Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về công tác nhân sự của Đảng
Mỗi khi Đảng ta chuẩn bị đại hội, các thế lực thù địch, phản động lại ra sức chống phá, đưa ra những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, hạ uy tín của Đảng, đặc biệt là về công tác nhân sự.
Luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động thường đưa ra là công tác nhân sự của Đảng không có dân chủ hoặc chỉ là dân chủ hình thức, thực chất chỉ là sự áp đặt của một số người có chức có quyền.
Hoặc, Đảng ôm đồm, bao biện, can thiệp vào công tác cán bộ; công tác nhân sự thực chất là sự phân chia, tranh giành quyền lực giữa các “nhóm lợi ích”, và giữa nhóm lợi ích này với nhóm lợi ích kia.
Từ các luận điệu xuyên tạc đó, các thế lực thù địch, phản động muốn xuyên tạc, kích động, bóp méo sự thật, hướng lái dư luận hiểu sai chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác nhân sự, làm lung lay niềm tin của nhân dân vào công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thực tế cho thấy, để chuẩn bị cho lực lượng kế thừa, tiếp nối, Đảng, Nhà nước ta rất chú trọng đến công tác nhân sự thông qua việc quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ sâu sát với thực tiễn, rèn luyện năng lực, bản lĩnh ở nhiều vị trí công tác khác nhau.
|
Quá trình quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ luôn được thực hiện một cách công khai, minh bạch, theo quy trình cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, dù có thay đổi nhân sự ở cấp nào nhưng nguyên tắc hoạt động, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng luôn luôn nhất quán, đảm bảo tính kế thừa, không bị chi phối bởi bất cứ thế lực nào, không bị thay đổi như các thể chế khác.
Tại Điểm 2 và Điểm 3, Điều 41, Chương IX của Điều lệ Đảng quy định: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”, “Đảng giới thiệu cán bộ đủ tiêu chuẩn để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội”.
Trước mỗi kỳ đại hội của Đảng, Đảng ta, cụ thể là Bộ Chính trị, đều đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác nhân sự.
Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng (diễn ra ngày 13/3/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã nhấn mạnh: Công tác nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”; phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; phải rất tỉnh táo, tinh tường “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”; phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng.
Gần đây nhất, ngày 14/6/2024, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Chỉ thị nêu rõ: Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định. Bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tăng cường ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng, trọng yếu.
|
Cấp ủy khóa mới phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín; thật sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tầm nhìn, tư duy đổi mới, gắn bó mật thiết với nhân dân; có năng lực lãnh đạo, cầm quyền, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng.
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; làm thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó”; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhiệm kỳ tới.
Chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, đã kinh qua thực tiễn, có thành tích, kết quả, sản phẩm công tác và quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. Đánh giá cán bộ phải toàn diện, khách quan, thực chất, đúng quy định, đúng thẩm quyền; lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác và uy tín của cán bộ làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá.
Phải kế thừa, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác thẩm định nhân sự. Không sử dụng thông tin giả, thông tin không phải của cơ quan có thẩm quyền, thông tin không chính thức trên Internet, mạng xã hội, thông tin, dư luận xấu chưa được kiểm chứng liên quan đến nhân sự và công tác nhân sự.
Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ “sót” những người thật sự có đức, có tài; đồng thời, kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trước sự chống phá ngày càng ráo riết của các thế lực thù địch, nhất là việc suy diễn, xuyên tạc, bôi nhọ, hướng lái dư luận vào công tác nhân sự, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân cần chủ động nhận diện, tránh bị lôi kéo vào những thông tin mập mờ, nhiễu loạn. Đồng thời tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sông Côn