Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, cần sự vào cuộc tích cực và hiệu quả của cả hệ thống chính trị và chính lao động nông thôn.
Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị triển khai công tác đào tạo nghề hiệu quả.
Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và của người lao động trên địa bàn. Công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu ngành nghề đào tạo; hoạt động tư vấn nghề nghiệp và việc làm được triển khai tích cực.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đầu tư xây dựng, kiện toàn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm 1 cơ sở công lập (Trường Cao đẳng Kon Tum, được thành lập sau khi sáp nhập 4 trường cao đẳng, trung cấp); 3 cơ sở ngoài công lập.
|
Ngoài ra, có 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) công lập cấp huyện có hoạt động GDNN, được thành lập trên cơ sở sáp nhập 8 trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên có hoạt động GDNN.
Các cơ sở GDNN, trung tâm GDNN-GDTX đã chú trọng xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của xã hội, nhu cầu của người học, đáp ứng được yêu cầu về dạy và học, phù hợp với mục tiêu đào tạo.
Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, như kịp thời cập nhật tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chỉnh sửa các bất cập trong chương trình, giáo trình đào tạo; phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tự làm thiết bị đào tạo nghề.
Trong giai đoạn 2017-2023, hệ thống cơ sở GDNN, trung tâm GDNN-GDTX tỉnh đã tổ chức đào tạo cho 39.395/44.770 chỉ tiêu. Trong đó, trình độ cao đẳng 300/747 chỉ tiêu; trình độ trung cấp 540/2.003 chỉ tiêu; trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng 38.555/42.020 chỉ tiêu (đạt 91,8%). Tổng kinh phí thực hiện cho công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 -2023 là hơn 413,15 tỷ đồng.
Kết quả khảo sát của ngành chức năng cuối năm 2023 cho thấy, có 38.046 lao động được đào tạo nghề có việc làm sau tốt nghiệp (đạt 96,8%).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đồng bào DTTS; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các đơn vị, địa phương cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần được tiếp tục tháo gỡ. Nổi lên là chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định được đối tượng có thu nhập thấp dẫn đến khó khăn trong công tác đào tạo nghề; mức hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp chưa phù hợp.
Cơ chế, chính sách bảo đảm cho quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, chất lượng đào tạo nghề chưa cao.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.
Để tạo cú hích mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này, ngày 14/5/2024 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1637/KH-UBND về đào tạo nghề cho lao động giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, sẽ dành 24 tỷ đồng để triển khai đào tạo nghề cho hơn 8.700 người tại các địa phương, trong đó có trên 8.500 người được đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng; 205 người là giám đốc các hợp tác xã nông nghiệp được đào tạo sơ cấp nghề.
|
Ngày 23/9/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 166-KH/TU triển khai hiệu quả Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
Tại Kế hoạch số 166-KH/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng.
Rà soát, bổ sung, đưa các tiêu chí, chỉ tiêu, giải pháp về đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Đảm bảo tính phù hợp thị trường lao động, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động. Chỉ tổ chức dạy những nghề xác định được nơi làm việc cho lao động sau học nghề.
Bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới, như dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; cơ giới hóa nông nghiệp.
Đặc biệt, hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp.
Sông Côn