Thời cơ và động lực từ Nghị quyết 23-NQ/TW
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ chiến lược mới.
Vùng Tây Nguyên, với 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước.
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng ấy, từ ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010; Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW thời kỳ 2011 - 2020.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị (khóa IX, XI), các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên.
Nhờ vậy, đến nay vùng Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287.000 tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002.
GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002.
|
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tích cực; từng bước phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm của cả nước, với nhiều sản phẩm chủ lực, như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả.
Tuy nhiên, trên bình diện chung mà xét thì quá trình thực hiện các chính sách (KT-XH, QP-AN, văn hóa, môi trường, dân tộc, tôn giáo...) của Đảng, Nhà nước ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm, tồn tại cần khắc phục.
Nhất là quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng kinh tế-xã hội; chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng.
Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phá cho phát triển.
Là một trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, với vị trí chiến lược của mình, trong những năm gần đây, Kon Tum đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của vùng.
Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 24.003 tỷ đồng, tăng 21 lần so với năm 2002; bình quân giai đoạn tăng trưởng 10,18%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ.
Sức hút đầu tư được cải thiện qua từng năm, đạt được nhiều kết quả khả quan, với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Mạng lưới giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện. Giáo dục, y tế có nhiều thành tựu mới. Quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, dân tộc được quan tâm thực hiện tốt.
Đời sống nhân dân các dân tộc được nâng cao. Nếu như năm 2002, tỷ lệ hộ đói nghèo là 25% thì đến năm 2005 không còn hộ đói; đến hết năm 2021 chỉ còn 6,33% hộ nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, có thể nhận thấy, cơ cấu kinh tế ở Kon Tum còn nhiều bất cập, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa bền vững, bộc lộ nhiều hạn chế.
Trong đó có hàng loạt vấn đề đặt ra đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội như: Trình độ dân trí thấp; kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp còn lạc hậu; tình trạng độc canh và quảng canh vẫn phổ biến, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu; chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Được ban hành ngày 6/10/2022, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đem lại thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ chiến lược mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần nhanh chóng có những chủ trương, chính sách, giải pháp để tận dụng tối đa thời cơ và động lực từ Nghị quyết 23-NQ/TW. Từ đó phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế; tạo được bước đột phá, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc.
Theo đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.
Chú trọng khôi phục, phát triển rừng gắn với giữ vững, bảo vệ rừng, ổn định, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Ổn định dân cư và tạo việc làm tại chỗ cho người dân gắn bó với quê hương.
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm; phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch chuyên đề gắn với bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ.
Và đặc biệt, luôn kiên định lấy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội làm nền tảng cho việc giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội.
Sông Côn