Vùng xanh yêu dấu
Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10 của Chính phủ đem lại nền tảng pháp lý để thực hiện chiến lược sống chung an toàn với Covid-19. Nhưng để giữ vững vùng xanh yêu dấu của chúng ta, bên cạnh chính sách đúng, vẫn cần sự đoàn kết và tinh thần cảnh giác, ý thức phòng bệnh của mỗi người.
Là người phải đi lại định kỳ giữa Kon Tum và Huế vì lý do cá nhân, tôi đã trải qua một khoảng thời gian dài phải “ở yên một chỗ” vì dịch bệnh, vì các quy định “xuất nhập cảnh” khác nhau để phòng dịch của mỗi địa phương. Và dĩ nhiên, đó là quãng thời gian đầy lo lắng.
Cho nên, tôi rất vui mừng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn với Covid-19.
Theo đó, cả nước tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19; nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh được mở cửa trở lại. Đồng thời quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 - nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 - nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Khi Nghị quyết 128 được triển khai quyết liệt, chắc chắn điều kiện và thủ tục đi lại giữa các địa phương sẽ được cải thiện.
|
Ví dụ như ở Thừa Thiên-Huế, từ 0 giờ ngày 16/10 áp dụng các quy định theo Nghị quyết 128, nhưng áp dụng cách ly tập trung 14 ngày đối với người vùng đỏ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin Covid-19.
Với kết quả đánh giá mới nhất của Sở Y tế- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, tất cả 102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều thuộc cấp độ 1, nghĩa là có nguy cơ thấp/bình thường mới/vùng xanh, tôi sẽ được thực hiện “những chuyến đi cần thiết” của mình mà không phải lo bị “bầm dập” bởi các thủ tục.
Các chuyên gia đánh giá, Nghị quyết 128 đã tạo dựng nền tảng pháp lý ban đầu giúp chúng ta vượt qua tư duy tiếp cận dịch bệnh "zero Covid", vốn phát sinh nhiều bất cập, như gây ách tắc chuỗi cung ứng, nhiều người bị mất việc, phải chấp nhận về quê tự phát...
Đồng thời, khắc phục tình trạng “trên mở dưới đóng” trong phòng, chống dịch Covid-19, ngay cả khi đã thực hiện chuyển hướng chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Thực tế cho thấy, kể từ đợt dịch thứ tư bùng phát, để phòng chống dịch Covid-19, các quy định của Chỉ thị 15, 16, rồi đến 15+, 16+ đã được hàng loạt địa phương áp dụng mỗi nơi một kiểu, với các “quy định con” của riêng mình. Thời đại công nghệ, người dân không còn lạ gì với thông tin giấy test nhanh kháng nguyên được “qua” tỉnh này, nhưng lại “vô hiệu” với thành phố kia.
Việc mỗi địa phương vận dụng, cũng như tự đề ra các quy định phòng, chống dịch “khác và cao hơn” quy định của Trung ương không còn là chuyện hiếm.
Trong các hội nghị trực tuyến với các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.
Nhưng với Nghị quyết 128, gồm các tiêu chí được quy định rõ từ Trung ương, tin rằng tình trạng trên sẽ được khắc phục triệt để. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ "Trong thực hiện Nghị quyết 128, phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên”.
|
Ở tỉnh ta, ngày 17/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã có Quyết định 817/QĐ-BCĐ về ban hành hướng dẫn tạm thời tiêu chí đánh giá và phân loại cấp độ dịch Covid-19.
Theo đó, việc phân loại, đánh giá cấp độ dịch được thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Mỗi vùng đều được phân loại theo tiêu chí khách quan là tỷ lệ người nhiễm trên mỗi 100 nghìn dân, tỷ lệ người được tiêm chủng, năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế. Tương ứng với "màu" vùng, độ “đóng, mở” của các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ thay đổi theo một cách linh hoạt.
Quyết định 817/QĐ-BCĐ cũng áp dụng các quy định mới về xét nghiệm và cách ly y tế, được xây dựng trên tinh thần tuân thủ Nghị quyết 128 của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh ở địa phương, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Việc sớm ban hành các quy định mới cho thấy sự quyết đoán, linh hoạt và chủ động của tỉnh ta trong việc thích ứng với chiến lược mới.
Và cho dù mới chỉ là những hướng dẫn tạm thời, nhưng chắc chắn, Quyết định 817 sẽ đem lại sự “mở cửa” hợp lý để thực hiện chiến lược sống chung an toàn với Covid.
Niềm vui của tôi có lẽ không thể so sánh được với niềm vui của anh đồng nghiệp, vì đã nhiều tháng nay anh không thể về Quảng Ngãi thăm mẹ già, dù chỉ cách nhau con đèo Viôlăk. Bởi tôi cảm nhận rất rõ niềm vui ấy khi anh thông tin về việc triển khai các quy định mới theo Nghị quyết 128.
Càng không thể so sánh được với niềm vui của những doanh nghiệp vận tài hàng hóa, hành khách đang điêu đứng vì phương tiện “đắp chiếu” nhiều tháng qua; của những tài xế, hay bao nhiêu người đã phải “ở yên một chỗ”, trong khi cuộc mưu sinh bắt họ phải đi.
Tất nhiên, Nghị quyết 128 ở tầm quốc gia, hay Quyết định 817 ở quy mô địa phương, không phải là “thuốc thần” làm “sạch bóng vi rút”. Chúng ta đều biết, sẽ tốt hơn nhiều khi có chính sách chống dịch linh hoạt để thực hiện tốt bình thường mới, và mỗi người luôn nêu cao ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng.
Chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là 5K, để giữ vững vùng xanh yêu dấu của mình.
THÀNH HƯNG