Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức
Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ trí thức.
Ngày 4/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” nêu rõ quan điểm của Đảng ta về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Nhìn lại những năm qua, có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt, trọng thị và đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ trí thức. Vì vậy, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách về phát triển đội ngũ trí thức được ban hành, phát huy hiệu quả, góp phần thu hút, bố trí, sử dụng trí thức.
Đặc biệt, tháng 8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết khẳng định, trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ở tỉnh ta, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức cũng luôn được quan tâm, chú trọng.
|
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể hóa Nghị quyết 27/NQ-TW (khóa X), như Chương trình hành động số 58-CTr/TU ngày 8/10/2008 thực hiện Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy; Quyết định 33/2010/QĐ-UBND ngày 23/5/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếng DTTS và các kĩ năng mềm cho cán bộ, công chức, viên chức được tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức trên địa bàn.
Mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh học đại học, sau đại học và chính sách thu hút cán bộ, sinh viên tốt nghiệp về công tác tại tỉnh (chính sách này được bãi bỏ tháng 5/2016).
Đồng thời, tỉnh đã ban hành một số chính sách đãi ngộ cho trí thức trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; triển khai tốt công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; thành lập Câu lạc bộ trí thức của tỉnh; tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất.
Với sự quan tâm đặc biệt ấy, đội ngũ trí thức Kon Tum ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, phát huy sở trường, tài năng, đóng góp sức lực, trí tuệ vào việc phát triển của tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển bền vững.
Về số lượng, theo số liệu thống kê, đội ngũ trí thức của tỉnh (trình độ đại học trở lên) có gần 10.000 người. Về chất lượng, đội ngũ trí thức dần thể hiện được thế mạnh của mình là đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đội ngũ trí thức phát huy vai trò trên các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, sáng tác văn học nghệ thuật, báo chí, sản xuất, kinh doanh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, đã năng động, sáng tạo, làm tốt công tác thông tin, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, tư vấn phản biện và giám định xã hội, góp phần tích cực vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Tất nhiên, do nhiều nguyên nhân, bên cạnh những kết quả tích cực nói trên thì đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu về số lượng, chưa phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực.
Việc thu hút đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia giỏi về công tác tại tỉnh còn ít. Đời sống của một bộ phận trí thức còn khó khăn. Việc tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ còn hạn chế; tính khả thi của các đề tài khoa học chưa cao, khó áp dụng vào thực tiễn. Trình độ ngoại ngữ của đội ngũ trí thức trong tỉnh nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu tự nghiên cứu, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế.
Vì vậy, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII không chỉ tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ trí thức mà còn tạo nền tảng, động lực để đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum nói riêng, cả nước nói chung, tiếp tục phát triển và cống hiến.
“Đường đi” đã có, vấn đề còn lại là cần đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách cần quán triệt quan điểm xây dựng đội ngũ trí thức phát triển cả về số lượng và chất lượng; là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế.
Có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; đội ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và giá trị đóng góp của họ cho sự phát triển của tỉnh.
Chăm lo bồi dưỡng, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức; tiếp tục tạo điều kiện để cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ của đội ngũ trí thức; khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Quyết tâm bố trí, sử dụng tri thức sau đào tạo.
Sông Côn