Tuổi trẻ Kon Tum góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
Từ ngày 20/10 - 10/11, các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh đã tổ chức 94 hội nghị, diễn đàn, sinh hoạt chi đoàn... góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thu hút hơn 8.000 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia, nhận được trên 300 ý kiến góp ý.
Anh Xiêng Thanh Phúc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Ngay khi dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng công bố lấy ý kiến nhân dân, từ ngày 20/10 - 10/11, các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh đã tổ chức 94 hội nghị, diễn đàn, sinh hoạt chi đoàn... góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thu hút hơn 8.000 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia, nhận được trên 300 ý kiến góp ý”.
Đa số các ý kiến góp ý của đoàn viên, thanh niên đều cho rằng dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị kỹ, chủ đề Đại hội và nội dung trong các phần phản ánh toàn diện, thống nhất, có sự kế thừa, phát triển các văn kiện trong quá trình đổi mới.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần đánh giá cụ thể về vai trò của Đảng đối với thanh niên; đặc biệt là các vấn đề việc làm, thu nhập, học tập, lập nghiệp... của thanh niên; đánh giá cụ thể kết quả triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền trẻ em, giúp thanh thiếu niên, nhi đồng được bảo vệ và phát triển toàn diện; các chính sách hỗ trợ đoàn viên, thanh niên dễ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, để có vốn khởi nghiệp, lập nghiệp phù hợp với đặc thù từng vùng, từng khu vực, từng đối tượng thanh niên.
|
Đồng thời, có một số ý kiến đóng góp những nội dung khác, cụ thể như sau:
Anh A Xun - Bí thư Chi đoàn thôn Mnhuô Mriang, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị: tại “mục 2. Các đột phá chiến lược” ở trang 62, đề nghị bổ sung từ “năng lượng” và “thanh tra” trong đột phá thứ nhất, thành: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, năng lượng; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực”
Anh A Nga - đoàn viên Chi đoàn thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030: Tại “mục 7. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai” ở trang 29, đề nghị bổ sung thêm nội dung: “Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường”.
Tại “mục 5. Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới” ở trang 58 “Vùng Tây Nguyên”, đề nghị bổ sung cụm từ “bảo vệ, phát triển bền vững”; câu hoàn chỉnh: “Vùng Tây Nguyên: Nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Chú trọng khôi phục, bảo vệ, phát triển bền vững và phát triển kinh tế rừng.
Chị Y Diêm - đoàn viên Chi đoàn khối mặt trận đoàn thể huyện Tu Mơ Rông tham gia ý kiến đề nghị: Đối với dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng tại “mục 2 Tầm nhìn và định hướng phát triển”, “mục 3 Mục tiêu phát triển” tại mục tiêu phát triển tổng quát: đề nghị điều chỉnh “... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc,...” thành “... xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc,...”; câu đầy đủ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tất Thành