Những việc làm thiết thực
Từ thực tế cuộc sống, mỗi người có cách học tập và làm theo lời Bác khác nhau. Trong đó có nhiều việc làm thiết thực cùng hướng đến mục tiêu xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển, văn minh.
Giúp người dân bỏ hủ tục
Có nhiều cách để học và làm theo Bác, và ông A Im - Bí thư Chi bộ thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy chọn cách giúp người dân xóa bỏ suy nghĩ “thầy mo to hơn thầy thuốc”. Bởi chính hủ tục này đã gây nguy hại đến sức khỏe và khiến người dân luẩn quẩn trong vòng đói nghèo.
Cách đây nhiều năm về trước, bản thân ông A Im từng tin thầy mo hơn tin thầy thuốc. Đó là khi ông bị bệnh gan, thay vì đi đến các cơ sở y tế, ông tin và nghe lời thầy mo để chữa bệnh. “Hồi đó thầy mo bảo mình làm heo để cúng, mình cũng làm. Mà không riêng mình, nhiều người nghe thầy mo, giết cả trâu trắng, bò… để cúng cho hết bệnh” – ông kể lại.
Sau đợt ấy, tự bản thân suy nghĩ, theo thầy mo, tiền bạc tốn kém, mất nhiều thời gian mà bệnh tình không thuyên giảm. Cùng lúc đó, nghe thời sự, đọc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông nhận ra “đau phải uống thuốc”. Và bản thân ông quyết tâm thay đổi. Khi đau ốm, ông đều đến cơ sở y tế để khám.
Thay đổi từ bản thân và ông dần dần thay đổi nếp nghĩ cho các thành viên trong gia đình. Bất kể ai đau ốm hay sinh đẻ, ông đều khuyên đi đến các cơ sở y tế. Vợ, các con nghe theo, bệnh tật mau khỏi. Thấy vậy, ông lấy chính câu chuyện của bản thân, của gia đình rồi cùng với già làng A Nghi đi tuyên truyền cho bà con trong xóm, trong thôn, trong xã.
Một vài người nghe ông nói, gật đầu, làm theo, nhưng cũng có không ít người, hủ tục bám sâu trong suy nghĩ, cứ mãi tin theo thầy mo, dẫn đến những kết cục buồn. Họ càng như vậy, ông càng cố gắng vận động và tuyên truyền.
|
“Mình chỉ những trường hợp trong làng tin thầy mo vừa tốn kém, vừa không bớt bệnh để người dân thấy. Nhiều người không muốn nghe, vẫn cứ tổ chức cúng bái, mình bảo sẽ báo với chính quyền địa phương. Dần dần, cùng với sự tuyên truyền của các cấp chính quyền, người dân cũng nghe theo” – ông Im nhớ lại.
Lấy bản thân nêu gương, ông A Im cùng với đội ngũ cán bộ thôn, xã Rờ Kơi từng bước giúp người dân vùng biên nhận ra và xóa bỏ hủ tục lạc hậu gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế. Bây giờ, với bà con, “đói ăn rau, đau uống thuốc rồi”. Bà con không còn tự sinh đẻ tại nhà, không còn nghe lời thầy mo, cúng bái nữa đâu- ông A Im mừng rỡ nói.
Tuyên truyền cụ thể, thiết thực
Nếu ông A Im giúp người dân xóa bỏ hủ tục thì ông A Them - Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kon Tu Peng, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô lại tích cực tuyên truyền, vận động bà con không dùng nước suối mà sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.
Từ trước đến nay, người dân thôn Kon Tu Peng, xã Pô Kô vẫn có thói quen dùng nước giọt, nước sông, suối. Nguồn nước không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Thấy được vấn đề trên, ông A Them mạnh dạn đề xuất, đưa nội dung vận động nhân dân đào giếng để có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh vào sinh hoạt chuyên đề của chi bộ. Đồng thời, trong các cuộc họp, ông mạnh dạn đưa ra các ý kiến, đề xuất.
Sau khi cùng thống nhất các phương hướng, giải pháp thực hiện, bản thân ông cùng các đảng viên trong chi bộ đến từng nhà dân, vừa trò chuyện vui vẻ, vừa chia sẻ để người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng nước sông, suối. “Ban đầu nhiều người cũng e ngại vì chi phí đào giếng cao. Tuy nhiên, qua vận động, hiểu được lợi ích lâu dài nên 60 hộ trong thôn đã tự đào giếng nước. Đảng ủy xã và các tổ chức từ thiện hỗ trợ giúp thôn có thêm 3 giếng khoan và 1 công trình nước sinh hoạt tập trung. Qua đó, phần nào giúp người dân khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô” – ông A Them cho hay.
Công trình nước sinh hoạt tập trung về thôn đã mang lại niềm vui cho mọi người. Tuy nhiên, để công trình hoạt động hiệu quả, ông A Them đăng ký làm thành viên trong Tổ quản lý, vận hành công trình. Không chỉ cùng các thành viên khác triển khai nghiêm túc quy chế quản lý, vận hành công trình, ông còn thường xuyên có mặt tại công trình, tuyên truyền để người dân nêu cao ý thức bảo quản, không tự ý đào, cắt ống nước. Ông giám sát, tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước cũng như trả tiền sử dụng nước theo đúng quy định.
Học theo Bác “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực”, ông A Them tiếp tục cùng với các đảng viên trong chi bộ tập trung truyên truyền, vận động, động viên, hướng dẫn nhân dân thường xuyên chỉnh trang vườn nhà, tường rào, trồng cây xanh trong thôn.
Nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, tình hình tại địa phương nên người dân rất đồng tâm thực hiện. Nhờ đó, hiện nay trong thôn đã có 100% hộ dân đào hố rác, 100% số hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, các đoạn đường nội thôn đều được trồng cây xanh và 100 % các đoạn đường nội thôn đều có điện đường thắp sáng vào ban đêm.
“Điện sáng, đường thông thoáng, việc đi lại sản xuất, sinh hoạt của người dân rất thuận tiện. Hiện nay, thôn Kon Tu Peng đã đạt 4 tiêu chí trong xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 9 chỉ tiêu nhỏ. Bản thân tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để giúp thôn ngày càng phát triển” – ông A Them chia sẻ.
Bình An