Đưa Nghị quyết 20-NQ/TW vào cuộc sống
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, ngày 7/10/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã xây dựng Chương trình số 41-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW.
Mục tiêu chung mà Chương trình số 41-CTr/TU đề ra triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW là nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, nhất là hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nâng cao năng lực cho các tổ chức kinh tế tập thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng; xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hợp tác đa dạng, bền vững giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với các chủ thể kinh tế khác.
Để đạt được mục tiêu nói trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trước tiên là tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, phát triển kinh tế tập thể dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp.
|
Đồng thời, có giải pháp phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của kinh tế tập thể gồm: Các quan hệ về tài sản, đất đai, vốn góp, không để các hợp tác xã tồn tại hình thức và các hợp tác xã hoạt động không đúng bản chất để lành mạnh hóa khu vực kinh tế tập thể; rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả ngành, lĩnh vực, địa bàn; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương. Đẩy mạnh thu hút hộ, chủ trang trại tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả… Đồng thời có giải pháp mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 mô hình hợp tác xã kiểu mẫu để nhân rộng trên địa bàn. Đẩy mạnh kết nối, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.
Để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, chất lượng, bên cạnh tăng cường quản lý, Nhà nước cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Với những nhiệm vụ, giải pháp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2030 sẽ thành lập mới khoảng 300 tổ hợp tác, 150 hợp tác xã, 5 liên hiệp hợp tác xã và hoạt động ổn định, hiệu quả. Có trên 12% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là một chủ trương hết sức đúng đắn, sát với tình hình thực tế của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế tập thể của địa phương, thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia kinh tế tập thể để nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Dương Đức Nhuận