Dân vận tốt góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Sa Thầy đã đẩy mạnh công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động).
Huyện Sa Thầy có 38/64 thôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ và hơn 57% dân số của huyện là đồng bào DTTS. Vì vậy, Huyện ủy Sa Thầy xác định công tác dân vận rất quan trọng trong việc giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đời sống sinh hoạt và sản xuất.
Trong quá trình triển khai Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS” và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
|
Cùng với đó, cấp ủy Đảng chú trọng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác vận động quần chúng nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Theo đó, nội dung tuyên truyền đã được đổi mới theo phương pháp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, bám sát thực tế, đối tượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng và sử dụng các lực lượng tại chỗ như: đảng viên, đoàn viên, hội viên, già làng, trưởng thôn, người có uy tín… Qua đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách đối với đồng bào DTTS.
Chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện còn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nội dung, mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong vùng đồng bào DTTS với nhiều hình thức như lồng ghép qua các cuộc hợp thôn, làng, thông qua các ngày hội, lễ hội, các cuộc thi, hội thi, hay thông qua nhóm Zalo, Facebook, hệ thống đài truyền thanh của địa phương.
Nội dung tuyên truyền đa dạng như: Hướng dẫn đồng bào DTTS sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; cách chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; vận động nhân dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; tích cực tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, tham gia trồng rừng; thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, ma chay, lễ hội; bỏ dần các hủ tục, phong tục không còn phù hợp tại địa phương; vận động con em ra lớp đúng độ tuổi, không bỏ học.
|
Nhờ làm tốt công tác dân vận, qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động đã giúp 2.741 hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Người dân đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiệu thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng.
Từ năm 2021 đến nay, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã xây dựng, duy trì 34 mô hình với 949 hộ đồng bào DTTS tham gia. Đơn cử như: Các mô hình thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp; mô hình trồng sầu riêng, cây ăn quả, mắc ca áp dụng khoa học kỹ thuật; mô hình nuôi, trồng, khai thác thủy sản lòng hồ thủy điện Ya Ly; mô hình chăn nuôi heo sọc dưa; mô hình nuôi lươn không bùn; mô hình đường điện sáng, xanh, sạch, đẹp.
Thông qua các mô hình, đa số các hộ gia đình đồng bào DTTS đã biết tự cải tạo vườn tạp, làm hàng rào, trồng rau, cây ăn quả, sử dụng phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, trên 300 triệu đồng.
Cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm phát triển kinh tế, công tác dân vận đã góp phần giúp tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi được cải thiện rõ rệt, đến nay đạt 99,2%. Nhận thức của người dân trong việc giữ gìn giá trị văn hóa, xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp đã được nâng cao. Hiện 38/38 thôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ đã có nhà rông truyền thống; đã xóa bỏ hoàn toàn hủ tục: kiêng cữ chết xấu, cúng bái thần linh khi ốm đau, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xóa bỏ các phong tục không còn phù hợp như: cho người chết ăn, sinh đẻ tại nhà, thả rông gia súc, ăn uống kéo dài trong dịp ma chay, cưới hỏi.
Bà Phan Thị Hà Tiên - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Sa Thầy cho biết: Với những kết quả rõ rệt, có thể khẳng định, qua 3 năm triển khai Cuộc vận động, nhận thức của ấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Trong đó, công tác dân vận đóng vai trò quan trọng, cùng hệ thống chính trị huy động được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS trong việc thực hiện Cuộc vận động, qua đó giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xây dựng đời sống văn minh, phát triển.
Văn Tùng