Thanh xuân gửi lại Trường Sa
Thanh xuân- khoảng thời gian đẹp nhất đời người, là khi con người mang trong mình nhiều hoài bão, ước mơ và khát khao cống hiến. Có người chọn khám phá thế giới rộng lớn, có người chọn ở bên gia đình, nhưng cũng có những người đã gửi cả thanh xuân của mình giữa trùng khơi Trường Sa.
|
Trong chuyến công tác đặc biệt ra quần đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người lính- những người mang tuổi thanh xuân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Họ là những “cột mốc sống” ngày đêm canh giữ chủ quyền, là những chàng trai đến với Trường Sa khi tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi nhưng đã viết khúc tráng ca tuổi trẻ bằng tất cả sự dũng cảm, bản lĩnh và trái tim yêu nước nồng nàn.
“Một nửa trái tim tôi là đất mẹ, nửa còn lại là Trường Sa”- Thiếu tá chuyên nghiệp Hoàng Đăng Việt đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế khi gặp anh ở đảo Trường Sa. Hơn 30 năm trong quân ngũ, chàng trai xứ Nghệ này đã đặt chân lên tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, từng công tác tại 7 đảo, trong đó có đảo Nam Yết anh gắn bó nhiều nhất với 6 lần.
Anh vẫn nhớ như in ngày đầu tiên ra đảo Sơn Ca vào năm 1998. Khi ấy, anh còn rất trẻ, lần đầu xa nhà, nỗi nhớ quê, nhớ cha mẹ, người thân khiến nhiều đêm không thể ngủ. Trên đảo khi đó còn thiếu thốn đủ bề. Những bữa ăn đạm bạc bên ánh đèn dầu với những câu chuyện về quê hương cùng sự gần gũi, động viên của đồng đội, đồng chí đã tiếp thêm sức mạnh để các anh vượt qua tất cả.
“Buổi tối, bên ánh đèn dầu, chúng tôi quây quần kể chuyện, đánh đàn ghi-ta, hát thâu đêm cho vơi nỗi nhớ nhà. Những bức thư tay của bạn gái gửi ra, cả đơn vị cùng đọc, rồi chụm đầu nghĩ cách hồi âm sao cho thật hay, thật tình cảm”- anh Việt kể lại.
Có lẽ, chính tình đồng đội, tình yêu thương giản dị như thế đã níu giữ họ ở lại, chọn nơi đầu sóng ngọn gió thành mái nhà thứ hai. Thanh xuân của anh không gắn liền với thành phố ồn ào mà nằm trọn trong những ngày tháng đong đầy mồ hôi, nước mắt và cả tiếng cười nơi đảo xa.
Lại nhớ, trong những chiến sĩ cống hiến thanh xuân nơi Trường Sa ấy, có những người đã không thể trở về. Sự kiện Gạc Ma cách đây 37 năm là một ví dụ. Ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ tuổi đôi mươi đã anh dũng ngã xuống, nằm lại mãi mãi nơi biển khơi trong cuộc chiến không cân sức để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Trong số đó có liệt sĩ Trần Văn Phương, phó chỉ huy đảo Gạc Ma, quê ở tỉnh Quảng Bình. Trước hiểm nguy anh vẫn giữ lá cờ Tổ quốc đến phút cuối cùng, lấy thân mình che chắn cho đồng đội và lá quốc kỳ. Những cái tên đã hóa thân vào lịch sử, thành biểu tượng bất tử cho lòng trung kiên và tình yêu với biển đảo, với Tổ quốc.
Trường Sa không chỉ là biên giới lãnh thổ, mà còn là biên giới của những giấc mơ tuổi trẻ- nơi có những con người bình dị đã sống một tuổi trẻ phi thường. Nơi đó, từng con sóng xô bờ như nhắc nhớ về máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao lớp người lính. Họ đã và đang giữ vững vùng chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bằng chính những hy sinh thầm lặng của đời mình.
|
Trên khắp những hòn đảo giữa đại dương bao la ấy, chúng tôi gặp rất nhiều người lính trẻ, phần lớn mới chỉ ngoài đôi mươi. Gương mặt non trẻ nhưng ánh mắt lại toát lên sự kiên định, niềm tin và tinh thần cống hiến. Trong số đó có chiến sĩ Phạm Ngọc Quý, quê ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Quý ra đảo từ tháng 7/2024, nắng gió đã làm sạm da, nét cương nghị ngày càng rõ trên khuôn mặt.
Phạm Ngọc Quý kể, em tự hào vì ông nội từng là bộ đội tình nguyện giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau khi tốt nghiệp THPT, em tình nguyện nhập ngũ để nối tiếp truyền thống gia đình, góp sức gìn giữ biển đảo quê hương. Khó khăn, vất vả, hiểm nguy là thế nhưng em vẫn mong muốn được ở lại lâu dài trong quân đội để trở thành người lính biển thực thụ.
Những người lính đến với Trường Sa đều mang theo lời hứa trong tim cùng trọng trách lớn. Trường Sa- nơi thanh xuân không lãng mạn nhưng ấm áp tình người; nơi không có quán cà phê, không có những buổi gặp mặt ồn ã, không có những buổi chiều phố thị, nhưng nơi đây lại có những buổi giao lưu văn nghệ trọn nghĩa, vẹn tình, những giờ thể thao sôi động rộn tiếng cười, hay những hoạt động dân vận ấm áp tình quân- dân.
Với mỗi người dù chỉ một lần được đặt chân tới Trường Sa, chắc chắn sẽ chẳng thể nào quên tình đất, tình người nơi đầu sóng, ngọn gió. Trường Sa không chỉ thiêng liêng vì là tuyến đầu của Tổ quốc trên biển, mà bởi nơi đó còn có những chàng trai đang lặng thầm cống hiến thanh xuân, vững tay súng canh giữ biển trời quê hương và viết tiếp trang sử vẻ vang bằng chính những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình.
Dương Nương