Đảng bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, Đảng bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ngành lâm nghiệp tỉnh từng bước ổn định và phát triển bền vững.
Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và quán triệt sâu sắc, triển khai tích cực các chương trình, kế hoạch công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn như: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh uỷ khóa XVI "về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh", Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy “về đầu tư phát triển và chế biến Dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”…, Đảng ủy Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển lâm nghiệp.
|
Cụ thể, với sự nỗ lực của lực lượng Kiểm lâm cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp đã từng bước đưa ngành lâm nghiệp tỉnh phát triển bền vững, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp ngày càng cao cho tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh và góp phần làm thay đổi diện mạo cho các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Công tác phát triển rừng, trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng và thu hút đầu tư trồng rừng, diện tích rừng trồng ngày càng tăng, đầu tư trồng rừng theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Diện tích rừng trồng tăng dần qua từng năm nâng cao khả năng phòng hộ và cung cấp lâm sản cho xã hội.
Hiện toàn tỉnh đã trồng hơn 63.031 ha rừng tập trung, khoanh nuôi phục hồi rừng 12.896 ha, trồng 16,8 triệu cây phân tán và trồng hơn 1.750 ha sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được Phương án quản lý rừng tự nhiên bền vững tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô được cấp chứng nhận FSC, đây là thành tựu đáng khích lệ của ngành lâm nghiệp. Trên phạm vi cả nước chỉ có Kon Tum và Quảng Bình thực hiện được quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.
Toàn tỉnh cũng đã xây dựngvà triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020; Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum; Quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững tỉnh Kon Tum; Dự án bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum…; từ đó các hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khá đồng bộ, không bị động. Từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực, các quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh đã được tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
|
Trên quan điểm bảo vệ rừng là sự nghiệp của toàn dân, từng bước xã hội hóa nghề rừng, trong thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, cho thuê rừng cho tổ chức, cá nhân và hộ gia đình để tham gia quản lý bảo vệ, sử dụng và hưởng lợi. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum đã giao với tổng diện tích 562.287,4 ha, chiếm 72 % diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh, trong đó nổi bật là giao 73.417 ha cho 5.798 hộ gia đình và 23 cộng đồng thôn, làng quản lý. Ngoài ra tỉnh Kon Tum đã cho các tổ chức kinh tế thuê rừng với tổng diện tích 7.461 ha để thực hiện các dự án trồng dược liệu, sản xuất nông lâm kết hợp.
Việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích, cũng như bảo vệ được vốn rừng hiện có, tạo điều kiện cho việc đầu tư phát triển rừng, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với hộ gia đình, cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo; đồng thời, nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, thúc đẩy người dân, nhất là người đồng bào DTTS tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ đúng đắn về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; qua đó, hoạt động lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật, đó là: Duy trì và làm tăng độ che phủ rừng ở mức cao (63,12% vào năm 2021) là 1 trong 5 tỉnh có độ che phủ cao nhất nước; tổng trữ lượng gỗ rừng tự nhiên của tỉnh hiện nay khoảng 83,4 triệu m3 gỗ và 1,1 tỷ cây tre nứa các loại đây được xem là thế mạnh của ngành Lâm nghiệp; chuyển dịch cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng tích cực, từ khai thác lâm sản tự nhiên chuyển dần sang trồng rừng và dịch vụ lâm nghiệp.
Theo số liệu thống kê cuối những năm thập niên 90, cơ cấu giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn tỉnh trồng rừng đạt 17,5%, khai thác lâm sản đạt 79% và dịch vụ lâm nghiệp đạt 3,5%. Đến năm 2020, cơ cấu giá trị sản xuất lâm nghiệp trồng rừng đạt 58,1%, khai thác lâm sản đạt 21,4 % và dịch vụ lâm nghiệp đạt 20,5%. Tỷ trọng đóng góp của ngành Lâm nghiệp vào tổng giá trị sản phẩm của tỉnh (GRDP) ngày càng tăng, cụ thể tăng từ 5% năm 2000 lên 7,3% năm 2020 và dự kiến đạt 10% vào năm 2025.
Với sự nỗ lực của các ngành và địa phương, tỉnh đã xây dựng được vùng trồng dược liệu tập trung, đặc biệt là sâm Ngọc Linh dưới tán rừng với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, đưa cây sâm Ngọc Linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Trong thời gian tới, Đảng bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, tập trung các nhiệm vụ đã được xác định, qua đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thúc đẩy phát triển diện mạo cho vùng nông thôn, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Thu Trang