“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”
Cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) chiều hôm đó mưa lất phất bay. Trên bến cảng, tôi thấy có những người vợ bịn rịn tiễn chồng, những đứa trẻ ngơ ngác tiễn cha. Người đi, kẻ ở bịn rịn, luyến lưu, có nước mắt và có cả tiếng cười. Rồi những người lính theo con tàu lại rẽ sóng ra khơi, mang theo cả tình yêu, nỗi nhớ, niềm tin của hậu phương ra với Trường Sa.
|
Trong dòng người hối hả lên tàu, ánh mắt tôi dừng lại ở khoảnh khắc chia tay của vợ chồng Thiếu tá Bùi Sỹ Bắc và chị Nguyễn Thị Ngọc Thùy. Đây là lần đầu tiên chị tiễn chồng ra đảo Len Đao công tác, gương mặt chị đượm buồn nhưng giọng nói vẫn đầy vững vàng: Anh nhớ giữ gìn sức khỏe, yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, em và các con sẽ luôn là hậu phương vững chắc cho anh. Những lời dặn dò như một lời hứa của người vợ lính. Thay chồng gánh vác việc nhà, chăm lo các con để chồng yên lòng ngoài biển lớn.
Thiếu tá Bắc khẽ lau nước mắt cho vợ, ôm thật chặt chị và hai đứa con nhỏ thêm một lần nữa rồi quay lưng bước nhanh, dứt khoát tiến về phía hàng ngũ đồng đội, đang sẵn sàng lên tàu làm nhiệm vụ. Ánh mắt anh cũng đỏ hoe nhưng từng bước chân lại chắc nịch bởi anh hiểu rõ trách nhiệm của mình.
|
Trên bến cảng buổi chiều hôm ấy có rất nhiều người vợ cố giấu đi cảm xúc khi tiễn chồng để các anh yên lòng, yên tâm công tác.
7 năm làm vợ của Đại úy Lương Văn Thi, chị Phùng Thị Huệ đã quen với cảm xúc tiễn chồng ra đảo. Chị bảo, suốt 7 năm chung sống, thời gian chồng ở cạnh vợ con chắc chỉ được 2 năm. Thế nhưng chưa một lần chị than vãn hay trách móc mà ngược lại luôn tìm cách động viên để anh yên tâm công tác, mọi chuyện ở nhà đã có chị lo chu toàn. Mắt chị đỏ hoe nhưng vẫn mỉm cười khi chia tay anh tại bến cảng.
Bên cạnh mẹ, bé Lương Thị Minh Ngọc - con gái chị Huệ đứng lặng lẽ nhìn về phía cha đang đứng trong hàng ngũ với đồng đội. Đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác, vừa như hiểu lại vừa như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Với cháu, cha là người hùng, là điểm tựa. Lần nào nhớ bố, bé cũng nhờ mẹ gọi điện, kể đủ chuyện ở nhà, khoe với bố những nét chữ đầu tiên hay bài hát mới học. Lần này cũng vậy, những cuộc gọi, những dòng thư ngắn ngủi sẽ là cầu nối yêu thương giữa người đi và người ở, giữa Trường Sa đầy nắng, gió và đất liền yêu thương.
Cạnh gốc đa nơi có những chùm rễ dài đong đưa theo gió biển, chị Hoàng Thị Mận tranh thủ vài phút bên chồng là Trung tá Nguyễn Thế Hiển, gọi video về nhà để cho bố con nhìn thấy nhau.
Cô con gái mới 18 tháng tuổi được gửi lại cho người thân để chị ra cảng tiễn chồng. Đứng nép bên anh, vừa nói chuyện với con qua điện thoại vừa ngước nhìn anh, chị dặn lòng phải mạnh mẽ để anh yên tâm. Trong im lặng, chị siết tay chồng thật chặt, lời tạm biệt không cất thành tiếng. Giây phút ấy, họ cảm nhận sự xa cách và cả quyết tâm “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.
Chị Mận chia sẻ: Chồng đi công tác ở đảo xa trong lòng rất trống vắng, nhưng vì Tổ quốc mọi niềm riêng chúng tôi đều gác lại và động viên nhau vượt qua tất cả.
Đó là tiếng nói chung của biết bao người vợ lính. Không khoác lên mình quân phục, không cầm súng giữ đảo nhưng là hậu phương vững chắc để người lính hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Những người vợ như chị Thùy, chị Huệ, chị Mận và hàng ngàn người vợ lính nơi đất liền vẫn thầm lặng hi sinh niềm hạnh phúc riêng tư, chăm lo chu toàn công việc gia đình, nuôi dạy con cái, để chồng yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Chiều trên bến cảng, sau cơn mưa bất chợt những tia nắng cuối ngày bất ngờ bừng sáng rực rỡ. Những con tàu đồng loạt kéo còi rền vang như đang tấu lên bản hùng ca bất diệt rẽ sóng hướng ra biển lớn, viết tiếp truyền thống hào hùng của cha ông ta năm xưa.
Trên boong tàu, những cánh tay giơ cao vẫy chào đất liền, những lời chúc mạnh khỏe, những lời hứa phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ vang lên hòa vào tiếng sóng biển, tiếng gió trời. “Tạm biệt đất liền!”- Tiếng hô đồng thanh vang vọng không chỉ là lời tạm biệt mà còn là lời hứa với Tổ quốc, với nhân dân, với hậu phương.
Con tàu rẽ sóng ra khơi đưa chúng tôi và những người lính biển đến với các hòn đảo xa xôi tiền tiêu của Tổ quốc. Tôi nhìn theo đoàn người đang xa dần trên bến cảng bất chợt nhớ đến câu thơ trong bài “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ Nguyễn Mỹ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.
Cuộc chia ly trên bến cảng Cam Ranh không u sầu, bi lụy mà là cuộc chia tay mang sắc màu của lý tưởng, niềm tin, tình yêu và sự hi sinh cao cả. Giữa trùng khơi bao la tình yêu vẫn thủy chung son sắt như ngọn hải đăng âm thầm soi sáng, tiếp sức cho những người lính hoàn thành sứ mệnh gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Dương Nương