Quần đảo Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc
Từ ngày 14/4/1975 đến ngày 29/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị lực lượng từ các đơn vị của Quân chủng Hải quân và Quân khu 5, đúng 4 giờ ngày 11/4/1975, các tàu vận tải 673, 674, 675 chở Đoàn C75, do Trung tá Mai Năng thuộc Đội 1, Trung đoàn đặc công 126 chỉ huy bí mật rời Quân cảng Đà Nẵng ra đánh chiếm các đảo ở quần đảo Trường Sa với phương châm tác chiến “bí mật, bất ngờ tấn công”. Trong quá trình di chuyển, các tàu của ta gặp máy bay của Quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trinh sát, nhưng nhờ mưu trí cải trang thành tàu đánh cá nước ngoài, nên không bị phát hiện và tấn công. Lúc đó, Trung tá Mai Năng ra lệnh các tàu nhắm hướng đảo Song Tử Tây thẳng tiến.
Sau gần 3 ngày hành quân trên biển, Đoàn C75 cách đảo Song Tử Tây vài hải lý. Trung tá Mai Năng lệnh cho các tàu thả neo, tiến hành trinh sát nắm tình hình và thống nhất đánh chiếm đảo Song Tử Tây trước, nhằm làm bàn đạp tấn công các đảo còn lại. Đúng 4 giờ 30 phút, ngày 14/4/1975, sau 2 quả đạn B41 được bắn lên đảo mở đầu trận đánh, các mũi đồng loạt tiến công vào các mục tiêu của Quân đội VNCH ở trên đảo. Đến 5 giờ 15 phút cùng ngày, đảo Song Tử Tây được hoàn toàn giải phóng, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (GPMN) Việt Nam được kéo lên đỉnh cột, trước bia chủ quyền của đảo.
Đến 2 giờ 30 phút ngày 25/4/1975, tàu 641 chở lực lượng của ta đổ bộ lên đảo Sơn Ca và nổ súng tấn công, chỉ sau 30 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ đảo này. Chớp thời cơ, Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ thị cho đồng chí Mai Năng đang trên tàu 673 ở đảo Song Tử Tây lập tức giải phóng các đảo còn lại. Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 27/4/1975, ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết. 10 giờ 30 phút, ngày 28/4/1975, ta làm chủ đảo Sinh Tồn. Ngày 29/4/1975, ta tiếp tục giải phóng đảo Trường Sa. Như vậy, sau gần 20 ngày chiến đấu, phát huy khí thế tiến công “thần tốc, táo bạo”, Đoàn C75 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giải phóng toàn bộ các đảo do Quân đội VNCH chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa.
Ngay trong ngày 29/4/1975, đúng như dự báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một số tàu nước ngoài tiến vào gần các đảo của ta để thăm dò, nhưng khi thấy cờ Mặt trận Dân tộc GPMN Việt Nam tung bay trên các đảo, thì họ lùi ra xa. Đúng một ngày sau khi các đảo trên quần đảo Trường Sa được giải phóng, vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, đất nước liền một dải từ Bắc đến Nam.
Việc giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là vùng biển, đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, vì vậy, phải giải phóng để thực hiện thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, với sự hiện diện của Quân GPMN Việt Nam trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã kịp thời ngăn chặn âm mưu chiếm đảo của một số quốc gia trong khu vực. Đồng thời, việc người Việt Nam liên tục có mặt trên những đảo này là chứng cứ pháp lý rất rõ ràng để chứng minh với cộng đồng quốc tế, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Kể từ ngày giải phóng, từ chỗ là các đảo còn hoang sơ, trơ trọi bởi cát, san hô, đến nay diện mạo của quần đảo Trường Sa được đổi mới từng ngày. Nhiều công trình như: Cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện bằng sức gió được củng cố, tôn tạo không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quân, dân huyện đảo và ngư dân các địa phương đến làm ăn, phát triển kinh tế biển; kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần cùng quân, dân huyện đảo nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, các công trình văn hóa, tín ngưỡng như: Trường học, chùa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Nhà khách Thủ đô, Nhà Văn hóa đa năng, Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ trên các đảo là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống, văn hóa dân tộc cho quân, dân huyện đảo và cũng làm cho huyện đảo như gần hơn với đất liền.
Trong suốt 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các đảo được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, UBND tỉnh Khánh Hòa tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý; trong đó, các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hôm nay không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, nêu cao cảnh giác, tích cực luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn; bảo đảm tốt kỹ thuật, hậu cần cho các nhiệm vụ; tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân bị nạn trên biển; thực hiện hiệu quả các chương trình: “Xanh hóa Trường Sa”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Đặc biệt, không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân, xây dựng quần đảo Trường Sa “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”. Xây dựng Đảng bộ Lữ đoàn 146 vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiền phong gương mẫu, là hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo niềm tin và chỗ dựa vững chắc của nhân dân.
|
Quân và dân huyện đảo Trường Sa hôm nay đang nỗ lực thi đua cùng với cả nước, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nhằm đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Văn Phúc - Quang Tiên