Triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy dịp Tết
Ngày 31/12, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả một số giải pháp cấp bách trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.
|
Công văn số 4751/UBND-NC của UBND tỉnh nêu rõ, các sở, ban ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố phải triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả công tác PCCC &CNCH; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
Trong đó, rà soát, kiểm tra việc cấp phép xây dựng đối với các loại hình công trình, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn các đơn vị có liên quan, trong quá trình cấp phép xây dựng, cải tạo đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng kẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà cho thuê trọ) phải yêu cầu đảm bảo thực hiện các giải pháp, điều kiện an toàn PCCC theo quy định.
Xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép, các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang các loại hình sản xuất, kinh doanh khác mà không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC.
Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn sử dụng điện an toàn tại các địa điểm tổ chức sự kiện, khu vui chơi giải trí, các lễ hội. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn từng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình các biện pháp quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, hạn chế tối đa cháy, nổ do điện gây ra; kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu người dân khắc phục các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện.
Báo Kon Tum và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường xây dựng các tin, bài, phóng sự về PCCC & CNCH; ưu tiên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn, cảnh báo nguy cơ cháy xảy ra tại các loại hình cơ sở trọng điểm, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn; tiếp tục tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC &CNCH cho người dân để từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC và CNCH.
Chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát tại khu vực đô thị không đảm bảo hạ tầng giao thông, nguồn nước chữa cháy phải xây dựng ngay các phương án cấp nước, dự trữ nước, bố trí phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, CNCH phù hợp.
Phân công, cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về PCCC & CNCH để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn.
Mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC &CNCH đối với các cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ cao, địa điểm tập trung đông người, địa điểm tổ chức các sự kiện vui chơi, giải trí; tập trung kiểm tra, hướng dẫn khắc phục các sơ hở, thiếu sót, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC theo quy định.
Quá trình kiểm tra phải yêu cầu cam kết lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC trước ngày 30/3/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải kiên quyết xử lý, dừng hoạt động.
Chỉ đạo các lực lượng tăng cường thường trực, tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC & CNCH, bố trí lực lượng, phương tiện cho lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng chữa cháy, CNCH hiệu quả, kịp thời ngay tại địa bàn, cơ sở khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra.
Thành Hưng