Đăk Glei: Người uy tín góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đăk Glei là địa phương có số người uy tín nhiều nhất trong toàn tỉnh với 92 người (85 nam, 7 nữ). Với sự ảnh hưởng và uy tín của mình trong cộng đồng, đội ngũ những người có uy tín đã có đóng góp quan trọng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Chúng tôi gặp già A Đrao vào một buổi chiều khi già cùng bà con thôn Đăk Rang, xã Đăk Pét dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Ở cái tuổi 74, nhưng già vẫn rất khỏe mạnh và xông xáo. Gương mặt lấm tấm mồ hôi, già chạy ngược, chạy xuôi hướng dẫn, bảo ban bà con làm thế này, thế kia rồi trực tiếp tham gia cùng làm với bà con.
Già A Đrao được bà con thôn Đăk Rang bầu làm già làng cách đây hơn 10 năm. Không phụ sự tín nhiệm của bà con, già luôn phấn đấu hoàn thành trách nhiệm của mình. Ngoài làm gương trong cuộc sống, bảo ban con cháu trong nhà chăm lo làm ăn, sống có ích, già dành nhiều thời gian cùng các hội, đoàn thể thôn đến từng nhà để phổ biến, tuyên truyền, vận động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới và thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhờ thế, đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt.
|
“Nhưng thay đổi lớn nhất ở thôn phải kể đến việc xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, sinh dày, sinh nhiều con. 2 năm trở lại đây, trên 300 hộ có phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3. Có được kết quả này có công rất lớn của già A Đrao. Ông không quản ngại, cùng mặt trận, đoàn thể thôn tới tận nhà vận động” – chị Y Hạnh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đăk Rang cho hay.
Trường hợp vợ chồng Y Sen là một ví dụ. Y Sen có 2 con gái, và cả 2 vợ chồng quyết định không sinh thêm nữa. “Con nào cũng là con. Dừng lại ở 2 con để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Mới đầu chồng mình không đồng ý đâu, nhờ già làng A Đrao và các chị em vận động, phân tích, thấy hợp lý thì nghe theo thôi” – Y Sen chia sẻ.
Già làng A Đrao nói: Sống trong cộng đồng làng, già luôn mong muốn giúp đỡ bà con. Tuy nhiên, cũng lớn tuổi rồi, nên mình cũng chỉ giúp được bà con thông qua việc vận động, động viên bà con chăm chỉ lao động sản xuất, chi tiêu hợp lý, cố gắng vươn lên thoát nghèo; sinh đẻ có kế hoạch để có điều kiện nuôi dạy con khỏe, con ngoan.
Đăk Pék là xã đầu tiên của huyện Đăk Glei về đích nông thôn mới vào năm 2019. Đời sống của nhân dân toàn xã chuyển biến mạnh với tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 5%. “Trong kết quả này, có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội, còn có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ 11 người có uy tín trên địa bàn xã. Đây là những người trực tiếp gần dân, sát dân và hiểu dân nhất, đặc biệt là được bà con tín nhiệm bầu nên nói dân nghe, dân tin tưởng và làm theo” - ông A Tiểng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đăk Pék khẳng định.
Thôn Măng Khên, xã Đăk Man có 174 hộ nhưng còn tới 14 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên thu nhập không cao. Làm gì và làm thế nào để giúp bà con thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống luôn là trăn trở của già làng A Việt.
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, mặc dù gần 60 tuổi, nhưng già A Việt đã tiên phong đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Già đã “biến” trên 1ha trồng mì kém hiệu quả thành rẫy cà phê xứ lạnh xanh tốt. Học theo già, giờ thôn Măng Khên đã phát triển được 142ha cà phê.
|
Già A Việt chia sẻ: Bà con trong thôn chăm chỉ làm ăn, nhưng chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vì sợ rủi ro. Ví dụ như bao lâu nay chỉ trồng mì, có thu nhập chỉ sau vài tháng nhưng hay mất mùa, mất giá, kéo theo là đất bạc màu nhanh. Chủ trương của huyện, của xã là phát triển cây cà phê xứ lạnh. Đây là cây thế mạnh bởi phù hợp với chất đất và khí hậu ở đây. Vì vậy, tôi đã vận động bà con chuyển đổi, muốn bà con tin và làm theo thì mình phải làm trước, cho bà con thấy hiệu quả đã.
Ông Trần Văn Trường – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Man cho biết: Xã Đăk Man có 3 thôn đồng bào DTTS (chủ yếu là đồng bào Gié Triêng) là Đông Lốc, Đông Nay và Măng Khên. Ngoài già A Việt, 2 già làng còn lại đều gương mẫu, tích cực đưa nghị quyết vào cuộc sống, nhất là thực hiện Kết luận số 08-KL/TU ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
“Hàng năm chúng tôi tổ chức cho các già làng đi tham quan, học tập các mô hình để về vận dụng vào thực tiễn thôn làng mình. Để động viên đội ngũ người có uy tín, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thăm hỏi trong các dịp lễ trọng của địa phương và Tết Nguyên đán hoặc thăm hỏi khi già làng không may ốm đau, gặp rủi ro”- ông Trần Văn Trường cho biết thêm.
Với sự quan tâm, động viên khích lệ của cấp ủy, chính quyền, người uy tín ở 92 thôn đồng bào DTTS của huyện Đăk Glei đã và đang là “chỗ dựa” vững chắc cho bà con đồng bào DTTS; là “cánh tay nối dài” đưa Nghị quyết của Đảng về với bà con, rồi đồng hành triển khai thực hiện, giám sát, phản biện để ý Đảng thực sự hợp với lòng dân.
Dương Nương