Ngày hội của sức mạnh Việt Nam
Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt. Trong đó, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn và trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi” do đó, đoàn kết “… là then chốt của thành công”. Xuất phát từ luận điểm mang tính chân lý về vai trò đại đoàn kết toàn dân tộc nên trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn quan tâm tập hợp lực lượng quần chúng vào các tổ chức để trở thành lực lượng của cách mạng. Dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng một nguyên tắc bất biến trong tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thì lực lượng nòng cốt vẫn là giai cấp công nhân, nông dân và lực lượng trí thức yêu nước.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “… Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Bởi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta… Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc vẻ vang”. Chính sự kiên định và vận dụng sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vẻ vang này đến thắng lợi vẻ vang khác.
|
Ngày nay, tình hình khu vực và thế giới đang có diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ xung đột, cách mạng màu, chiến tranh cục bộ xảy ra khó lường. Đất nước ta bên cạnh thời cơ, thuận lợi lớn vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xóa bỏ thành quả cách mạng mà ta đã giành được. Trước tình hình này, để đưa nước ta phát triển lên tầm cao mới, đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch thì xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Do đó để thích ứng với tình hình mới, Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lấy ngày 18/11 làm Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm. Việc phát động tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cho tất cả khu dân cư trong cả nước, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của các giai tầng trong xã hội một lần nữa cho thấy Đảng ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giai đoạn cách mạng mới.
Đối với tỉnh ta, kể từ ngày đầu phát động cho đến nay đã hơn 20 lần tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết thực sự là ngày hội lớn của các dân tộc trong tỉnh. Bất kể già trẻ, gái trai, thành phần dân tộc ai ai cũng náo nức chào đón Ngày hội Đại đoàn kết tại khu dân cư. Trong Ngày hội, nhân dân được nghe chính quyền, Mặt trận báo cáo công khai kết quả thực hiện các nội dung đã đề ra năm trước: xây dựng cơ sở hạ tầng; xóa nhà tạm, nhà dột nát; xây dựng nông thôn mới; tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; công tác đền ơn đáp nghĩa; bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; chấp hành pháp luật của nhân dân. Cùng với đó, là biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động sản xuất, học tập và công tác xã hội.
|
Sau phần lễ là phần hội, với nhiều hoạt động sôi nổi như: thi các môn thể thao dân gian truyền thống, các tiết mục văn nghệ, đánh cồng chiêng, múa xoang, thi ẩm thực… Trong không khí vui tươi đầm ấm, mọi người nắm tay nhau nối vòng tay lớn quanh ngọn lửa bập bùng, bên ché rượu cần trong vòng xoang đoàn kết, tiếng nói, tiếng cười rộn ràng không dứt. Ngày hội đã thành nét đẹp văn hóa, đi sâu vào lòng người, Hội tan rồi mà ai ai cũng lưu luyến và cùng mong chờ đến hội năm sau.
Với tinh thần “hướng về cơ sở”, nội dung và hình thức tổ chức ngày càng sáng tạo, gần gũi, thiết thực và phù hợp với văn hóa, tập quán của các dân tộc trong tỉnh. Ngày hội không phải tổ chức trong một ngày mà diễn ra nhiều ngày trong tháng 11 nên Ngày hội Đại đoàn kết đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngày hội không chỉ tôn vinh nét đẹp văn hóa, tính nhân văn, mà thông qua đây chính quyền cơ sở được củng cố; quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm hơn; tình làng nghĩa xóm được bồi đắp; đường lối, quan điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác Mặt trận được chuyển tải đến với từng khu dân cư, từng gia đình và mỗi người dân.
Ngày hội thực sự trở thành Ngày hội của ý Đảng lòng dân; Ngày hội của tinh thần yêu nước; Ngày hội của đoàn kết, của ý chí và sức mạnh Việt Nam. Ngày hội Đại đoàn kết là ngày hội biểu dương sức mạnh toàn dân tộc. Với tinh thần yêu nước nồng nàn và khối đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới giúp dân tộc ta vượt qua mọi trở ngại, đánh bại mọi kẻ thù, đưa nước ta tiến lên thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Ngọc Sơn