• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
THƯ TÒA SOẠN    Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh    [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới    SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền cấp xã tại thành phố Kon Tum   

Đất & Người Kon Tum

Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum

08/06/2025 06:01

Các DTTS ở Kon Tum như Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Gié – Triêng, Rơ Măm, Brâu, sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống phong phú. Trong đó, sử thi (còn gọi là trường ca) là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, không chỉ là những câu chuyện dài được kể bằng lời hát, mà còn thể hiện cách nhìn nhận thế giới, cuộc sống và những điều nhân văn trong cộng đồng mỗi dân tộc.

Nhiều nghệ nhân tâm huyết, tích cực sưu tầm, biên soạn và lưu truyền sử thi trong cộng đồng. Ảnh: H.T

 

So với một số tỉnh Tây Nguyên khác như Đăk Lăk, Đăk Nông, sử thi ở Kon Tum được phát hiện muộn hơn. Đầu những năm 2000, khi Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với các địa phương triển khai, kho tàng sử thi trên địa bàn tỉnh mới dần được “khai phá” với sự phong phú, đa dạng và nhiều điều bất ngờ.

Giới nghiên cứu, các nhà sưu tầm đã ngỡ ngàng trước khối lượng đồ sộ về sử thi mà các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ, với hàng trăm bộ sử thi trải dài qua nhiều thế hệ, dòng họ. Trong đó, hai cộng đồng sở hữu đa dạng, phong phú nhất là Ba Na và Xơ Đăng.

Trong kho tàng sử thi Ba Na, nhân vật trung tâm thường là chàng Dăm Giông - hình tượng anh hùng lý tưởng với sức mạnh phi thường, có thể cưỡi khiên bay lên trời, chém gươm làm cạn sông, đánh giặc cứu làng. Dăm Giông không chỉ hiện diện như một chiến binh huyền thoại mà còn là biểu tượng cho lòng quả cảm, đức hy sinh, lý tưởng về một người lãnh đạo bảo vệ buôn làng.

Đối với sử thi Xơ Đăng, người anh hùng được khắc họa là chàng Dăm Duông – một hình mẫu thanh niên lý tưởng với dung mạo khôi ngô, tài năng xuất chúng, sống nhân ái và trọng nghĩa tình. Dăm Duông không chỉ là nhân vật sử thi mà còn là hiện thân của chuẩn mực đạo đức truyền thống người Xơ Đăng - thông minh, dũng cảm, sống vì cộng đồng.

Một số bộ sử thi Ba Na đáng chú ý có thể kể đến như: “Giông Giơ”, “Anh em Glang Mam”, “Chàng Kơtam Gring Mah”, “Giông cứu nàng Rang Hu”, “Giông đánh quỷ Bung Lung”. Còn người Xơ Đăng có các bộ sử thi nổi tiếng như: “Dăm Duông bị bắt làm tôi tớ”, “Dăm Duông cứu nàng Bar Mă”, “Dăm Duông làm nhà rông”, “Ba cô gái đi tán Duông”... Các bộ sử thi thường có dung lượng từ vài trăm đến cả ngàn trang viết tay, được kể từ đêm này qua đêm khác. Không chỉ đơn thuần là truyện kể, sử thi còn là nghệ thuật trình diễn, kết hợp giữa ngôn từ, tiết tấu, âm nhạc và diễn xướng, mang đến cảm xúc sâu lắng cho người nghe.

Đến nay, số nghệ nhân còn nhớ và thuộc sử thi không nhiều, hầu hết đã lớn tuổi. Các nghệ nhân Ba Na tiêu biểu như A Bek, A Hon, A Ling, A Hyoi, A Búi, A Tik, Y Hnhéo, A Đăng đều đã qua đời; hiện chỉ còn một số nghệ nhân ưu tú còn sống như A Lưu, Y Phoih, A Nhưm, Y Die. Các nghệ nhân sử thi Xơ Đăng nổi tiếng như A Ăr, A Hyai. A Drep, A Grông  cũng đều đã qua đời. Đây không chỉ là mất mát của mỗi cộng đồng, mà còn là khoảng trống không thể lấp đầy trong kho tàng sử thi trên địa bàn tỉnh.

Nghệ nhân A Lưu là một trong số những nghệ nhân hát kể sử thi giỏi còn sống, có nhiều cống hiến cho nền sử thi của tỉnh nhà. Ảnh: H.T

 

Trong dịp về thăm thôn Kon Klor 2 (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), chúng tôi men theo con đường đất nhỏ, rợp bóng cây để tìm đến nhà của một trong những nghệ nhân hát kể sử thi hiếm hoi còn sống là ông A Lưu. Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ nằm lặng lẽ giữa vườn cây, ngày qua ngày, hai vợ chồng già nương tựa vào nhau. Ở tuổi gần 84, mắt đã mờ, chân đã chậm, khuôn mặt ông hằn sâu những nếp nhăn của một đời gắn bó với sử thi. Ông ngồi tựa lưng vào chiếc ghế gỗ mộc mạc kê sát cửa sổ, chậm rãi cất giọng ngân nga câu hát mở đầu trong sử thi “Giông Pơm Po” – câu chuyện về người anh hùng Dăm Giông, một phần trong bộ sử thi liên hoàn kỳ vĩ của người Ba Na.

Nghệ nhân ưu tú A Lưu được biết đến là “kho tàng sống” của sử thi Ba Na khi thuộc lòng trên 100 bộ sử thi liên hoàn về Dăm Giông và Dăm Giơ. Ông từng được mời tham gia thu âm, ghi chép phục vụ nghiên cứu sử thi từ những năm 1998. Nhiều tác phẩm của ông đạt giải cao trong các liên hoan, cuộc thi cấp quốc gia.

Nhắc đến sử thi, ánh mắt ông lại sáng lên: “Ngày trước, mỗi lần kể sử thi là suốt cả đêm. Trai gái trong làng ngồi quây quần quanh đống lửa trước nhà rông, say sưa lắng nghe tôi kể đến tận khuya, tờ mờ sáng mà vẫn chưa muốn rời. Giờ đây, những người như tôi còn lại chẳng bao nhiêu, bản thân đã già yếu, lớp trẻ thì không còn mặn mà như xưa nên tôi không còn kể sử thi nữa. Nhưng tôi vẫn cảm thấy hài lòng, vì nhiều bộ sử thi mà tôi từng thuộc lòng đã được các cấp ngành ghi chép, lưu giữ lại”.

Để tìm hiểu thêm về sử thi, chúng tôi tiếp tục về làng Plei Đôn (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), tìm gặp nghệ nhân A Jar. Căn phòng nhỏ của ông chất đầy sách vở, giấy bút và nhiều tập sử thi nổi tiếng đã in thành sách. Suốt nhiều năm qua, ông đã miệt mài ghi chép gần 50 bộ sử thi, trong đó có 40 bộ sử thi Ba Na và 10 bộ sử thi Xơ Đăng, mỗi bộ dày từ 400 - 600 trang.

Nghệ nhân A Jar tâm sự: “Sử thi ăn vào máu, vào tim tôi từ nhỏ. Ngày ấy, trai tráng trong làng thường nghe các nghệ nhân kể sử thi ở nhà rông nhiều giờ liền, bất kể mưa nắng hay đêm tối. Mọi người ngồi quây quần bên nhau nghe sử thi, cảm thấy như được gắn kết hơn, thêm tự hào về cội nguồn mình. Tôi cố gắng dịch, ghi chép lại các bộ sử thi chỉ mong con cháu mai sau hiểu được tổ tiên mình đã sống, chiến đấu và hy sinh vì thôn làng, cộng đồng như thế nào”.

Nghệ nhân kể Khan (sử thi) đang truyền lại lời kể cổ cho thế hệ trẻ. Ảnh: H.T

 

Hiện nay, sử thi Tây Nguyên, trong đó có sử thi Kon Tum, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tuy nhiên, nguy cơ mai một đang rất gần khi lớp nghệ nhân lớn tuổi lần lượt ra đi, lớp trẻ không có mấy ai hứng thú để theo và học kỹ năng kể sử thi.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, biên dịch và lưu trữ sử thi là chưa đủ. Điều quan trọng là làm sao đưa sử thi trở lại với đời sống cộng đồng, để người dân, đặc biệt là lớp trẻ được nghe, được cảm và tự hào về những giá trị tinh thần của dân tộc mình.

Vì vậy, cần sớm tổ chức nhiều lớp truyền dạy kể sử thi cho con em người DTTS, nhất là trong các trường học. Đặc biệt, những em có năng khiếu, yêu thích sử thi cần được khuyến khích học hát kể, luyện giọng, kỹ năng sân khấu, từ đó, nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cũng cần tận dụng công nghệ hiện đại để số hóa kho tàng sử thi hiện có; tổ chức đa dạng, phong phú các cuộc thi kể sử thi để người trẻ thêm hứng thú, gắn bó với sử thi, thêm tự hào về tổ tiên, cội nguồn dân tộc qua những câu chuyện kể.

Hoàng Thanh

   

Các tin khác

  • Người truyền lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở thôn Kon Hia 1
  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Suối Đăk Lôi níu chân du khách
  • Người dành trọn đời cho thổ cẩm
  • Kỹ nghệ chỉnh âm cồng chiêng của người Xơ Đăng
  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Kon Rẫy: Vùng đất giàu nét đẹp văn hóa, lịch sử
  • Người giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở thôn Đăk Niêng
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • THƯ TÒA SOẠN
  • Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • THƯ CẢM ƠN
  • Thông báo về việc hợp nhất các ấn phẩm báo in, báo điện tử; chương trình phát thanh, truyền hình của Báo Quảng Ngãi và Trung tâm Truyền thông tỉnh Kon Tum
  • Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập
  • Vững niềm tin, xây khát vọng
  • Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh
  • Hợp nhất để đi xa hơn, bền vững hơn

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • Kon Tum: Sự hào sảng của đất và nét hiền hòa của người
  • Chùm ảnh: Đồi chè ở vùng Đông Trường Sơn
  • Điểm tựa yêu thương

Đất & Người Kon Tum

  • Người truyền lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở thôn Kon Hia 1
  • Chiều tối thứ Sáu hằng tuần, sân nhà ông A Bi ở thôn Kon Hia 1 (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) lại vang lên tiếng cồng chiêng rộn ràng. Đó là lớp học dành cho các em nhỏ trong thôn do ông A Bi mở và duy trì đều đặn suốt nhiều mùa hè để truyền dạy những nhịp chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ niềm đam mê thuở nhỏ, ông A Bi trở thành người thắp lên tình yêu cồng chiêng cho thế hệ sau, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 258A Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by