Đảng cho ta mùa xuân
Đi giữa lòng thành phố Kon Tum giữa một ngày nắng đẹp cuối năm Quý Mão, tôi bất chợt nghe từ nhà ai vang vọng khúc ca quen thuộc “Đảng đã cho ta một mùa Xuân đầy khát vọng, một mùa Xuân mới tràn ánh nắng khắp nơi nơi”. Bất giác, tôi chợt thấy xốn xang lòng khi biết mùa Xuân đã đến.
Mùa Xuân là mùa vạn vật, cây cối, muôn hoa đua nhau nảy nở, đâm chồi nảy lộc. Và trùng hợp thay, ngày thành lập Đảng Cộng sản quang vinh đúng vào dịp mùa Xuân (3/2/1930). Đây là một sự kiện trùng lặp ngẫu nhiên hay cũng có sự chủ ý với tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người sáng lập ra Đảng ta đã ấn định một mùa Xuân cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam mãi mãi vào Xuân với một tương lai xán lạn, phát triển như ngày hôm nay.
|
Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước Việt Nam bị ngoại bang xâm chiếm, dân tộc Việt Nam bị ách đô hộ của thực dân phong kiến áp bức, sống trong cảnh nô lệ lầm than, tăm tối. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đưa Việt Nam trở thành một nước độc lập, nhà nước của giai cấp công nông đầu tiên trong khu vực Đông Nam châu Á. Nhân dân Việt Nam từ cảnh đời nô lệ đã đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của dân tộc mình.
Nhìn lại chặng đường suốt 94 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã tài tình lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi hết bến bờ vinh quang này đến bến bờ vinh quang khác và đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của Đảng, kể từ khi “hạt giống đỏ” được ươm mầm tại Nhà lao Kon Tum, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng không ngừng lớn mạnh, đủ năng lực lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân, bảo vệ và dựng xây quê hương Kon Tum ngày càng phát triển bền vững và giàu đẹp.
Sau ngày quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất và giai đoạn còn trong cơ chế quan liêu bao cấp, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh có lúc gặp những khó khăn nhất định trong việc xác định mục tiêu và bước đi; trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới; trong việc bố trí cơ cấu kinh tế; trong quản lý kinh tế, trong phân phối lưu thông. Song khó khăn rồi cũng qua đi và cùng với sự đổi mới và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh kịp thời tháo gỡ, xác định hướng đi phù hợp, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, dưới ánh sáng Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ từ giai đoạn 2001-2020, kinh tế-xã hội của tỉnh đã thật sự khởi sắc, tạo tiền đề vững chãi trên chặng đường “dệt” nên mùa Xuân mới tỉnh nhà.
|
Giai đoạn 2001-2020, kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hằng năm đạt từ 9,7-14,9%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và thương mại dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.990 USD/người/năm vào năm 2020, gấp 17,8 lần năm 2001. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số khu, cụm công nghiệp và khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, thành phố Kon Tum được thành lập vào năm 2009 và ngày càng khang trang, hiện đại và là một đô thị trẻ, năng động.
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, với ý chí, quyết tâm cao đưa tỉnh phát triển bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã giữ vững nguyên tắc, tăng cường đoàn kết, thống nhất, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, vận dụng linh hoạt các thời cơ và thế mạnh, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng định hướng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 67.857 tỷ đồng, đạt 57,51% mục tiêu; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,8 triệu đồng vào cuối năm 2023, đạt 82,53% mục tiêu.
Toàn tỉnh đã thu hút được 53 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 16.226,9 tỷ đồng; hàng trăm doanh nghiệp và hợp tác xã được thành lập mới, báo hiệu một nền công nghiệp, sản xuất kinh doanh, kinh tế hàng hóa đang chuẩn bị có bước bứt phá phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, diện tích các cây trồng chủ lực tăng cao với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: tổng diện tích cà phê khoảng 29.018 ha; cao su khoảng 77.341 ha; mắc ca khoảng 3.363ha; cây ăn quả khoảng 10.695ha; sâm Ngọc Linh khoảng 2.284ha; cây dược liệu khác khoảng 7.606ha... cung cấp nguyên liệu để sản xuất và chế biến các sản phẩm có chất lượng cho thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới và phát triển, nhất là sau nhiều năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 78,33% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được tỉnh hết sức quan tâm, đến nay đã có 55,7% lao động qua đào tạo, đạt 92,83% mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ giảm nghèo bình quân giai đoạn 2021-2023 giảm 3-4%/năm, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết.
Điều đáng ghi nhận là trong năm 2022, chỉ số PAR INDEX của tỉnh Kon Tum được xếp đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021; chỉ số SIPAS đứng thứ 42/63, tăng 2 bậc so với năm 2021; chỉ số PCI đạt 64,89 điểm, đứng thứ 37/63, tăng 24 bậc so với năm 2021. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục, y tế tiếp tục được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của mọi người dân ngày càng no ấm và đang từng bước vươn lên làm giàu bằng chính sức mình.
Một mùa Xuân nữa lại đến gõ cửa muôn nhà, một mùa Xuân tươi đẹp mà Đảng đã đem lại cho dân tộc đang hiện diện. Mùa Xuân của đất nước sẽ mãi song hành bất diệt cùng với ánh sáng soi đường của Đảng mang lại ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà.
Dương Đức Nhuận