KỶ NIỆM 69 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA ĐẢNG (16/10/1948 -16/10/2017)
Vai trò của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong tham mưu thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh Kon Tum trong sạch, vững mạnh. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đóng vai trò quan trọng, trong quá trình tham mưu cấp ủy chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Xác định tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, ngay sau Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XV, Chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa; đồng thời cụ thể hóa Chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm; đặc biệt là tập trung kiểm tra, giám sát những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy trình kiểm tra, giám sát chuyên đề của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các ban chỉ đạo nhằm đưa công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm đúng quy trình và một số văn bản, quy định nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng như: chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng liên quan lĩnh vực công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; chỉ đạo tăng cường lãnh đạo công tác quản lý, sử dụng phương tiện, tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật thông tin về đảng viên, cấp ủy viên bị khởi tố, bắt, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử; chỉ đạo đẩy mạnh việc khắc phục các khuyết điểm, yếu kém qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
|
Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ động rà soát nội dung, chương trình; phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, lựa chọn đối tượng, địa bàn, xác định mốc thời gian phù hợp nội dung kiểm tra, giám sát, tránh sự chồng chéo, trùng lặp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán nhà nước. Quá trình thực hiện luôn chú trọng những địa bàn phức tạp, nhạy cảm, có những vụ việc bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm.
Nhờ làm tốt công tác tham mưu và sự tích cực, chủ động trong phối hợp với các cơ quan, đơn vị, thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Số cuộc kiểm tra, giám sát của cấp uỷ các cấp và các tổ chức đảng ngày càng nhiều hơn. Nội dung kiểm tra ngày càng sâu sát, quyết liệt. Chỉ tính riêng trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, cấp ủy các cấp và các tổ chức đảng đã kiểm tra tổng số 665 tổ chức đảng và 478 đảng viên; giám sát 346 tổ chức đảng và 231 đảng viên; thi hành kỷ luật đối với 04 tổ chức đảng và 297 đảng viên.
Ngoài việc chủ trì, tham mưu thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tập trung giúp cấp ủy chủ động, nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các đơn thư tố cáo, khiếu nại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính trên địa bàn tỉnh theo Kết luận 1663-KL/TU, ngày 24/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tăng cường thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên bằng nhiều kênh thông tin, theo hướng mở rộng nhiều lĩnh vực; chủ động nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm; giám sát cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; chỉ đạo giải quyết, làm rõ, xem xét điều tra, xử lý các vụ việc nổi cộm, phức tạp, các phản ánh, kiến nghị, tố cáo được dư luận quan tâm; kịp thời xem xét xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý khi để xảy ra khuyết điểm, sai phạm.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cương quyết, kịp thời và xử lý nghiêm minh, công khai đối với các vụ việc phức tạp, nhạy cảm xảy ra trên địa bàn tỉnh như: công tác đền bù giải phóng mặt bằng; công tác điều tra xét xử; việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, công tác quản lý bảo vệ rừng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây mất đoàn kết nội bộ, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
Khi phát hiện thông tin vụ việc, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kịp thời tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm; đồng thời trực tiếp kiểm tra và tham mưu thành lập Đoàn tiến hành kiểm tra vụ việc để xác định nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm để xử lý và đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh, đúng quy trình, quy định.
Điển hình là vụ phá rừng phòng hộ Kon Rẫy, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách 1 tổ chức đảng và 13 đảng viên (cảnh cáo 1, khiển trách 12); về chính quyền đã xử lý kỷ luật 16 cán bộ, công chức liên quan (cảnh cáo 7, khiển trách 9), chuyển công tác khác đối với đồng chí Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy.
Vụ trộm gỗ và chống người thi hành công vụ tại rừng đặc dụng Đăk Uy (huyện Đăk Hà) xử lý kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với 1 tổ chức đảng và 2 đảng viên; khiển trách: 3 đảng viên; quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng để khởi tố bị can đối với đồng chí đảng viên, nhân viên Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy.
Vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đăk Glei xử lý kỷ luật về Đảng với hình thức cách chức 01 đồng chí; cảnh cáo 2 đồng chí ; khiển trách 01 đồng chí.
Vụ vi phạm đối với cán bộ, công chức Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử lý kỷ luật về Đảng: khai trừ 1 đồng chí; cảnh cáo: 1 đồng chí; khiển trách: 1 đồng chí.
Sau khi có kết luận kiểm tra từng vụ việc, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhanh chóng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm định hướng dư luận xã hội về các vụ việc được giải quyết mà dư luận quan tâm.
Công tác tham mưu cấp ủy giải quyết đơn thư khiếu kiện, tố cáo được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy triển khai kịp thời. Một số vụ việc khiếu kiện, tố cáo mang tính dai dẳng kéo dài, phức tạp, nhất là việc liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân đã được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giải quyết đúng quy trình, quy định, góp phần làm giảm bớt những điểm nóng khiếu kiện, tố cáo xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những hạn chế, khó khăn, song có thể nói, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum đã làm tốt vai trò tham mưu cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trên địa bàn tỉnh. Từ việc kịp thời tham mưu ban hành quy chế hoạt động, các chương trình, văn bản chỉ đạo, đến việc tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng quy trình, quy định. Qua đó, đã kịp thời răn đe, chấn chỉnh, giáo dục các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng.
Võ Ngọc Trung
UVBTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy