Tự đánh giá để phòng, chống tham nhũng tốt hơn
Việc tự đánh giá, chấm điểm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) hằng năm là điều kiện để các cấp, các ngành nhìn nhận đúng thực tế, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, từ đó PCTN tốt hơn.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN đã và đang được các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ, có hiệu quả.
Trong đó, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả, như tăng cường cải cách hành chính gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Hay xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác; công khai kê khai tài sản, thu nhập.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tập trung vào những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, bí mật dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời giải quyết, xử lý dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN để giải quyết theo quy định.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trọng tâm là khắc phục hồ sơ trễ hạn, cập nhật đầy đủ tiến độ, kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đảm bảo tỷ lệ hồ sơ TTHC được đồng bộ, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc phân cấp, ủy quyền, triển khai số hóa hồ sơ giải quyết TTHC đảm bảo tỷ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ; tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn tỉnh.
Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và người dân trong PCTN ngày càng được phát huy tốt hơn.
|
|
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện đánh giá công tác PCTN được tiến hành nghiêm túc, đúng tiến độ, bảo đảm chính xác, khách quan, khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; đúng mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, phương pháp theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Quá trình tự đánh giá có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc tổng hợp, đánh giá có hiệu quả.
Hồ sơ, tài liệu đánh giá đảm bảo yêu cầu, nội dung, phạm vi và được tập hợp đầy đủ, sắp xếp theo thứ tự các tiêu chí của Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN do Thanh tra Chính phủ ban hành.
Theo kết quả đánh giá công tác PCTN năm 2022, tỉnh ta đạt 56,35/100 điểm. Trong đó, tiêu chí đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN đạt 18,57/20 điểm; tiêu chí đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đạt 19,39/30 điểm.
Kết quả tự đánh giá cho thấy sự quyết liệt của chính quyền tỉnh trong chỉ đạo, lãnh đạo, không làm qua loa, làm cho xong.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, UBND tỉnh cho rằng, việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế, nếu như không muốn nói là hầu như việc phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra trong nội bộ là không có.
Việc triển khai thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn vướng mắc, lúng túng, như: Xác minh tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích; PCTN trong khu vực ngoài nhà nước do các cơ quan Trung ương chưa ban hành hoặc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Có thể khẳng định, việc tự đánh giá, đo lường về thực trạng tham nhũng là đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh PCTN. Qua đó góp phần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và biện pháp phù hợp để định hướng, điều chỉnh công tác PCTN thời gian tiếp theo sát, đúng và hiệu quả hơn.
Cuối tháng 3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 933/KH-UBND về đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh sẽ thành lập Tổ công tác đánh giá công tác PCTN năm 2023 của tỉnh để giúp UBND tỉnh triển khai, thực hiện nhiệm vụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 của tỉnh theo đúng Kế hoạch số 198/KH-TTCP ngày 6/2/2024 và “Bộ Chỉ số đánh giá và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2023” của Thanh tra Chính phủ.
Để thực hiện tốt việc tự đánh giá công tác PCTN năm 2023, Thanh tra tỉnh cần tăng cường hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thu thập thông tin, tài liệu, tự đánh giá công tác PCTN của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo Bộ chỉ số đánh giá và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2023 của Thanh tra Chính phủ.
Về phần mình, các cơ quan, đơn vị phải đánh giá đảm bảo khách quan, khoa học, tiết kiệm, hiệu quả các ưu điểm, hạn chế về công tác PCTN; đề ra giải pháp cụ thể nhằm khắc phục hạn chế.
Đánh giá chi tiết, cụ thể kết quả chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; kết quả thực hiện quy tắc ứng xử; kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra vụ việc liên quan đến tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Có cơ chế để các tổ chức xã hội, người dân, doanh nghiệp giám sát và đưa ra những góp ý nhằm phát huy tối đa vai trò phản biện của xã hội trong PCTN. Cơ quan chuyên môn cần tham khảo kết quả điều tra xã hội học, đánh giá chính thức và có tính khách quan và khuyến cáo của các tổ chức đối với PCTN.
Sông Côn