Thăm Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma
Trong cơn mưa chiều nặng hạt, chúng tôi đến thăm Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. 37 năm trôi qua nhưng sự hy sinh của 64 chiến sĩ tại đảo Gạc Ma vẫn luôn nhắc nhớ các thế hệ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công xây dựng năm 2015, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2017, với tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên Công đoàn và người lao động cả nước.
|
Chúng tôi đi trên những bậc thang để lên Khu tưởng niệm nằm trên quả đồi rộng 2,5ha. Hiện ra trước mắt chúng tôi đầu tiên là cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” với “Vòng tròn bất tử” khắc họa hình ảnh những chiến sĩ Gạc Ma ở tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc, sát cánh bên nhau tạo thành vòng tròn bất tử, hiên ngang, bất khuất, xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền biển, đảo quê hương.
|
Phía sau cụm tượng đài là khu trưng bày, lưu giữ những hiện vật của các liệt sĩ Gạc Ma, khu quảng trường Hòa Bình, khu mộ gió 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ hình ảnh, tên, tuổi, địa chỉ và 64 bông hoa muống biển tượng trưng cho 64 chiến sĩ Gạc Ma sống mãi cùng non sông đất nước.
Dâng hương tại Khu tưởng niệm, chị Nguyễn Thị Duy Anh, đến từ thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, xúc động nói: Nhìn cụm tượng đài các anh nắm tay nhau tạo thành vòng tròn bất tử mà không cầm được nước mắt. Độc lập, tự do, hòa bình chúng ta có được hôm nay không hề dễ, phải đổi bằng bao nhiêu xương máu của các anh hùng và cả nhân dân, nên có được rồi thì phải cố gắng giữ gìn và sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh.
Cũng lần đầu tiên đến với Khu tưởng niệm, em Nguyễn Đắc Thanh, trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La nghẹn ngào đọc từng dòng tên của các liệt sĩ tại khu mộ gió, rồi dùng điện thoại ghi lại những hình ảnh hiện hữu nơi này. Em chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em đến dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Từ miền núi cao phía Bắc xa xôi, khi được đặt chân đến đây em rất xúc động và cảm phục vô cùng sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Gạc Ma để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Những thước phim này để giáo dục truyền thống cách mạng cho các bạn ĐVTN ở cơ quan nơi em công tác.
Tại Khu tưởng niệm hiện lưu giữ 38 kỷ vật của 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh vào ngày 14/3/1988; trong đó có tấm ảnh cưới của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng vợ là Đỗ Thị Hà chụp năm 1986. Hai năm sau ngày cưới, anh Doanh nhận nhiệm vụ công tác tại Trường Sa và nằm lại mãi mãi giữa biển khơi. Tấm ảnh được vợ anh đem tặng lại Khu tưởng niệm. Hay lá thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương viết cho gia đình vào ngày 6/3/1988 có nội dung: Từ nay con không viết thư về nữa, vì công việc bận, bưu điện lại quá xa. Gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về. Bao giờ về là về thôi.
Nơi đây còn nhiều kỷ vật khác như lá cờ Tổ quốc, đôi dép, áo chiến sĩ Hải quân, bát ăn cơm và những hình ảnh lịch sử, chân dung 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma.
Chị Nguyễn Thị Trà My- Ban quản lý Khu tưởng niệm cho biết, 10 năm qua Ban quản lý luôn bảo quản kỹ lưỡng những kỷ vật của các chiến sĩ. Khu tưởng niệm cũng đã nhiều lần được sửa sang nhưng gìn giữ nguyên vẹn sự trang nghiêm. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ năm 2017 đến nay, Khu tưởng niệm đón trên 2.700 đoàn với trên 580.000 lượt khách đến thăm viếng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay có 50 đoàn chọn Khu tưởng niệm làm nơi tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên.
Ngược thời gian, cách đây 37 năm, ngày 14/3/1988, nơi đầu sóng, ngọn gió với phương tiện, vũ khí hạn chế, không có công sự che chắn, nhưng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, các chiến sĩ trên 3 con tàu HQ604, HQ605, HQ505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Sau khi uy hiếp nhưng không làm lay chuyển được tinh thần chiến sĩ của ta, các tàu chiến của địch đã dùng súng, pháo bắn thẳng vào tàu của ta, làm tàu HQ604 bốc cháy và chìm rất nhanh.
Tại đảo Gạc Ma, các chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bất tử bảo vệ lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình quyết tâm giữ đảo mặc cho pháo đạn kẻ thù trút dội và đã anh dũng hi sinh, vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi.
Sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc, là dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm mỗi người con đất Việt. Sự hy sinh của các anh nhắc nhở các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; từ đó xác định mục tiêu, lý tưởng sống xứng đáng với thế hệ đi trước.
Dương Nương