Việc làm và bình đẳng giới
Việc làm, với vai trò là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, có tác động rất đáng kể đến thực hiện bình đẳng giới, thông qua cải thiện sinh kế và giảm nghèo.
Đang làm công nhân ở Bình Dương, kết hôn được một thời gian, O. theo chồng về sinh sống tại thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum.
Ở quê chồng, lạ đất lạ người, lại thêm con nhỏ, O. chấp nhận không tìm việc làm, ở nhà chăm bố mẹ chồng đã già yếu và con nhỏ. Cả gia đình sống dựa vào thu nhập từ nghề làm sắt của chồng cô.
O. cảm nhận rất sâu sắc rằng mình không có tiếng nói trong gia đình. Mọi chuyện đều do anh chồng quyết định. Đôi khi, chồng cô nặng nhẹ về chuyện tiền bạc, chi tiêu, thậm chí có ý so sánh, nói cô “thua chị kém em”.
Nhưng vì sống phụ thuộc về kinh tế nên O. đành chịu đựng. Lâu dần, cô chỉ như cái bóng, lặng lẽ làm việc nhà, coi đó là bổn phận, và chưa bao giờ dám nghĩ đến việc thay đổi.
|
Cho đến một ngày, O. nhận thấy rằng, mình không thể sống trong tình trạng này mãi, mà phải tìm việc làm, có thu nhập. Không chỉ để “giải phóng” mình, mà còn để có thêm nguồn thu nhập lo cho gia đình.
Và người giúp O. nhận ra điều ấy chính là những chị em trong xóm. Không chỉ trò chuyện, động viên, khích lệ O., chị em còn gặp gỡ để giải thích, vận động chồng cô đồng ý cho cô tìm việc làm.
Từng là thợ may lành nghề, được sự hỗ trợ của chị em, O. mua máy may, mở một tiệm may nhỏ nhận may, sửa quần áo cho các hộ gia đình trong xóm. Tiếng lành đồn xa, chỉ sau ít tháng, tiệm may của cô đã có khá đông khách, đem lại thu nhập ổn định.
Không chỉ những người xung quanh, mà chính O. cũng nhận thấy rằng, từ ngày có việc làm, có thu nhập, mình mới có tiếng nói rõ ràng hơn trong gia đình, nhất là với… chồng.
O. chỉ là một trong rất nhiều phụ nữ đã và đang phải chịu đựng bất bình đẳng giới, cả trong gia đình và ngoài xã hội. Mà nguyên nhân chính là do không có việc làm.
Có thể nói việc làm là phương tiện thúc đẩy bình đẳng giới và chuyển hóa bình đẳng giới thành các tiến bộ xã hội - kinh tế. Việc làm tăng khả năng lựa chọn cho phụ nữ, hỗ trợ gia đình họ và giúp phụ nữ tham gia chủ động hơn vào cộng đồng của mình.
Một khi phụ nữ được tiếp cận và có việc làm sẽ cải thiện thu nhập và nâng cao quyền tự chủ cũng như tiếng nói để giữ vai trò tích cực hơn trong đời sống cá nhân và cộng đồng
Trên thực tế, vấn đề việc làm cho lao động nữ đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Chênh lệch trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam và nữ ở mức thấp, trong khi tỷ lệ lao động nữ khá cao.
|
Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, đến hết năm 2022, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động chiếm 48,3% (157.524 người). Tỷ lệ lao động có việc làm giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể, ở mức 0,46 điểm phần trăm (99,46% và 99,0%).
Việc làm cho lao động nữ rất đa dạng. Họ có thể tham gia ở hầu hết các công việc trong đời sống xã hội, tập trung ở các lĩnh vực hành chính sự nghiệp, công nghiệp nhẹ, thương mại và dịch vụ.
Tuy nhiên, cơ hội việc làm của phụ nữ trong một số phương diện khác của thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế. Chênh lệch tiền lương tiếp tục tồn tại do sự phân chia trong nghề nghiệp; phân biệt đối xử với phụ nữ tại môi trường làm việc cũng hạn chế lựa chọn nghề nghiệp của lao động nữ.
Bên cạnh đó, dù đã cải thiện rõ rệt hơn, nhưng cho đến nay, chuẩn mực xã hội vẫn cho rằng trách nhiệm chăm sóc gia đình thuộc về phụ nữ. Và trên thực tế, phụ nữ phải dành nhiều giờ chăm sóc gia đình hơn nam giới.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình mỗi tuần, phụ nữ phải dành 35 giờ để làm việc nhà, cao hơn nhiều so với mức trung bình 21 giờ của nam giới. Nhiều nam giới còn thừa nhận ít khi, thậm chí “nói không” với việc nhà, vì “đó là việc của phụ nữ”.
Đối với phụ nữ không được học hành, hoặc có trình độ giáo dục thấp, phụ nữ vùng nông thôn, vùng DTTS, họ gần như phải dành phần lớn thời gian trong ngày để làm những công việc không có thu nhập trong gia đình.
Những công việc gia đình đã hạn chế cơ hội tiếp cận thị trường lao động của phụ nữ, hoặc có thể đẩy phụ nữ vào những công việc được trả lương thấp để đổi lấy việc dành nhiều thời gian chăm lo gia đình hơn.
Cũng chính vì vậy, bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng, khi họ yếu thế, dễ bị “bắt nạt” hơn, thậm chí là hoàn toàn không có quyền lên tiếng.
Vì vậy, giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lao động nữ là vấn đề quan trọng, tạo cho lao động nữ cơ hội được độc lập về kinh tế và phát triển các mối quan hệ, làm tăng tính bình đẳng trong xã hội.
Để thực hiện mục tiêu này, cần đẩy mạnh triển khai nhóm giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, bất lợi của lao động nữ trong quá trình tìm việc làm và tự tạo việc làm.
Trong đó bao gồm nâng cao chất lượng hoạt động của các dịch vụ giới thiệu việc làm; hỗ trợ vốn vay để tạo việc làm; đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho lao động nữ.
Ngoài ra, cần thực hiện các bước nâng cao chất lượng việc làm hiện có dành cho phụ nữ trong các lĩnh vực nông nghiệp truyền thống và mô hình nông hộ.
Ví dụ, khuyến khích phát triển các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, thành lập hợp tác xã nông nghiệp có sự tham gia của phụ nữ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao, từ đó tăng thu nhập.
Điều này cũng sẽ cho phép phụ nữ cân bằng việc nhà và thu nhập với nam giới, hoặc mở rộng cơ hội tìm việc làm ở lĩnh vực mà họ am hiểu.
Đồng thời, tạo điều kiện để mỗi phụ nữ đều chủ động được cuộc sống của bản thân họ, đáp ứng được các yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới.
Hồng Lam