đạt kết quả tốt trong các buổi học các thầy giáo phải xoay vòng giảng bài. Ví dụ khi giảng cho các em lớp 1 thì học sinh các lớp 2,3,4,5 ôn bài, làm bài tập; có lúc hướng dẫn trò lớn làm bài tập xong lại cầm tay trò nhỏ nắn nót từng con chữ, rồi quay sang dỗ dành các bé khóc nhè, hướng dẫn cách lắp ráp đồ chơi hay “hòa giải”…
Thấy các con ở đây thiệt thòi hơn so với ở đất liền, nên các thầy luôn dành nhiều thời gian gần gũi, động viên các con cố gắng học tập. Đặc biệt, tự đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu ra nhiều phương pháp dạy dỗ, chăm sóc phù hợp.
“Ông giáo già” Lê Xuân Hạnh - Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chậm rãi: Tôi luôn vận dụng các phương pháp trực quan, đàm thoại để truyền đạt kiến thức cho các con. Để các con được phát triển toàn diện, ngoài giờ học trên lớp, tôi với bác sĩ Nông Hữu Thọ (Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa) còn bổ túc thêm tiếng Anh cho các con vào cuối tuần. Các con đặc biệt ham học, có nhiều trò rất thông minh, nổi trội như trò Trương Nguyễn Triệu Vy, học sinh lớp 3 nhưng có thể học được chương trình lớp 4.
Gia đình em Trương Nguyễn Triệu Vy ra đảo Trường Sa khi em bước vào lớp 1. Hiện em gái là Trương Nguyễn Triệu My cũng đang học mẫu giáo tại đây. Vy nói: Chúng con học ở đây rất vui, các chú bộ đội và thầy giáo rất là thương chúng con. Thầy Hạnh dạy dễ hiểu, tận tình. Con ước mơ lớn lên sẽ trở thành cô giáo trở về dạy học tại đây.
Còn với thầy giáo trẻ Ưng Văn Tuấn - Trường Tiểu học Đá Tây thì việc dạy dỗ có phần gian nan hơn bởi vừa dạy lớp 1, vừa dỗ 6 em mẫu giáo. “Mới đầu bỡ ngỡ và gặp một số khó khăn, nhất là việc chăm các con mầm non, có trò mới đi học khóc suốt, em phải tìm đủ cách dỗ dành. Em tới nhà gặp phụ huynh để hiểu hơn về tính tình, sở thích của các con và học hỏi cả cách chăm sóc vì em chưa có kinh nghiệm” - thầy giáo Tuấn bộc bạch.
|
Thương yêu học sinh như con cháu ruột thịt, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ nên thầy giáo Cao Văn Truyền luôn được các em học sinh cũng như phụ huynh quý mến. Thầy nắm rõ tính nết, sở thích của từng học sinh, đồng thời gặp gỡ với phụ huynh để cùng phối hợp trong việc giáo dục các con.
Thầy giáo Truyền trải lòng: Tôi là giáo viên tiểu học nên khi nhận nhiệm vụ dạy trẻ mầm non bản thân đã tự tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp giáo dục. Nếu gặp tình huống nghiệp vụ khó, tôi trao đổi với đồng nghiệp tại đây hoặc gọi điện về đất liền học hỏi các cô giáo mầm non.
Sách, báo, ti vi, các hình ảnh trực quan đều được các thầy tích hợp vào tiết dạy, tạo sự sinh động và hứng thú cho các em. Ở đảo không có Internet nên trước khi ra đảo các thầy giáo đã dùng USB lưu trữ các video liên quan tới bài giảng rồi sử dụng ti vi để chiếu cho các trò xem. Các video mới lại được bổ sung sau mỗi dịp trở về đảo sau kỳ nghỉ hè. Ngoài giờ học chính khóa, các em học sinh còn được tham gia sinh hoạt ngoại khóa. Dù ở đảo xa, nhưng các em vẫn được tiếp cận và trau dồi kiến thức các môn học cơ bản như trên đất liền.
Nhờ nỗ lực, tâm huyết không mệt mỏi của những người thầy mà bao năm qua những mái trường nhỏ bé nơi hải đảo xa xôi vẫn ríu rít tiếng nói cười trẻ thơ. Cùng với trang bị kiến thức, các thầy còn đặc biệt quan tâm dạy kỹ năng giao tiếp, ứng xử, bồi đắp cho các con về tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, ý chí vượt khó vươn lên, để rồi khi trở về đất liền tiếp tục việc học, các con sẽ nhớ, tự hào về quãng thời gian được học và sinh sống ở Trường Sa.
Chia tay Trường Sa trong tiếng đọc bài ê a của các em học sinh hòa vào tiếng sóng biển ầm ào. Chúng tôi vững niềm tin về một TRƯỜNG SA – VỮNG VÀNG NƠI ĐẦU SÓNG.
Kỳ II: “Hòn ngọc” xanh giữa biển Đông
Dương Nương