Xóm chài trên dòng Sê San an tâm đón tết
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, chúng tôi ghé về thăm 24 hộ dân sinh sống trên dòng sông Sê San – ở thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Không đi bằng con đường bộ vòng dài đến hàng chục cây số, chúng tôi ngồi trên chiếc bo bo, băng qua dòng sông để đặt chân đến xóm chài.
An tâm sinh sống
Chiếc bo bo nổ máy lướt trên những cơn sóng nhẹ càng lúc càng nối gần khoảng cách. Từ xa, mùi ngai ngái, nồng nồng của cá cơm, cá lóc khô đặc trưng đã thoang thoảng.
Sau 15 phút, ai cũng ngỡ như mình đang lạc vào một xóm nổi ở miền Tây Nam Bộ bởi trước mắt là những ngôi nhà nổi được lợp chắc chắn bằng tôn nằm thành một dãy hàng ngang nối dài.
Ở mỗi nhà, những bè cá được nuôi cẩn thận; trong khoảng không gian đó, người người ngồi xẻ, phơi cá, í ới gọi nhau rồi di chuyển bằng thuyền, ghe qua lại rộn ràng.
|
Thấy đoàn đến, nhiều người dân liền chèo ghe tập trung lại nhà ông Nguyễn Văn Triều (người được bầu làm tổ trưởng nơi đây- PV) rồi tay bắt mặt mừng, niềm nở đón khách.
“Ngày trước nghe nhà báo tới là chúng tôi sợ lắm! Bây giờ thì khác rồi. Chúng tôi đã được đăng kí tạm trú, tạm vắng, không còn lo lắng, sợ sệt gì nữa đâu” – ông Triều phấn khởi.
Trong không khí vui mừng ấy, ông Nguyễn Phú An - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi nhấn mạnh rằng, theo chủ trương của tỉnh, vừa qua, xã đã rà soát và cho 24 hộ dân với 83 nhân khẩu nơi đây đăng kí tạm trú, tạm vắng. Cùng với đó, xã thống kê và đưa các hộ vào diện hộ nghèo, cận nghèo.
“Hiện tại, xã đã giới thiệu 1 điểm khoảng 3ha tại thôn 7 cho huyện quy hoạch thành khu dân cư để đưa các hộ lên bờ. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục thống kê, rà soát, nếu hộ nào đủ điều kiện (lý lịch) sẽ cho nhập khẩu và hưởng các chế độ chính sách…” – ông An nói.
Ông An vừa dứt câu, gương mặt ai cũng nở nụ cười hạnh phúc. Không vui, không phấn khởi sao được khi ngày trước, chưa được đăng kí tạm trú tạm vắng, bà con phải thưng tạm những chiếc lều tạm bợ, sống dập dềnh trên mặt nước; ngày đêm thấp thỏm lo sợ khi lúc ở bờ này, mai đã phải dời lều qua bờ khác.
“Gia đình tôi từ An Giang lên đây 6 năm rồi nhưng đến nay mới dám làm nhà nổi chắc chắn. Bây giờ dù chưa được lên bờ nhưng nhà cửa đàng hoàng, chúng tôi không còn lo lắng nữa. Chúng tôi đã an cư rồi! Thật tình ai cũng mừng lắm!” - ông Đinh Văn Thân mừng rỡ.
Có nhà cửa ổn định, ngoài việc đánh bắt cá trên sông, bà con nơi đây còn tập trung làm lồng bè nuôi cá để tăng thu nhập. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 4-5 lồng cá. “So với ở quê thì thu nhập ở đây ổn định hơn rất nhiều. Dù ít dù nhiều nhưng ngày nào cũng có đồng ra đồng vào”– ông Thân chia sẻ.
Vừa rồi, bà con nơi đây còn được tập huấn cách nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Đem những tấm giấy chứng nhận ra khoe với chúng tôi, gương mặt ai cũng phấn khởi, không giấu được niềm vui mừng.
|
Không còn cảnh thiếu quả trứng phải đi ghe ra đến bờ mới có thể mua được, bây giờ làng chài đã “thay da đổi thịt” rất nhiều. Trong làng đã có cửa hàng tạp hóa, dù nhỏ thôi nhưng cũng đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết cung ứng cho bà con khi cần. Để có thêm rau sạch, bà con khoanh lưới, làm từng dãy rau nhút xanh tốt. Rồi nhà nhà nuôi thêm chục con vịt để cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày.
Ngày trước xuôi thuyền đi đánh cá, phụ huynh phải chở luôn con cái theo con nước bấp bênh. Bởi vậy, “con chữ” cũng dập dềnh, lúc gần, lúc lại xa tít tận đẩu tận đâu. Giờ đây khi được ở cố định một chỗ, việc học của các em nơi đây cũng thuận tiện hơn rất nhiều.
Hôm chúng tôi đến, các em trong độ tuổi đi học đều đã đến trường. Vì trường ở xa nên mãi tận chiều các em mới trở về. “Con tôi một đứa học lớp 8, một đứa học lớp 5. Sáng tôi chèo ghe chở con ra bờ rồi lấy xe máy chở các cháu đến trường. Ở đây phụ huynh chúng tôi cứ thay phiên chở các cháu đi học. Xa thì xa nhưng ngày nào các cháu trong làng cũng đi học chuyên cần” - ông Nguyễn Văn Triều phấn khởi.
Đầm ấm đón tết
Ông Triều chỉ lên 3 tấm giấy A4 với những nét chữ ngây ngô “Chúc mừng năm mới 2016-2017” được dán ở nơi trang trọng nhất trên ngôi nhà rồi bảo: “Con trai tôi viết đấy! Nhìn vào tấm hình mà lòng cũng hân hoan cô à”.
Ở cái nơi tất cả mọi thứ đều khó khăn, một tấm giấy A4 với những nét vẽ hồn nhiên, giàu tình cảm cũng làm cho hương vị, không khí tết rộn ràng xiết bao. Dưới tấm giấy A4 ấy, bà con quây quần lại, bàn nhau khi nào ra bờ phải mua lá cờ Tổ quốc về treo đón tết.
“Chúng tôi ở đây dù là người tứ xứ nhưng thân thiết với nhau như ruột thịt vậy đó. Tết ở đây dù không có người thân, họ hàng nhưng cũng vui vẻ, đầm ấm lắm” – ông Trần Tằm sệt giọng Huế tâm sự.
Hôm ấy, xóm miền Tây đãi khách một bữa cơm đậm chất xóm chài: cá lóc kho tộ, canh rau nhút. Trong bữa cơm dân dã, đậm đà, mọi người cùng lên kế hoạch tổ chức một bữa tất niên thật hoành tráng để kết thúc một năm cũ, đón năm mới.
Ông Nguyễn Văn Tùng – người già nhất xóm móm mém bảo rằng, năm nay giá cám tăng, cá lại mất giá nên kinh tế cũng bấp bênh lắm. Nhưng làm ăn có năm được năm mất, kết thúc một năm, cả xóm sẽ tổ chức tất niên, ăn mừng vì đã được ổn định cuộc sống.
Mẻ cá cuối cùng của năm vẫn chưa bán hết nên việc sắm sửa tết có vẻ chững lại. Nhưng nay mai thôi, xóm chài sẽ rộn rã, tưng bừng. Mọi người đồng thanh bảo rằng, gì thì gì, cứ đến lễ, tết, ở xóm này cờ đỏ luôn phấp phới tung bay. Rồi lại nhấn giọng: ở nhà nổi, củi lửa khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau nấu bánh tét, bánh chưng, làm mứt dừa, mứt gừng đón tết đấy. Đêm giao thừa ở đây rộn ràng lắm! Tiếng cười thay tiếng pháo. Nhà nhà cười giòn tan, í ới nhau chúc tết, đầm ấm, vui vẻ lắm cô à.
Trên sông nước dập dềnh, nhà nhà chèo ghe qua chúc tết, uống ly rượu đế ấm lòng rồi chúc nhau những câu chúc thật hay, thật ý nghĩa. “Cô chú mong ước điều gì cho năm mới” – chúng tôi hỏi. Đánh đét thật mạnh vào đùi, ông Tùng móm mém nói to: tôi chỉ cầu mong sao trong năm mới bà con chúng tôi sẽ được lên bờ an cư, ổn định cuộc sống. Chỉ vậy thôi là chúng tôi mừng lắm rồi!
|
Mong ước đó đâu chỉ riêng của ông Tùng mà là của tất cả bà con xóm chài nơi đây. An cư, lạc nghiệp, ai nấy đều mong muốn ổn định cuộc sống để chú tâm vào làm ăn, sản xuất.
Một mùa xuân mới lại về trên dòng Sê San, chúng tôi chúc cho mọi điều mong ước của người dân sớm thành hiện thực. Hi vọng khi trở lại đây vào một ngày gần nhất, chúng tôi sẽ được gặp gỡ bà con trong những ngôi nhà chắc chắn ở trên bờ; sẽ được nghe tiếng cười rôm rả, giòn tưng, chân chất đầy khỏe khoắn; sẽ được thấy những bữa cơm đầm ấm có thêm thịt tươi, rau sạch.
Chia tay xóm chài, từng cái vẫy tay chào bỗng trở nên bịn rịn. Chiếc bo bo chạy ra xa, những lá cờ đỏ phấp phới trên mỗi nóc nhà cũng mờ dần. Đâu đó chỉ còn vọng lại trong gió giọng miền Tây đặc sệt: “Chúc cả đoàn về mạnh khỏe, đón tết bình an”…
Hoài Tiến