Đảng bộ huyện Kon Plông lãnh đạo phát triển du lịch
Trong những năm qua, huyện Kon Plông đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và văn hóa giàu bản sắc để phát triển du lịch. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Ngày 19/7/2022, Huyện ủy Kon Plông ban hành Chương trình số 52-CTr/HU về việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 của Tỉnh ủy về “phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm khai thác đa dạng, hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên của huyện.
Trọng tâm là phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các DTTS. Từ đó tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội, môi trường; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
|
Trước đó, Huyện ủy Kon Plông đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 4/2/2021 định hướng kêu gọi và xác định các dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch; khuyến khích thu hút các nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực đầu tư xây dựng các dự án du lịch trọng điểm, phù hợp tiềm năng, lợi thế và hài hòa với tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện theo Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen thành Vùng du lịch sinh thái Quốc gia và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030.
Cũng trên cơ sở Quyết định số 298/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Kiên quyết từ chối các dự án đầu tư có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái rừng tự nhiên trên địa bàn huyện.
Tập trung hỗ trợ, khuyến khích các làng đồng bào DTTS bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng; hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện để tạo ra sản phẩm phong phú, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch.
Tăng cường xã hội hóa và hợp tác công - tư theo đúng quy định của pháp luật, đầu tư hạ tầng viễn thông, dịch vụ tài chính, hệ thống điện, nước; hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trong và ngoài huyện. Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc tham gia các loại hình du lịch, nhất là phát triển các nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản ẩm thực và truyền tải các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đến du khách.
|
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch theo hướng xây dựng hệ thống du lịch thông minh, phát huy sức mạnh công nghệ thông tin, truyền thông và mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và sản phẩm du lịch bảo đảm chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng, lan tỏa sâu rộng hơn nữa hình ảnh du lịch của tỉnh với cả nước và quốc tế.
Chủ động phối hợp liên kết các ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh có tiềm năng du lịch. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour du lịch; trong đó chú trọng kết nối tour du lịch và thị trường khách du lịch theo hướng coi trọng khai thác khách du lịch nội địa, tùng bước đẩy mạnh khai thác thị trường khu vực ASEAN.
Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo, lãnh đạo phát triển du lịch của Huyện ủy cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, du lịch huyện Kon Plông đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay, toàn huyện có 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở nhiều loại hình khác nhau như resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ đang hoạt động với hơn 1.016 phòng, đảm bảo phục vụ cho khoảng 5.500 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày.
Hạ tầng kết nối các điểm du lịch từng bước đầu tư đồng bộ, ngoài các điểm du lịch thu hút du khách trong nhiều năm qua, có nhiều điểm du lịch mới được đưa vào hoạt động như: Làng văn hóa du lịch Kon Chênh, làng văn hóa du lịch Vi Rơ Ngheo, phố đi bộ Măng Đen, chợ phiên Măng Đen.
Số lượng khách du lịch đến Măng Đen tăng dần qua các năm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến ngày 15/11, có khoảng 932.000 lượt du khách đến Kon Plông, doanh thu đạt khoảng 180 tỷ đồng.
Những kết quả đạt được cho thấy du lịch Kon Plông đã và đang có bước phát triển đúng hướng.
Nguyễn Ban