Trăn trở chuyện nghề
26 năm qua đi, nhiệt huyết dấn thân, niềm đam mê đi và viết vẫn cháy bỏng trong tim tôi. Như những ngày đầu vào nghề, dành hết thời gian, công sức cho những chuyến đi, trở về lại thức thâu đêm đánh vật với chữ nghĩa.
1.Sáng 21/6, tức đúng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, anh bạn hỏi tôi rằng: Nếu được chọn lại, liệu ông có tiếp tục chọn nghề báo?
Nếu như trước đây, tôi sẽ trả lời mà không cần suy nghĩ: Tất nhiên là không thay đổi. Nhưng hôm nay tôi lại không thể trả lời ngay.
Phải chăng tình yêu nghề trong tôi đã vơi, đã cạn?
Không, tình yêu nghề vẫn còn đó. Nó nguyên vẹn như khi tôi còn là một học sinh chuẩn bị tốt nghiệp cấp III đăng ký thi vào Khoa Báo chí- Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội).
Như những ca từ trong ca khúc “Nghề báo tôi yêu” của nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Hợp (Biên tập viên âm nhạc, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh): “Tôi yêu nghề báo rất nhiều/ Nhọc nhằn thế nhưng đầy niềm vui/ Lòng thấy như mình mắc nợ/ Cùng thời gian bên trang báo thơm/ Yêu sao từng đêm không ngủ/ Để ngày mai báo ra thật sớm”.
Phải chăng nhiệt huyết dấn thân, niềm đam mê cháy bỏng trong tim đã bị ngày tháng, tuổi tác và những trăn trở nghề nghiệp bào mòn đi rồi?
Không, nhiệt huyết dấn thân, niềm đam mê đi và viết vẫn cháy bỏng trong tim. Tôi vẫn như những ngày đầu vào nghề, dành hết thời gian, công sức cho công việc, cho chữ nghĩa.
Như trong ca khúc “Tự hào nghề báo của tôi” (phổ thơ Thuận Hữu) nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm đã thấu hiểu, chia sẻ: “Tôi tự hào với nghề báo của tôi/ Ơi nghề báo đầy nhọc nhằn vất vả/ Ngày dài đêm thâu trải lòng trên con chữ/ Luôn cảm thấy mình mắc nợ với thời gian. Nghề báo dẫu nhiều gian khổ/ Là bài ca phấn đấu không ngừng”.
Vậy vì sao hôm nay tôi lại không thể trả lời ngay khi nhận được câu hỏi ấy? Thấy tôi mãi không trả lời, anh bạn đã cho rằng tôi chùn chân rồi, tôi mệt mỏi rồi, và an ủi: Ở tuổi này, điều đó không tránh được.
Nhưng thật ra, nguyên nhân không phải vậy. Mà là khi được hỏi một cách bất chợt, một chút ký ức trở về, như thước phim quay chậm.
|
2.Tôi đèo bòng với nghiệp cầm bút đến nay là 26 năm. Tuy chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để tôi nếm trải những thái cực trong cuộc sống mà nghề nghiệp mang lại, với hạnh phúc và đau khổ, được và mất, vui và buồn.
Và trong suốt hành trình đã qua, tôi tự đề ra cho mình và ép mình phải thực hiện một yêu cầu “suy nghĩ, suy nghĩ và suy nghĩ”, kể cả những ngày vật vã trên giường bệnh.
Nghề nghiệp cho tôi nhiều chuyến đi ăm ắp hơi thở cuộc sống. Tôi đã háo hức đi trên con đường vắt trên những triền núi, băng qua những lòng thung. Đã ngược trên cheo leo đá núi; lầm lũi trên những con đường ẩn hiện trong mây mù thăm thẳm; lầm lũi xuyên rừng, lội suối mấy ngày đêm.
Dù vất vả đấy, nhưng mỗi chuyến đi đều thấm ngọt những câu chuyện về đời người, hồn đất, sâu sắc, trầm lắng.
Nghề nghiệp giúp tôi sống có trách nhiệm hơn. Trong 2 năm 2017-2018, tôi đã dành nhiều thời gian, sức lực và đôi khi là cả sự an toàn của bản thân cho đề tài đấu tranh dẹp nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh.
“Cuộc chiến” ấy bắt đầu từ khi tôi thấy những bờ sông, bờ suối bị sạt lở, cuốn trôi đất đai, hoa màu, đe dọa nhà cửa của người dân; những vòi đen sì cắm xuống lòng sông hút cát bất kể ngày đêm.
Từ đó bắt đầu những ngày dài đeo bám để hoàn thành loạt bài phản ánh về nạn khai thác cát sỏi trái phép. Bất cứ nơi đâu có tin báo về nạn khai thác cát trái phép là tôi lên đường, tìm hiểu và viết.
Tôi đã gặp không ít trở ngại, đến từ những mối quan hệ công việc và xã hội, thậm chí là cả những tin nhắn, cuộc gọi dọa dẫm. Nhưng tôi không thỏa hiệp, bởi nhận thấy rằng, đấu tranh ngăn chặn, xóa bỏ nạn khai thác cát trái phép cũng là nghĩa vụ, là trách nhiệm của nhà báo.
Sau khi báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc. Những cái vòi đen sì, từng công khai và ngang ngược hút cát ngày đêm, cả trái phép, sai phép, ngoài phép đang dần biến mất. Sự yên bình dần trở lại trên những thôn, làng ven sông.
|
Nghề nghiệp còn cho tôi những nỗi buồn khó nói hết. Có không ít mối quan hệ tốt đẹp tan vỡ sau một bài báo phản ánh trung thực mà một người làm báo chân chính phải làm.
Tôi vẫn nhớ những lời khen của bạn bè, đồng nghiệp khi có bài viết tốt để cố gắng hơn, nhớ những lời phê bình khi có bài chưa đạt để sửa chữa. Nhớ những cái bắt tay thô ráp của bà con nông dân, hay từng trái bầu, trái bí mà bà mẹ vùng sâu dúi vào tay, để biết trân quý tình cảm dành cho mình.
Tôi cũng không quên được cái bĩu môi khó chịu hay những ánh mắt soi mói vì một bài phản ánh trung thực. Nhưng có sao đâu, khi đó chính là dư vị mà nghề nghiệp đem lại. Dù muốn hay không, tôi cũng đều đón nhận chúng một cách trân trọng.
Trong cuộc sống, hoạt động nghề nghiệp nhiều cạm bẫy hiện nay, tôi luôn phấn đấu là một nhà - báo - tử - tế, luôn nhớ rõ mình là ai, mình làm gì, giữ vững chí hướng ban đầu.
Bởi vậy, khi nhận những bó hoa tươi thắm hay những lời chúc mừng tốt đẹp của đồng nghiệp, bạn bè vào mỗi ngày 21/6, tôi không thấy xấu hổ.
3.Nhưng cũng như bao đồng nghiệp khác, bên cạnh niềm vui, lòng tự hào về nghề báo, tôi có những nỗi buồn, những trăn trở trước một số vấn đề mà báo chí đang gặp phải.
Đó là sự “thất thế” của báo in hiện nay. Dù vẫn là loại hình chủ lực, nhưng nhiều năm qua, báo in luôn loay hoay tìm cách để cạnh tranh, để “sống được” trước sức ép của báo điện tử và mạng xã hội.
Tuy ra đời sau những loại hình báo chí khác, nhưng với lợi thế về công nghệ internet, ưu thế tuyệt đối về độ nhanh nhạy, tức thời, khả năng tìm kiếm thông tin khoa học, hiệu quả và tương tác cao mà báo in không có, báo điện tử đã vươn lên mạnh mẽ, “ép” báo in phải tụt lại.
Ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần một máy tính, một điện thoại thông minh hay máy tính bảng có kết nối internet là có thể thỏa sức tìm kiếm các thông tin trên báo điện tử ở tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Thực tế ấy buộc báo in phải thích ứng, thay vì “buộc” độc giả đọc những gì mình “đưa” thì phải tự đi tìm độc giả, và cung cấp nhưng gì độc giả “muốn” đọc, tức là chăm sóc thói quen đọc của họ.
Đó là mạng xã hội đang có sự xâm lấn, đe dọa thay thế chức năng thông tin của báo chí, thách thức chỗ đứng của nhà báo, buộc báo chí phải bước vào “cuộc đua” khắc nghiệt.
Từ sự tiện lợi, cung cấp thông tin nhanh, rộng, sâu tới mọi người, và nhất là, bất cứ ai cũng có thể thành “nhà báo”, nếu chỉ xét ở nghĩa cung cấp thông tin cho công chúng, mạng xã hội đang tạo ra sức ép cập nhật tin tức, buộc nhiều cơ quan báo chí phải chạy đua xem ai nhanh hơn.
Không ít nhà báo, phóng viên ngày càng trở nên phụ thuộc vào mạng xã hội trong quá trình tác nghiệp. Rốt cuộc, họ bị cuốn vào “cuộc chơi”, chạy theo những thông tin lan truyền trên mạng, sử dụng nguồn tin thiếu kiểm chứng từ mạng xã hội, dẫn đến cung cấp thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Đây là nguyên nhân khiến nhiều tờ báo đã bị “tuýt còi”, buộc phải cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật; nhiều nhà báo bị xử phạt, thậm chí thu hồi thẻ, một số tờ báo bị thu hồi giấy phép có thời hạn.
Trách nhiệm của tôi, và chúng ta, cần được thể hiện trên mỗi tác phẩm. Nhanh nhạy nhưng không hấp tấp, bình tĩnh nhưng không chậm chạp, tỉ mỉ nhưng không lề mề, kịp thời nhưng không cẩu thả, đó là tác phong làm báo có trách nhiệm xã hội của nhà báo hiện nay.
Đó còn là những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp đang ngày càng gia tăng. Trên thực tế, từng có những nhà báo giỏi, những nhà báo có tiếng dừng bước, không thể đi xa hơn, thậm chí lao dốc vì những cạm bẫy, cám dỗ trong cuộc sống.
Tất nhiên, một nhà báo, cuộc sống và công việc sẽ không bao giờ là hành trình suôn sẻ. Sẽ có niềm vui và tình yêu thương, nhưng cũng có những nốt trầm cay đắng, những lúc cực kỳ khó khăn, những cám dỗ vật chất, những cạm bẫy tinh vi.
Thực tế ấy nhắc tôi nhớ rằng, mình đang làm một nghề đòi hỏi ý chí, nghị lực và trách nhiệm và phấn đấu không ngừng.
Và dẫu đã trải qua, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề báo!
Thành Hưng