Tôn tạo, bảo tồn Di tích lịch sử Quốc gia Nhà ngục Kon Tum
“Dự kiến, Dự án Tôn tạo, phục dựng Di tích lịch sử Quốc gia Nhà ngục Kon Tum sẽ được triển khai thực hiện vào năm 2026 với tổng nguồn vốn 100 tỷ đồng” - bà Đậu Ngọc Hoài Thu, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết.
Thông tin trên mang lại niềm vui lớn cho cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và du khách trong và ngoài nước nói chung. Bởi, từ nhiều năm nay, việc tôn tạo, phục dựng Di tích đã được quan tâm, tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan nên công tác này gặp nhiều khó khăn, các hạng mục được tôn tạo, phục dựng còn hạn chế, chưa phát huy được giá trị lịch sử cách mạng to lớn mà di tích chứa đựng.
Ngược dòng thời gian, để đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về việc tôn tạo, xây dựng, để Di tích lịch sử Quốc gia Nhà ngục Kon Tum phát huy được giá trị: nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật vô giá về một chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của những người cộng sản; là một địa chỉ đỏ có ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống và là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, công tác này đã được Đảng bộ, chính quyền tỉnh quan tâm tiếp nối thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập lại tỉnh.
|
Đến năm 1997, Di tích lịch sử Quốc gia Nhà ngục Kon Tum được tôn tạo, xây dựng một số hạng mục như: Nhà trưng bày, Tượng đài Bất khuất, hai ngôi mộ tập thể- nơi yên nghỉ của những người tù chính trị bị thực dân Pháp đàn áp trong hai cuộc đấu tranh Tuyệt thực và Lưu huyết, gò đất các chiến sĩ tại Nhà lao đắp làm mố cầu bắc qua sông Đăk Bla. Năm 2016, để đẩy mạnh việc tôn tạo, phục dựng di tích, UBND tỉnh ban hành Quyết định số1453a/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 về việc triển khai thực hiện chủ trương đầu tư dự án Tôn tạo, phục dựng Di tích lịch sử Quốc gia Nhà ngục Kon Tum. Theo đó, Di tích tiếp tục được đầu tư tôn tạo và xây dựng một số hạng mục ban đầu.
“Mặc dù đây là loại hình di tích được Đảng, Nhà nước và ngành Văn hóa quan tâm, nghiên cứu và xếp hạng rất sớm, song do hình thức, tính chất đặc thù của loại hình di tích này nên việc nhận diện, kiểm kê một cách toàn diện, hệ thống và phát huy giá trị lịch sử cách mạng to lớn mà di tích chứa đựng là hết sức khó khăn và còn hạn chế. Bởi vậy, sau 2 giai đoạn đầu tư, tôn tạo và xây dựng một số hạng mục, đến nay vẫn chưa thể phát huy hết giá trị lịch sử cách mạng to lớn mà di tích chứa đựng” – bà Thu cho hay.
Ngoài ra, các tư liệu về di tích hầu hết chỉ ở góc độ hồi ký nên khó khăn trong việc phục hồi theo các yếu tố gốc của di tích. Bên cạnh đó, với nhà trưng bày, từ khi được xây dựng đến nay vẫn chỉ duy trì việc trưng bày trên 200 hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng và hồ sơ tù chính trị bị giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum.
Do đó, để bổ sung hoàn thiện cho công tác trưng bày giới thiệu và phục vụ cho du khách đến tham quan, Bảo tàng – Thư viện tỉnh đã xuất bản một số tài liệu: “Từ Hà Tĩnh đến Nhà đày Kon Tum”; “Phóng sự Ngục Kon Tum”; “Kỷ yếu Giá trị, ý nghĩa lịch sử và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum”; “Di sản văn hóa từ Ngục Kon Tum”; “Những người tù chính trị tại nhà lao Kon Tum” và “Nhà lao Kon Tum giai đoạn 1930 – 1935”. Đồng thời, sưu tầm các tư liệu, hình ảnh về các nhân vật, sự kiện liên quan đến Nhà ngục Kon Tum.
|
Để phát huy hết giá trị lịch sử cách mạng to lớn mà di tích chứa đựng, ngày 14/5/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBND Về việc điều chỉnh Quyết định số1453a/QĐ-UBND ngày 30/11/2016. Đến giữa tháng 10/2023, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã trình Sở Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án Tôn tạo, phục dựng Di tích lịch sử Quốc gia Nhà ngục Kon Tum.
Theo tờ trình, Di tích lịch sử Quốc gia Nhà ngục Kon Tum sẽ được tôn tạo, phục dựng nhiều hạng mục: nhà bảo vệ, sân trung tâm, sân hành lễ + phù điêu, mộ liệt sĩ, nền móng Nhà Lao ngoài (Bảo tồn vị trí, tôn tạo), tượng đài cũ, phục dựng Nhà Lao trong, nhà trưng bày – đón tiếp – quản lý, phục dựng Nhà Lao ngoài, gò đất + tượng đài bất khuất, chòi nghỉ (2 khu), khu kỹ thuật, cây xanh cảnh quan, giao thông, sân đường với tổng diện tích 26.550m2.
Lịch sử đã sang trang mới, nhưng hình ảnh những người tù chính trị đã ngã xuống vì độc lập tự do cho đất nước, vì lý tưởng của Đảng mãi khắc ghi trong trang sử hào hùng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Vượt lên sự tàn phá của thời gian và những tác động của thời tiết, với sự quan tâm của các cấp ngành, sự nỗ lực không ngừng của những người làm công tác bảo tồn, Di tích lịch sử Quốc gia Nhà ngục Kon Tum mãi trường tồn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
Hoài Tiến