Tìm hiểu văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Lấy dân làm gốc”
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, đổi mới dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt của Đảng trong toàn bộ thời kỳ đổi mới.
Văn kiện Đại hội VI đã khái quát bài học đầu tiên “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Tổng kết 25 năm đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định “…sự nghiệp cách mạng là của nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”.
Đánh giá tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII, Văn kiện khẳng định đã “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”, “…trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”, “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”. Cụ thể hóa 12 định hướng chiến lược thành các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải: “củng cố, tăng cường lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
|
Như vậy, so với văn kiện các kỳ đại hội trước, bên cạnh phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì Đại hội lần này đã bổ sung thêm nội dung “Dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong 5 bài học kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới, Văn kiện lần này bổ sung một nội dung mới vào bài học thứ hai là: Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, “củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, đổi mới dựa vào Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân là một trong số tư tưởng chủ đạo trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII.
Thực tế cho thấy, ở bất kỳ đâu, ở thời điểm nào nếu phát huy được sức mạnh của quần chúng, tổ chức lãnh đạo được quần chúng nhân dân thì việc gì dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng giành thắng lợi. Người dân chỉ thực sự hăng hái tham gia vào công việc chung khi họ có niềm tin vào cấp ủy, chính quyền, khi họ biết rằng những việc ấy mang lại lợi ích cho chính bản thân và cộng đồng của họ.
Niềm tin là sợi dây liên hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân. Muốn có niềm tin trong Nhân dân, thì Đảng phải “Lấy dân làm gốc”, “lấy Nhân dân làm trung tâm”, đổi mới dựa vào Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân, “lấy ấm no, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” như Đại hội XIII đã xác định. Nhân dân làm trung tâm có nghĩa là mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; coi Nhân dân là nguồn lực, động lực của đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo của Nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trong đó Bộ Chính trị chỉ đạo các cấp ủy phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên; xác định việc học tập và làm theo Bác để Đảng ta và mỗi đảng viên xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sự tin cậy của Nhân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa Đảng với dân, thực hiện có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", "trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân", "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân"; đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, với phương châm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Lê Quang Thới