Toả sáng những vầng trăng khuyết
Không may mắn có một cơ thể lành lặn như bao người nhưng nhiều phụ nữ khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã vươn lên nghịch cảnh để sống như những đóa hoa. Họ là nguồn cảm hứng để tiếp thêm động lực cho những người phụ nữ khuyết tật khác vượt lên số phận để sống có ý nghĩa hơn.
“Không phải ai sinh ra cũng có một cơ thể lành lặn, một cuộc đời bình yên, may mắn. Thậm chí có những lúc, người ta rơi vào hoàn cảnh không ngờ tới, đến mức bế tắc và tuyệt vọng. Chỉ có nghị lực bản thân, chỉ có chiến thắng chính mình mới vượt qua được tất cả để vươn lên, để sống có ý nghĩa hơn” - Đó là những lời khiến tôi nhớ mãi sau cuộc trò chuyện đầy cảm xúc với chị Y Hòe (33 tuổi) ở thôn Pêng Sang Pêng, xã Đăk Pék (huyện Đăk Glei).
Chị Y Hòe là con thứ 4 trong một gia đình nghèo. Từ khi chào đời đến năm 1 tuổi, Y Hòe vẫn phát triển khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, năm lên 2 tuổi, một cơn bạo bệnh ập tới khiến một chân của Y Hòe trở nên cong queo, bại liệt. Mặc dù bố mẹ đã chạy chữa nhiều nơi nhưng số phận nghiệt ngã buộc Y Hòe phải gắn cuộc đời mình với đôi nạng gỗ.
|
Cơ thể không lằn lặn khiến Y Hòe trở nên rụt rè, thiếu tự tin. Chính vì thế, hằng ngày Y Hòe chỉ nép mình trong căn phòng nhỏ. Thương con suốt ngày quẩn quanh với bốn bức tường, năm lên 10 tuổi, bố mẹ gửi Y Hòe vào Trung tâm Bảo trợ và Công tác Xã hội tỉnh. Tại Trung tâm, bên cạnh học văn hoá, Y Hòe còn được làm quen với đường kim, mũi chỉ. Chính điều này đã nhen nhóm lên tia hy vọng trong cô.
“Kết thúc 5 năm học tại Trung tâm, mình quyết theo học nghề may. Mình xin bố mẹ đến học việc, làm thêm tại một số tiệm may ở thành phố Kon Tum. Thời gian đó, mình có cơ hội được làm quen, giao lưu với nhiều người có cùng cảnh ngộ, chủ các cơ sở may thì hướng dẫn, dạy nghề rất chu đáo, tận tình” - Y Hòe nhớ lại.
Sau nhiều năm vừa học vừa làm khắp các tiệm may, nhờ chăm chỉ chịu khó, Y Hòe sớm trở thành thợ may có kinh nghiệm. Với số vốn nhất định cùng kinh nghiệm có được, năm 2013, Y Hòe trở về xã Đăk Pék mở tiệm may. Bằng tay nghề và sự kiên trì, Y Hòe dần có lượng khách ổn định. Trung bình, mỗi tháng Y Hòe kiếm được hơn 3 triệu đồng. Không chỉ mở tiệm may để tạo công việc cho bản thân, Y Hòe còn nhận và dạy nghề cho một số phụ nữ trên địa bàn.
“Lâu nay, tôi đã không nghĩ đến những gì mình đã mất mà luôn nghĩ về những gì mà mình đang có. So với những người lành lặn, tôi thật thiệt thòi. Nhưng so với những người khuyết tật khác, tôi thấy mình rất may mắn khi vẫn còn đôi tay khéo léo, cái đầu tỉnh táo. Bây giờ, tôi đang nuôi dưỡng, duy trì một tinh thần lạc quan, thái độ sống tích cực. Với những điều đó, tôi tin rằng cuộc sống dù khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ vượt qua” - Y Hòe vui vẻ nói.
Chia sẻ về dự định tương lai, Y Hòe cho hay, cô sẽ tham gia một số lớp học may để nâng cao tay nghề. Cùng với đó, Y Hòe sẽ mở rộng cơ sở may để nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho những người có nhu cầu.
Không chỉ riêng Y Hòe, tại tỉnh Kon Tum, nhiều phụ nữ khuyết tật khác cũng đang ngày ngày nỗ lực để vượt lên số phận. Một trong số đó phải kể đến là chị Y Ly Đanh (37 tuổi), ở thôn Kon Teo - Đăk Lấp, xã Đăk Long (huyện Đăk Hà). Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, một chân bị bại liệt nhưng chị Y Ly Đanh vẫn luôn nở nụ cười trên môi. Thường ngày, chị vẫn luôn làm việc thoăn thoắt với niềm tin vào một tương lai tốt đẹp.
|
Chị Y Ly Đanh kể rằng, năm lên 3 tuổi, chị bị một trận sốt rét. Ngày đó, cơ sở vật chất y tế thiếu thốn nên việc chữa trị gặp nhiều khó khăn. Hậu quả là dù khỏi bệnh, nhưng một chân của chị bị liệt hoàn toàn.
Học hết lớp 10, vì gia cảnh nghèo khó nên chị Y Ly Đanh đành nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ làm kinh tế. Đến tuổi trưởng thành, chị Y Ly Đanh mở lòng quen một người đàn ông. Nhưng số phận đưa đẩy chị trở thành mẹ đơn thân.
Mang tấm thân khuyết tật cùng đứa con nhỏ leo lắt sống qua ngày, chị Y Ly Đanh phải làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Không đành để đứa trẻ sống cảnh thiếu thốn, với số tiền tích góp nhiều năm liền cùng vay mượn từ người thân, chị Y Ly Đanh bắt đầu khởi nghiệp từ việc mua đất trồng mì. Thế nhưng, chỉ được vài năm thì mì bị sâu bệnh, mẹ con chị Y Ly Đanh rơi vào cảnh lao đao.
Trong lúc khó khăn ấy, chị Y Ly Đanh biết được địa phương đang triển khai Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền với nhiều ưu đãi. Thấy vậy, chị mạnh dạn tham gia và mua được 1.000 cây giống với chi phí thấp để thay thế cho diện tích mì đang sâu bệnh. Nhờ chăm chỉ, chịu khó chị Y Ly Đanh đã hình thành cho mình một vườn cao su rộng 2ha.
Được hỗ trợ kỹ thuật, cộng thêm kiến thức từ thực tiễn, chị Y Ly Đanh có kinh nghiệm, có tay nghề cao trong việc chăm sóc cao su. Tuy nhiên, vào đúng thời điểm cây cao su đang thành hình thì giá cao su đột ngột lao dốc. Nhiều hộ thi nhau phá bỏ vườn cây nhưng chị Y Ly Đanh vẫn quyết giữ lại với hy vọng một ngày giá thành sẽ tăng trở lại. Giai đoạn đó, để trang trải cuộc sống chị đã phải vay vượn, chật vật làm thuê để cầm cự qua ngày.
Kiên trì bám trụ trong một thời gian dài, cuối cùng giá cao su cũng tăng trở lại. Vườn cao su mà chị Y Ly Đanh quyết giữ đã mang về cho chị nguồn thu ổn định. Nhờ vậy, chị đã trả hết các khoản nợ tích tụ nhiều năm và sắm sửa nhiều vật dụng trong gia đình.
Từ 1.000 cây cao su được Nhà nước hỗ trợ, đến nay, chị Y Ly Đanh đã phát triển thêm 1,5ha cao su và 1.5ha cà phê, chăn nuôi hơn 40 con bò, gà. Trung bình, mỗi năm chị thu về hơn 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bên cạnh đó, chị Y Ly Đanh còn tạo việc làm cho 2 lao động với mức lương 2 triệu/tháng.
“Cơ thể không lành lặn, cuộc đời nhiều biến cố thật sự là thiệt thòi, khó khăn với tôi. Nhưng không vì thế mà tôi gục ngã, bởi tôi còn có con cái, gia đình và cả những điều tươi đẹp đang chờ phía trước. Tôi tin rằng, chỉ cần tôi luôn kiên trì, cố gắng thì không có khó khăn nào làm tôi gục ngã được” - chị Y Ly Đanh nói.
Khuyết tật nhưng không khuyết quyết tâm, những người phụ nữ như Y Hòe, Y Ly Đanh và nhiều phụ nữ khuyết tật khác trên địa bàn tỉnh đang ngày ngày bù đắp những khiếm khuyết bằng chính nỗ lực của bản thân. Họ không chỉ toả sáng theo cách của mình mà còn tiếp thêm động lực cho những người phụ nữ khuyết tật khác vượt lên số phận để sống có ý nghĩa hơn./.
THU HIỀN