Kon Plông: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đi vào cuộc sống
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Kon Plông đã đưa các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện lần thứ XVIII vào cuộc sống. Nhờ đó, tăng trưởng GRDP của huyện duy trì ở mức cao, bình quân đạt 23,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản đạt 20,9%, công nghiệp-xây dựng đạt 56,6%, thương mại - dịch vụ đạt 22,5%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,8 triệu đồng năm 2015 lên 33,5 triệu đồng năm 2020, đạt 95,7% và thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đến năm 2020 dự kiến 227,7 tỷ đồng, đạt 103,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Xây dựng tổ chức đảng là then chốt
Trước thềm Đại hội đại biểu huyện Kon Plông lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra, ông A Điêm - Bí thư Đảng ủy xã Pờ Ê, huyện Kon Plông cho biết muốn đời sống tinh thần và vật chất của người dân được nâng cao thì các cấp ủy đảng phải đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng và phát huy vai trò đảng viên đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ xã luôn gắn công tác xây dựng tổ chức đảng với phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt đẩy mạnh việc thực hiện công tác phụ trách hộ, nhóm hộ đối với từng đảng viên để qua đó góp phần xóa nghèo bền vững cho nhân dân các dân tộc trong xã.
“Đến nay, toàn Đảng bộ xã đã có 13 chi bộ trực thuộc; trong đó 2 chi bộ đạt tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 11 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ xã có 145 đảng viên; trong đó có 15 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 10,3%, 97 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 62,98%, không có đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng cấp ủy viên, từng đảng viên mà trong nhiệm kỳ qua Đảng bộ và nhân dân xã Pờ Ê đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới”-ông A Điêm cho biết thêm.
Ông Bùi Đoàn Khương – Phó Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nên chất lượng hoạt động và sức chiến đấu của tổ chức đảng từng bước được nâng lên. Trong đó, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được chú trọng; công tác nghiên cứu, học tập và cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị, quy định của các cấp ủy đảng được kịp thời, đổi mới, bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng.
|
Cũng trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Kon Plông đã kết nạp được 411 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện lên 2.140 đảng viên. Huyện đã cử 31 đồng chí đi đào tạo về chuyên môn, trong đó 17 đồng chí học đại học, 13 đồng chí học thạc sĩ và 1 đồng chí học tiến sĩ, ngoài ra có 35 đồng chí tự đăng ký đi đào tạo chuyên môn trình độ đại học. Toàn huyện có 26/76 thôn có bí thư chi bộ đồng thời là thôn trưởng, 68/76 thôn trưởng là đảng viên, 45/76 thôn phó là đảng viên và bố trí 34 đồng chí công an chính quy về công tác tại 9/9 xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được Huyện ủy Kon Plông đẩy mạnh với nhiều phong trào, mô hình mới thiết thực, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân không ngừng được phát huy. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể từng bước được đổi mới, nhất là cách thức tuyên truyền, vận động nhân dân. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền tiếp tục đạt hiệu quả tích cực. Công tác phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, giữa MTTQ với chính quyền trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở ngày càng chặt chẽ, đồng bộ hơn. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
“Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên nên các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh, trong đó chủ yếu là phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo để từng bước xây dựng nông thôn mới. Theo đó, việc tái cơ cấu kinh tế gắn với các lĩnh vực đột phá bước đầu đã có những kết quả nhất định, các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ để đáp ứng với sự phát triển của huyện”- ông Bùi Đoàn Khương lý giải.
Phát triển kinh tế-xã hội là quan trọng
Để đạt được thành quả đó, ông Đặng Thanh Nam- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện cho biết trong nhiệm kỳ qua, nông nghiệp có bước phát triển đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Huyện đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí hậu. Cụ thể, huyện đã duy trì diện tích các loại cây trồng như: lúa, bắp, đồng thời chuyển đổi một số diện tích cây trồng truyền thống, giá trị thấp sang trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được 7.801,2 ha cây hàng năm, đạt 87,7% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, 3.642 ha cây lúa, 1.810 ha cây bắp, 1.483 ha cây mì, 416 ha cây hàng năm khác, 300 ha rau hoa xứ lạnh, 150,2 ha các loại cây dược liệu. Qua đó, huyện đã tạo liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Song song với phát triển các loại cây trồng, ngành chăn nuôi của huyện cũng tiếp tục phát triển. Đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt quy mô 41.702 con (trong đó, 9.595 con trâu, 6.581 con bò, 17.365 con lợn, 8.161 con dê). Hiện Dự án nuôi dê sữa của Công ty Cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen với quy mô 7.500 con đang phát triển tốt.
|
Cũng trong nhiệm kỳ, huyện đã huy động được 762 tỷ đồng từ các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng; trong đó 718,8 tỷ đồng ngân sách nhà nước, 20,5 tỷ đồng huy động xã hội hóa và 22,7 tỷ đồng do nhân dân góp. Nhờ đó, đến nay. 100% số xã có đường ô tô đi được 2 mùa; trên 95% đường liên thôn, nội thôn, đường đi khu sản xuất được cứng hóa; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được sử dụng công trình nước sạch sinh hoạt; 100% trường lớp học được kiên cố hóa. Các công trình thủy điện trên địa bàn như: Đăk Lô, Đăk Pône, Đăk Đring, Đăk Re, Thượng Kon Tum và Đăk Lô 1, 2, 3, 4 đã tạo điều kiện cho huyện thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 khoảng 227,7 tỷ đồng, đạt 103% so với Nghị quyết đề ra, tăng 3,5 lần so đầu nhiệm kỳ.
Huyện đã huy động được 426,9 tỷ đồng từ các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, 113 tỷ đồng hỗ trợ duy tu bảo dưỡng và phát triển sản xuất, nên đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống của người dân. Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn huyện sẽ có 2 xã: Pờ Ê, Măng Cành đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại mỗi xã sẽ đạt thêm từ 2-3 tiêu chí nông thôn mới trở lên.
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện đã chú trọng đến chất lượng giáo dục-đào tạo. Đến nay, trên địa bàn huyện có 30 đơn vị trường trực thuộc do huyện quản lý, 1 Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông và 1 Trường phân hiệu phổ thông dân tộc nội trú xã Đăk Tăng, với 6.949 học sinh. Huyện đã có 7 trường đạt chuẩn Quốc gia; 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì và nâng cao kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở.
Công tác y tế, dân số-kế hoạch hóa gia đình đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương của huyện chú trọng triển khai thông qua các dự án bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, toàn huyện đã có 27.850 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,5 %/năm, tỷ lệ trẻ em bị duy dinh dưỡng giảm dần còn khoảng 24,3%. Có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 100% số trạm y tế xã có bác sỹ hoạt động thường xuyên và 100% số thôn có nhân viên y tế thôn hoạt động có hiệu quả.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt. Trong đó, tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho hộ nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Trong nhiệm kỳ qua, vốn hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vào khoảng 75 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 10 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội 60 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 5 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn lại 14,41 %, bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 6,4%.
Bà Y Lang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kon Plông khẳng định trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, kinh tế có bước phát triển toàn diện, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, khai thác tốt các tiềm năng lợi thế của huyện để phát triển. Việc huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, nên xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Huyện đã có nhiều biện pháp kêu gọi, thu hút đầu tư mạnh mẽ, nên nhiều dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai trên địa bàn. Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển. Giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa-xã hội... phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Công tác xóa đói, giảm nghèo được triển khai có chất lượng hơn, nên đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo kịp thời. Quốc phòng-an ninh luôn được củng cố và giữ vững. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí thực hiện quyết liệt...
Đặc biệt, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, đoàn kết nội bộ được giữ vững, khối đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện... Đó chính là nhờ Đảng bộ huyện rất coi trọng việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 vào cuộc sống, nên người dân hiểu và quyết tâm biến chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cũng như các chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ huyện thành hành động cách mạng để xây dựng quê hương Kon Plông ngày càng giàu đẹp.
Đặng Bá Lâm