Theo dấu chân Người
Khởi đầu từ cuộc hành trình thời đại, cuộc hành trình “đi tìm hình của nước” cách đây 110 năm – ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ thực dân phong kiến, đưa cách mạng Việt Nam bước sang trang mới “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Cũng từ đây, trên bản đồ thế giới, hai chữ “Việt Nam” xuất hiện và ngày càng trở nên rạng rỡ.
“Khi tôi còn là hạt bụi/Người đã lên tàu đi xa/ Khi quê hương còn chìm nổi/Người đã lên tàu đi xa/Để tôi – được là Việt Nam/Để tôi – mặt trời gắn lại/Để nghe tim mình thay đổi/Để người người sống tự do/Nhẹ nhàng đôi chân Bác bước/Bác đã là người đi trước/Khai rừng băng sông mở lối/Cho tôi có cả cuộc đời”... Mỗi khi nghe những ca từ trong bài hát “Dấu chân phía trước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vang lên, mỗi người con đất Việt đều rưng rưng, thấm đẫm sự kính trọng, sự biết ơn và cả niềm tự hào vô bờ bến về cuộc hành trình thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã 110 năm trôi qua, nhưng cuộc hành trình của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ngày đó vẫn còn hiển hiện trước mắt chúng ta, cho ta biết nhiều điều hay, lẽ phải, cho ta hiểu hơn về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và khát vọng vì nước, vì dân của Người.
|
Khi ấy, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vừa mới tròn 21 tuổi đã rời Bến Nhà Rồng lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville ra đi tìm đường cứu nước – đi đến phương Tây, nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển – để tìm hiểu cách xây dựng đất nước của họ, để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Suy nghĩ ấy vượt qua những giới hạn của thời đại, chứa đựng tình yêu đất nước nồng nàn và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trên thế giới trong điều kiện hết sức khắc nghiệt về thời tiết, thiếu thốn về vật chất và sự giám sát gắt gao của giới thực dân hiếu chiến Pháp nhưng với nghị lực vượt qua mọi khó khăn, với tinh thần yêu nước đã đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Và kết quả sau 30 năm bôn ba, Người trở về nước và lãnh đạo dân tộc Việt Nam làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
|
110 năm đã trôi qua, nhưng mốc son trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người với cuộc hành trình “đi tìm hình của nước” sẽ không phai mờ trong ký ức của các thế hệ người dân đất Việt. Bởi cuộc hành trình này là cuộc hành trình thời đại cho sự sống còn của dân tộc. Cuộc hành trình đó đã đưa cách mạng Việt Nam bước sang trang mới “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Và cũng từ đây, trên bản đồ thế giới, hai chữ “Việt Nam” xuất hiện và ngày càng trở nên rạng rỡ.
Hai chữ “Việt Nam” ngày càng rạng rỡ. Việt Nam ngày càng phồn thịnh. Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Tất cả bắt nguồn từ cuộc hành trình thời đại của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Mà nói về lòng yêu nước, “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước” và trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, lòng yêu nước luôn là đạo lý, là tâm niệm thiêng liêng trong mỗi người Việt Nam. Điểm đặc biệt với chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, lòng yêu nước chất chứa suy nghĩ một thời đại mới đòi hỏi một con đường mới - đó là làm cách mạng. Và 110 năm qua, cuộc hành trình đó trở thành bài học về lý tưởng, về lòng yêu nước, về tinh thần độc lập tự chủ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và trở thành động lực cho lớp lớp người con đất Việt ra sức phấn đấu lao động, học tập, đóng góp trí tuệ, tài năng xây dựng quê hương đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Người lúc sinh thời.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và tâm nguyện của Bác Hồ - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, tinh thần yêu nước của toàn thể dân tộc Việt Nam đã “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn”, từng bước hiện thực hóa khát vọng ấy của Bác bằng thắng lợi này, đến thắng lợi khác. Để đến hôm nay, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
|
“Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” là kết quả tất yếu của tinh thần đoàn kết, của lòng yêu nước luôn thường trực trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Nói về lòng yêu nước, Bác Hồ đã dặn: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”.
Theo dấu chân Người, làm theo lời Người dạy, trong những năm tháng chiến tranh, lớp lớp người con đất Việt không quản ngại gian khó, hy sinh tình nguyện tham gia đấu tranh chống giặc cứu nước. Khi đất nước hòa bình, lớp lớp người con đất Việt đã học tập và thực hành làm theo Bác thông qua những hành động thiết thực gắn với hoài bão lập thân, lập nghiệp, cống hiến cho quê hương đất nước. Trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thể hiện lòng yêu nước bằng lối sống đẹp, sống có ích, xả thân vì cộng đồng; bằng việc không ngừng học hỏi, sáng tạo để khẳng định mình... Họ thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc bắt đầu từ chính việc rèn luyện nhân cách, suy nghĩ và sự lựa chọn con đường đi, lối sống đẹp. Những việc làm ấy là sự nối tiếp truyền thống vẻ vang của dân tộc, bắt nguồn từ tinh thần, từ cuộc hành trình dám dấn thân của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành 110 năm về trước. Mỗi người tùy vào mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, bước tiếp theo dấu chân của Bác, nỗ lực viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, tiếp tục khát vọng và biến khát vọng của Người thành hiện thực.
|
Hiện nay, cả nước nói chung và Kon Tum nói riêng đang ra sức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, đặc biệt dịch bệnh Covid -19 và những hậu quả của thiên tai bão lũ trong 2 năm 2020, 2021 tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, của mỗi địa phương nói riêng. Nhưng lịch sử đất nước chúng ta đã chứng minh, khi đất nước khó khăn thì tinh thần đoàn kết càng được phát huy, sức sáng tạo, sự bền bỉ, tinh thần vượt khó của mỗi người càng được nhân lên gấp bội. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong khó khăn, thách thức sẽ mang lại những cơ hội chưa từng có trong tiền lệ.
Mọi thành công đều bắt đầu từ hoài bão, khát vọng. Theo dấu chân Người, làm theo lời Người dạy, tiếp tục khát vọng và biến khát vọng của Người thành hiện thực, sẽ thúc đẩy những con người Việt Nam yêu nước nhạy bén, sáng tạo, nắm bắt cơ hội từ những khó khăn, thách thức, góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, phồn thịnh.
Nguyên Phúc