Thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về BHYT
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) và công tác khám chữa bệnh đối với người DTTS thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ BHYT.
Bao phủ BHYT là chỉ tiêu pháp lệnh nằm trong bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của tỉnh, do đó trong thời gian qua công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện và đạt được kết quả nhất định. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT có sự tăng, giảm qua từng năm (năm 2020 tăng 19.564 thẻ BHYT so với năm 2019; năm 2021 giảm 7.433 thẻ BHYT so với năm 2020; quý I/2022 tăng 4.574 thẻ BHYT so với năm 2021). Tính từ năm 2019 đến hết tháng 3/2022, ngân sách nhà nước đã đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người DTTS trên địa bàn là 736.176 lượt thẻ BHYT với tổng kinh phí là 485,499 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg (thay thế Quyết định số 582/QĐ-TTg và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/6/2021), địa bàn thụ hưởng có sự thay đổi so với Quyết định số 582/QĐ-TTg dẫn đến có số người dân được ngân sách nhà nước đóng BHYT bị ảnh hưởng 51.863 người. Sau khi cấp bổ sung cho các đối tượng (cấp bổ sung 10.830 người của các xã khu vực I lên khu vực II, khu vực III của Quyết định số 861/QĐ-TTg và các thôn đặc biệt khó khăn của Quyết định số 433/QĐ-UBDT (sau này là Quyết định số 612/QĐ-UBDT); cấp tăng 3.124 người cận nghèo do từ hộ nghèo chuyển sang cận nghèo), số thực giảm còn 37.909 người (trong đó, người DTTS là 37.760 người). Với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp của cơ quan BHXH, từ ngày 1/8-31/12/2021 đã vận động được 13.360/37.909 người dân tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình và học sinh, sinh viên. Như vậy, còn khoảng 24.549 người bị giảm đến nay chưa tham gia BHYT, đa số các hộ rất khó khăn về kinh tế.
Thực tế cho thấy việc thay đổi chính sách đã làm ảnh hưởng rất lớn đến số đối tượng hiện nay không được hỗ trợ BHYT. Theo thống kê 1 người khi bị ốm đau, bệnh tật không có thẻ BHYT sẽ phải tự chi trả trung bình khoảng 152.764 đồng/lượt khám bệnh ngoại trú, khoảng 3.663.412 đồng/lượt điều trị nội trú. Với mức thu nhập bình quân của hộ DTTS-hộ chiếm phần lớn trong tổng hộ nghèo của cả tỉnh, nếu không có thẻ BHYT thì chi phí dành cho khám chữa bệnh sẽ là gánh nặng của gia đình, ảnh hưởng lớn đến chính sách giảm nghèo bền vững và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là thách thức lớn đối với chính quyền và người dân tỉnh Kon Tum, nhất là trong điều kiện đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như giai đoạn hiện nay.
|
Cùng với việc nỗ lực để vận động, hỗ trợ người dân tham gia BHYT, tỉnh ta cũng đã làm tốt công tác khám chữa bệnh đối với người DTTS thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, gồm 21 cơ sở khám chữa bệnh công lập và 3 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện đầy đủ quy định về thủ tục khám chữa bệnh, xây dựng quy trình theo hướng tinh gọn, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Người DTTS khi đi khám bệnh được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quỹ BHYT chi trả, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người DTTS có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Theo thống kê, từ năm 2019 đến tháng 3/2022, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khám, chữa bệnh cho 706.473 lượt đối tượng là người DTTS thuộc nhóm được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT tế trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền là 331,855 tỷ đồng. Trong đó, số lượt khám chữa bệnh đúng tuyến là 634.268 lượt; số lượt khám chữa bệnh thông tuyến là 71.510 lượt; số lượt khám chữa bệnh không đúng tuyến là 695 lượt. Công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho các đối tượng là người DTTS thuộc nhóm được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT từ năm 2019 đến hết tháng 3/2022 là 70.874 lượt khám chữa bệnh BHYT nội trú với tổng kinh phí chi trả 238, 124 tỷ đồng; 635.599 lượt KCB ngoại trú với tổng kinh phí chi trả 93,731 tỷ đồng.
Các hộ thuộc hộ nghèo và đồng bào DTTS khó khăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế nhà nước từ tuyến huyện trở lên được quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh hỗ trợ với tổng số tiền là 35,225 tỷ đồng (tính từ năm 2019 cho đến tháng 3/2022). Bên cạnh đó, bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hằng ngày cung cấp từ 150-200 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, chất lượng khám chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT nói chung, đối tượng thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT nói riêng từng bước được nâng lên, người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, quyền lợi được đảm bảo.
Hà Nam