Sa Thầy: Đẩy mạnh đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII thành công tốt đẹp, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy tập trung ban hành các chỉ thị, kế hoạch về nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đồng chí Y Liểng – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sa Thầy cho biết, đến tháng 2/2021, Văn phòng Huyện ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức được 2 lớp quán triệt dành cho cán bộ chủ chốt cấp huyện; Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 4 lớp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và phân công báo cáo viên Huyện ủy phối hợp với đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức 22 hội nghị quán triệt, học nghị quyết.
Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII ban hành Chương trình hành động nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của huyện để tổ chức thực hiện; phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện với lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm – Bí thư Huyện ủy, trong Chương trình hành động, huyện đang tập trung chỉ đạo khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực; đột phá về phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng huyện trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Để thực hiện có hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện giao UBND huyện tham mưu tổng kết Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 06/9/2016 của Huyện ủy, khóa XVI “về phát triển nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2016-2020”, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Trên cơ sở đó, UBND huyện tham mưu Huyện ủy ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo thuận lợi khai thác tối đa các lợi thế của huyện, nhất là tiềm năng về đất đai để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường... vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác và các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các nhà máy chế biến nông sản phát triển, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.
Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển chiều sâu, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Rà soát, đánh giá quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện tốt chủ trương dồn đổi, tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn có quỹ đất lớn như Mô Rai, Ya Tăng, Rờ Kơi, Ya Ly, Ya Xiêr… để phát triển chăn nuôi bò sữa, cây ăn quả.
Việc phát triển chăn nuôi bò sữa theo hình thức liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn toàn huyện; phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 10.000 con bò. Xác lập ít nhất 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chăn nuôi bò sữa tại xã Mô Rai); công nhận ít nhất 1 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo mọi điều kiện để người đồng bào DTTS sản xuất các sản phẩm có giá trị, năng suất và tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngay trong năm 2021, huyện hỗ trợ cho người dân triển khai một số mô hình nuôi bò sữa. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho dân nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ya Ly.
Trong nhiệm kỳ, phát triển trên 1.000 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (sầu riêng, mít, bơ…), cây cà phê theo tiêu chuẩn sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, kết hợp trồng xen cây dược liệu, các dự án trồng hoa phong lan ở những vùng có điều kiện như Ya Ly, Hơ Moong, Ya Tăng, Rờ Kơi, Mô Rai…; hình thành các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất. Trong việc thực hiện phát triển cây ăn quả, đến nay, huyện hỗ trợ và tạo điều kiện cho Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Ya Ly sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP và đang xây dựng sản phẩm theo OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Về lâm nghiệp, huyện tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, trồng được trên 3.000 ha rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 63,33%.
Huyện tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị hiện có, phấn đấu đến cuối năm 2025, thị trấn Sa Thầy cơ bản đạt đô thị loại IV; từng bước đầu tư, xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác cụm công nghiệp.
Về du lịch, huyện đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư phát triển ngành du lịch. Trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, những tuyến giao thông quan trọng để khai thác hết tiềm năng du lịch (điểm Sạc Ly, Delta) và phát triển liên kết các tour du lịch của tỉnh. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng, phát triển các sản phẩm mang bản sắc của địa phương, nhất là các điểm du lịch sinh thái đặc sắc của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Việc phát triển du lịch ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tập trung vào Dự án du lịch sinh thái với việc xây dựng trên các tuyến, điểm: Khu cứu hộ, bảo tồn sinh vật kết hợp với làng du lịch cộng đồng Bar Rgốc, xã Sa Sơn; du lịch cảnh quan tại khu vực thung lũng Ya Book (xã Rờ Kơi), thác 7 tầng (xã Mô Rai)...
Đồng thời với việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình này, huyện tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; giảm nghèo bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Với những nỗ lực cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đang từng bước đẩy mạnh đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Văn Nhiên